Hắt hiu ngành lịch sử
Hiện cả nước có khoảng 20 trường, khoa sư phạm đào tạo giáo viên lịch sử bậc THPT. Tuy nhiên, ngành lịch sử ngày càng ít thu hút người học.
Điểm chuẩn vào ĐH ngành lịch sử tại nhiều trường ngày càng giảm. Tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nếu năm 2009 điểm chuẩn ngành này là 18 điểm thì năm 2012 chỉ còn 15,5 điểm. Tại Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, 3 năm trở lại đây, điểm chuẩn ngành lịch sử chỉ ở mức 14 đến 14,5 điểm. Tại nhiều trường ĐH khác, ngành học này chỉ bằng điểm sàn nhưng vẫn không thu hút sinh viên.
“Ở Khoa Sử - Trường ĐH Sư phạm TPHCM trong nhiều năm, sinh viên chỉ từ các tỉnh xa đến học, số sinh viên có hộ khẩu tại TP gần như không có. Điều đó cho thấy con em những gia đình có điều kiện không vào học ngành lịch sử” - PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nhận định trong một nghiên cứu về thực trạng đào tạo giáo viên THPT tại các trường sư phạm hiện nay.
Theo khảo sát của tác giả này, hiện Khoa Sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 40 giảng viên, Khoa Sử Trường ĐH Sư phạm TPHCM có 18 giảng viên, Khoa Sử Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) có 10 giảng viên, Khoa Sử Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) có 21 giảng viên… Tuy nhiên, số giảng viên có học hàm học vị còn ít, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên rất hạn chế, số người có sách và giáo trình giảng dạy chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Khảo sát chương trình đào tạo của các khoa sư phạm lịch sử cũng cho thấy thời gian dành cho đào tạo nghề và thực tập nghề chỉ chiếm khoảng 20% chương trình - một tỉ lệ quá thấp. Phần lớn trong 4 năm đào tạo, sinh viên chỉ được đi thực tế chuyên môn 1 lần.
Tại hội thảo về thực trạng chất lượng cử nhân ngành lịch sử qua đánh giá của nhà tuyển dụng, do Trường ĐH KHXH-NV TPHCM tổ chức cách đây không lâu, đánh giá nhu cầu nhân lực ngành lịch sử ở TPHCM và các tỉnh phía Nam vẫn chưa bão hòa, thậm chí sinh viên ra trường dễ kiếm việc làm. Tuy nhiên, quá trình tuyển dụng cho thấy cử nhân lịch sử còn thiếu thông tin thực tế, đặc biệt là lịch sử địa phương, việc nghiên cứu chưa sâu do chỉ dựa vào internet; không ít cử nhân lịch sử bộc lộ kỹ năng làm việc quá yếu, soạn thảo một văn bản thông thường không đạt... Đó là chưa kể đến kiến thức xã hội, kinh tế còn rất hạn chế.
Do đó, để ngành lịch sử thu hút người học và gắn với nhu cầu thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng phải bắt đầu từ việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp đào tạo, tăng thời lượng các môn học đào tạo nghề, bổ sung các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, trang bị kiến thức về khoa học tự nhiên, kinh tế, năng lực nghiên cứu… để nâng chất lượng đào tạo nhân lực ngành lịch sử trong các trường ĐH hiện nay.