Hành vi phạt uống nước giẻ lau của cô giáo "độc ác" như thế nào đối với học trò?
Không chỉ bé Phương Anh mà những học sinh khác phải chứng kiến hành vi này cũng sẽ phải chịu sự tổn thương về tâm lý rất nặng nề.
Sự việc cô giáo phạt ép học sinh uống nước giẻ lau bảng ở Hải Phòng đang rất bức xúc trong dư luận. Bởi lẽ, chỉ vì học trò nói chuyện mà cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, Chủ nhiệm lớp 3A5 (trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương) đã răn đe trò bằng hình thức bắt các em uống nước được vắt ra từ giẻ lau bảng.
"Hành vi tàn bạo"
Hình thức kỷ luật này đã được thực hiện với em Phạm Phương Anh, học sinh lớp 3A5. Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn) đánh giá, hành vi này có thể gây nên sự nhìn nhận méo mó về người thầy của các em học sinh.
“Đây là hành vi làm nhục học sinh, có thể nói là cách làm tàn bạo đối với học trò, là hành vi độc ác chứ không còn chỉ là hình phạt” - ông Chất đánh giá - “Độc ác” là bởi hành vi ấy gây ra 3 tác động xấu không chỉ riêng với bé Phương Anh mà còn ảnh hưởng đối với các học sinh khác: về sức khỏe, hủy hoại tâm lý hiện tại và sự bất ổn tinh thần về sau".
Ngôi trường nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Minh Thư
"Chính cô giáo đã tự đánh mất mình và lòng tin của học trò. Bé sẽ bị sợ sệt và mất đi sự thân thiện với giáo viên, luôn sợ hãi và nghiêm trọng hơn là mất lòng tin khi thấy những người thầy, người lớn nói chung là tàn ác. Sự tác động tiêu cực này không chỉ với bé Phương Anh mà với tất cả các em học sinh khác khi đã phải chứng kiến sự việc này. Nỗi sợ và sự mất lòng tin đó sẽ đeo bám suốt đời đối với đứa trẻ chứ không chỉ trong ngày một, ngày hai" – ông Chất đánh giá.
Chuyên gia Nguyễn An Chất cũng bày tỏ lo ngại khi nói về yếu tố sức khỏe của bé Phương Anh: “Cô giáo đã làm nhục học sinh, có thể nói là một cách tàn bạo đối với học trò. Đây là nước giặt giẻ lau bảng tức là có nhiều chất độc hại mà lại bắt các cháu uống, là hành vi độc ác chứ không chỉ là hình phạt nữa.
Bụi phấn thôi thì đã khổ rồi mà ở đây còn thêm các chất khác. Mà không cẩn thận có thể ảnh hưởng đường ruột, nội tạng của các cháu. Hậu quả không thể thấy ngay mà có thể sinh bệnh về sau…”.
Cũng bức xúc về câu chuyện này, TS. Vũ Thu Hương (chuyên gia tâm lý giáo dục, kỹ năng sống) cho rằng, có thể cô giáo trẻ này có vấn đề gì đó về mặt tâm lý và kém về kỹ năng xử lý khủng hoảng.
“Về góc độ tâm lý, nếu có hành vi đến mức có thể nói là hạ nhục, có hại cho sức khỏe của người khác thì chỉ có 2 lý do: một là quá hận người đó, hai là bản thân có vấn đề… Nhưng nói chung thì người ta ít và khó có thể hận một đứa trẻ con. Nên có thể cô giáo này bị trầm cảm hay biến động tâm lý vì lý do nào đó.
Đứa trẻ chắc chắn phải vô cùng sợ hãi và coi việc đi học, coi thầy cô chẳng khác gì quỷ dữ khi bị bắt phải làm việc mà bé biết rằng rất kinh tởm. Đồng thời, đối với những đứa trẻ khác phải chứng kiến điều đó còn kinh khủng hơn…
Bởi có sự nghịch lý về tâm lý học là đứa trẻ bị “ăn đòn” lại không đau bằng những đứa trẻ phải chứng kiến. Khi phải nhìn thấy bạn mình bị như vậy thì trẻ sẽ đặt một câu hỏi rằng “nếu là mình sẽ như thế nào” và thấy khủng khiếp hơn. Có thể trẻ sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng và sợ đi học, sợ cô giáo, sợ sai. Một khi sợ sai thì trẻ sẽ mắc tính hay bao biện và nói dối để tránh lỗi của mình" – TS Hương nhấn mạnh.
Cần phải làm gì?
Không làm bé tái hiện lại những hình ảnh xấu đó
Ông Nguyễn An Chất đưa ra lời khuyên: “Phải tạo cho trẻ những nụ cười vui tươi, lành mạnh. Người thân, thầy cô giáo cần thân thiện, cởi mở với bé hơn. Không nhắc lại chuyện đó và luôn nhấn mạnh rằng cô giáo làm như vậy chỉ là sự vô tình chứ không phải do ghét bỏ gì… Để cho các cháu khác trong trường, lớp cũng thấy rằng hình ảnh cô giáo vẫn là đẹp đẽ, đáng tin cậy”.
Đồng thời, theo ông Chất, phải cho các em học sinh biết rằng, đây chỉ là trường hợp cá biệt chứ không phải tất cả các thầy, cô giáo đều như vậy để các bé yên tâm và tin cậy. Các thầy, cô giáo khác cũng cần động viên, thân thiện và cởi mở với học trò trong lớp, trong trường của mình.
Sự việc gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Cần thiết có sự điều trị tâm lý
TS. Vũ Thu Hương cho biết, trường hợp nếu là con gái mình bị cô giáo gây nên những ảnh hưởng xấu như vậy thì chị sẽ cho con đi điều trị tâm lý. Đồng thời phải lên tiếng để xử lý nghiêm khắc hành vi của cô giáo đúng với trách nhiệm của một người mẹ, một người công dân.
Chuyển sang trường học khác
TS. Vũ Thu Hương đưa ra lời khuyên: “Cần phải chuyển con sang trường khác bởi môi trường cũ sẽ nhắc lại cho bé kỷ niệm kinh khủng ấy. Trước khi chuyển thì phải cho trẻ đi thư giãn ở đâu đó một thời gian để quên hẳn sự việc và khi quay về phải có sự tiếp cận từ từ”.
Cụ thể, sự tiếp cận cần kết hợp với nhà trường như cô giáo đến chơi, chia sẻ với con và dần dần rủ con đến trường. Có thể, vẫn có một lúc nào đó, bé sẽ nhớ lại sự việc đã qua nhưng cũng sẽ cảm thấy an toàn.
Sự việc đã qua có thể sẽ làm cho trẻ thực sự thấy bị mất an toàn và nghĩ rằng mình có thể gặp những thứ kinh khủng hơn, ví dụ là bị giết… Vì vậy, cô giáo phải tạo được sự an toàn cho chính đứa trẻ. Có thể không cần thiết phải đi điều trị tâm lý mà chỉ cần bố mẹ biết thì có thể xử lý được.
Trong quá trình đi khám sức khỏe cho cháu bé bị cô giáo phạt bắt uống nước vắt từ giẻ lau bảng, gia đình cháu và mẹ...