HCV Olympic loay hoay tìm đường du học

Theo quy chế, học sinh được chọn vào đội tuyển quốc gia đi thi Olympic quốc tế được ưu tiên cử đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách. Thực tế, mấy năm nay, ngay cả những em đạt thành tích cao nhất trong các kỳ thi này cũng phải tự tìm đường du học…

Với hai lần đoạt huy chương vàng kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế, một lần đoạt huy chương bạc và một lần đoạt huy chương vàng Olympic Vật lý Châu Á, Ngô Phi Long được báo chí gọi là “cậu bé vàng của vật lý Việt Nam”. Sau những cuộc tiếp đón rình rang tại sân bay Nội Bài, “cậu bé vàng” Ngô Phi Long đang chuẩn bị cho một hành trình mới: cấp tập học tiếng Anh và làm hồ sơ xin học bổng du học.

“Giữa tháng 8 này, Long sẽ xuống Hà Nội để học tiếng Anh, học phí 7,6 triệu đồng/khóa. Mấy năm qua, do mải học đội tuyển nên trình độ tiếng Anh của Long giờ chỉ là con số 0. Vì thế, có nhanh thì cuối năm nay Long mới đủ điều kiện tiếng Anh để nộp hồ sơ xin học bổng, và mùa thu sang năm mới có thể du học. Nhưng tôi nghe nói nhiều người phải học tiếng Anh đến 2 - 3 khóa mới đạt yêu cầu, nếu thế thì chẳng biết bao giờ Long mới được du học”, chị La Giang, mẹ của Long, chia sẻ.

HCV Olympic loay hoay tìm đường du học - 1

Ngô Phi Long (phải), học sinh Trường THPT chuyên Sơn La và Bùi Quang Tú, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đoạt HCV Olympic Vật lý châu Á năm 2013. Ảnh: TTXVN

Đậu Hải Đăng, huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm ngoái, đang học ở Khoa Toán Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Hiện nay, các điều kiện để nộp hồ sơ xin học bổng du học Đăng đã chuẩn bị gần xong. Thi Toefl, Đăng đạt 106/120 điểm, điểm thi SAT các môn Toán, Lý cũng khá cao (Toán 800/800 điểm, Lý 770/800 điểm).

Tuy nhiên, cơ hội thuận lợi nhất để xin học bổng du học lại đã trôi qua. “Đăng muốn học toán ở một trường ĐH lớn của Mỹ, nhưng những trường này dành rất ít chỉ tiêu cho sinh viên ĐH. Nếu xin du học khi còn là học sinh phổ thông thì thuận lợi hơn, nhưng lúc đó Đăng còn mải học đội tuyển. Nhiều người động viên tôi rằng, sớm hay muộn rồi Đăng vẫn sẽ được du học. Nhưng tôi lớn tuổi rồi, chỉ muốn con được đi học sớm để trở về Việt Nam sớm”, chị Thanh buồn bã.

HCV Olympic loay hoay tìm đường du học - 2

HCV Olympic Toán Quốc tế 2012 Đậu Hải Đăng chụp chung cùng gia đình và người thân. Ảnh: BPTV

Trong số các bạn cùng đi thi Olympic quốc tế toán năm 2012 cùng với Đăng (và đều đoạt giải), ba bạn Duy, Tâm và Linh đã xin được học bổng du học ở Singapore. Đăng và hai bạn nữa vẫn học ĐH trong nước.

Lãng phí?

Nhiều ý kiến cho rằng, để những học sinh giỏi đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế hôm nay trở thành những nhân tài trong tương lai, điều kiện đầu tiên là các em phải được đào tạo bởi những người thầy giỏi ở những trường ĐH hàng đầu thế giới. “Việc gặp được thầy giỏi, đủ tầm để giúp các học sinh giỏi xác định đường hướng nghiên cứu trong tương lai rất quan trọng.

Tôi thấy hơi lo khi thấy các em đoạt huy chương trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế tiếp tục theo học ĐH trong nước. Đành rằng, nếu không đi theo con đường nghiên cứu khoa học mà làm kỹ sư hoặc kinh doanh các em đó vẫn có thể thành công, nhưng như vậy tôi thấy lãng phí”, anh V.N, nghiên cứu sinh ở ĐH Memphis (Mỹ) nói.

HCV Olympic loay hoay tìm đường du học - 3

“Cậu bé vàng” Ngô Phi Long. Ảnh: Hồng Vĩnh

GS Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Toulouse (Pháp) nhận định: “Điều cần làm ngay với những học sinh đoạt huy chương các kỳ thi Olympic quốc tế là phải đưa các em đó đi đào tạo ở nước ngoài. Môi trường ĐH trong nước hiện nay không thể nào đảm đương được việc đào tạo người tài”.

Yêu cầu Nhà nước phải gửi người giỏi, trong đó có học sinh đoạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế, đi đào tạo ở các nước có nền giáo dục ĐH phát triển từng được đặt ra từ nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, sau khi ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, vấn đề này mới được giải quyết thông qua Đề án 322.

Năm 2011, Bộ GD&ĐT đưa vào quy chế thi chọn học sinh giỏi quy định: “Học sinh là thành viên đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực (…) được ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng, chi phí đào tạo do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam”.

Nhưng từ khi quy chế có hiệu lực, ưu đãi này mất tính khả thi do Đề án 322 kết thúc. Năm ngoái, trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Bộ sẽ không để cho các cháu tự thân vận động mà Bộ sẽ lo về việc này, tuy nhiên hiện nay chưa có kết quả cụ thể. Bộ sẽ phấn đấu để vào năm học tới, các cháu kịp du học. Cái này khó vì không chỉ phụ thuộc vào Bộ GD&ĐT”.

Đến nay khả năng “Bộ lo” vẫn đâu đó mịt mờ. Ông Trần Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Tài năng – Liên hiệp Các Hội khoa học Việt Nam, nhận xét: “Nhà nước có chính sách ưu đãi nhằm phát hiện, bồi dưỡng người tài nhưng cung cách thực hiện rất thiếu chuyên nghiệp nên hiệu quả không đi đến đâu”.

TS Trần Nam Dũng, người từng đoạt huy chương vàng kỳ thi Olymic quốc tế toán năm 1983, giờ là giảng viên Khoa Toán Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, để tạo điều kiện cho các mầm non tài năng phát triển, phải sớm gửi học sinh giỏi du học nước ngoài. “Năm nay, Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM có hai em đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế. Các em đều yêu Toán và muốn học Toán tiếp. Trước mắt, các em sẽ học tại trường nhưng các thầy sẽ nỗ lực hết sức, tìm kiếm trong các mối quan hệ của mình các cơ hội để “đẩy” được các em đi”, TS Dũng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN