Hành trình vượt thác ghềnh của một "ôsin"
Thật khó tưởng tượng giữa thời buổi “gạo quế củi châu” này, một thiếu nữ không nhà vừa làm thuê vừa đi học mà vẫn học giỏi, lại nuôi được cả mình lẫn mẹ bị bệnh tâm thần suốt nhiều năm.
Gian nan thử người
Năm nay đã 24 tuổi, trông Mơ nhỏ bé như học sinh trung học. Mơ đã bước vào năm thứ tư khoa Kinh tế lớp Quản trị kinh doanh khóa 10 của trường Đại học Tây Nguyên sau khi được xếp loại xuất sắc cả năm học trước, trong điều kiện mỗi ngày đều phải tất bật vừa học vừa làm để nuôi mẹ, nuôi thân.
Nguyễn Thị Mơ, sinh năm 1989 ở đội 9, thôn Thượng Trung, xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, thời thơ ấu nghiệt ngã phủ đầy đòn roi của người cha tàn nhẫn. Cha Mơ vũ phu tới nỗi mẹ Mơ- bà Phạm Thị Mai (SN 1960) đành phải đi làm thuê xa con, lam lũ đời công nhân gạch ngói kiếm tiền gửi về cho chồng.
Tiếng là ở nhà chăm con, nhưng mẹ Mơ gửi về đồng nào cha Mơ lại dốc hết vào rượu chè, cờ bạc. Mới 6 tuổi Mơ đã tự xoay xở nuôi thân, một buổi đi học, 1 buổi băm rau thái chuối, tối về cho lợn ăn trước, nấu xong nồi cám lợn to rồi mới nấu cơm cho mình. Có lần Mơ không bê nổi nồi cám lợn, phải kéo lê quai nồi từ giếng vào bếp.
Mơ lau nhà.
Ông bố nhậu về thấy vệt nhọ bẩn nền, hất cả nồi canh đang sôi vào người đứa con gái bé bỏng. Bao nhiêu lần cha Mơ đánh chị em Mơ bầm dập là bấy nhiêu lần hàng xóm và các bác, phải chạy sang can. Khi Mơ vào lớp 6, vì không chịu nổi tính vũ phu của chồng, mẹ Mơ đành dắt con bỏ làng vào Đắk Lắk tha phương cầu thực.
Hai mẹ con bị xé lẻ, trôi dạt từ nhà này sang nhà khác trong thân phận “ôsin”. Cực nhọc mấy Mơ cũng chịu được, nhưng nỗi thèm được đi học luôn khiến em ròng rã khóc thầm. Mười sáu tuổi, Mơ thuyết phục được một gia chủ, rằng em sẽ vẫn làm chu đáo tất cả mọi việc được giao bất kể đêm ngày, miễn được mỗi ngày đến trường một buổi để đi học tiếp từ lớp 6. Trở lại đời học sinh, Mơ liên tục được bầu làm lớp trưởng.
Tại đó, Mơ đã tìm được một điểm tựa tinh thần là cô Nguyễn Thị Thanh Bình, chủ nhiệm Mơ từ lớp 6 tại trường THCS Hòa Đông ngoại thành Buôn Ma Thuột. Trong suốt nhiều năm, cô Bình dõi theo Mơ không chỉ bằng tình thương yêu mà cả nỗi khâm phục nghị lực hiếm có của cô học trò nhỏ.
Tự mắng mình để gượng dậy
Mơ gia sư.
Mỗi ngày lao động của Mơ thường bắt đầu từ 4 giờ sáng, quá nửa đêm mới kết thúc. Giặt giũ, lau nhà, rửa chén bát, đi chợ, nấu ăn, phục dịch từng người trong nhà chủ trong lúc đầu óc không ngừng ôn luyện khối kiến thức vừa học. Mơ liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm Mơ đang học lớp 10 thì mẹ đột ngột phát bệnh tâm thần.
Mơ thú thật có những đêm về sáng, kiệt sức rã rời, tưởng không gượng dậy nổi nhưng vẫn phải tự động viên bằng cách mắng mình: “Mày mà không tốt nghiệp đại học, không nuôi được mẹ thì đời mày về đâu, Mơ ơi?”. |
Mơ đã cố gắng tìm thầy, tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ nhưng không mang lại hiệu quả nên đành đưa mẹ về quê nhờ ông bà cậu mợ ngoài đó chăm sóc. Căn nhà của gia đình Mơ ở quê đã bị bão biển đánh tan tành, bố Mơ bỏ đi đâu không ai biết. Mơ vào gửi mẹ nhờ họ hàng trông giúp (lại vào Đắk Lắk làm thuê, đi học).
Từ đó đến nay, bất cứ việc gì để kiếm được đồng tiền chính đáng là Mơ làm. Làm thuê, bán báo, bán card điện thoại, gia sư, trông trẻ, đi lau nhà theo giờ. Tâm sự với tôi, Mơ thú thật có những đêm về sáng, kiệt sức rã rời, tưởng không gượng dậy nổi nhưng vẫn phải tự động viên bằng cách mắng mình: “Mày mà không tốt nghiệp đại học, không nuôi được mẹ thì đời mày về đâu, Mơ ơi?”.
Vào đại học, kỳ đầu vì quá mệt mỏi với cuộc sống phụ thuộc nhọc nhằn nên học lực của Mơ chỉ trung bình. Sang kỳ 2, Mơ nhận được học bổng loại khá của trường. Năm thứ hai, Mơ được cấp học bổng giỏi 1,8 triệu đồng/kỳ.
Cuối năm ba, Mơ vươn lên loại xuất sắc với điểm bình quân 2 học kỳ 8,55, được nhận mức học bổng 2,1 triệu đồng/kỳ. Bây giờ nỗi bận tâm lớn nhất của Mơ là làm sao sau chín tháng nữa, khi ra trường Mơ nhanh chóng xin được việc làm để có thể nuôi được mẹ một cách tốt nhất.
Cầm cuốn sổ khám bệnh ghi chép chi tiết bệnh trạng của mẹ Mơ suốt 8 năm qua, bất thường khi tỉnh khi lẫn với chứng tâm thần phân liệt, tôi bảo Mơ: “Có lẽ cô chỉ nên viết mẹ cháu bị ốm thôi, chứ công khai mẹ cháu tâm thần, lỡ các chủ nhà không cho mẹ con cháu ở nữa thì sao?”.
Mơ lắc đầu: “Không sao cô ạ! Cô chủ nhà cháu đang ở tốt lắm, cô đã biết rồi. Dạo này mẹ cháu cũng tạm ổn. Dù gì thì mẹ con cháu cũng không thể ở nhà người ta mãi được. Chỉ lo sắp tới cháu phải đi thực tập cả tháng, chưa biết chăm mẹ cách sao đây?”.
Cô Nguyễn Thị Thanh Bình, giáo viên dạy Văn dõi theo Mơ từ năm lớp 6 đến nay, kể: “Tôi từng là cô giáo của Mơ nhưng rất nể phục học trò mình. Nhiều khi thấy Mơ lam lũ quá, tôi muốn bao bọc giúp đỡ nhưng tính Mơ rất khẳng khái, nó không chịu nương tựa vào người khác mà luôn tự mình giải quyết mọi khó khăn.
Có đêm mưa to tầm tã, nó đi bán card ghé vào trú mưa, tôi dỗ: “Thôi mưa không dứt, con đưa hết mớ card đây cô mua hết, mai cô nhờ bạn bán giùm”. Tôi dạy học hơn hai mươi năm rồi, rất nhiều học sinh gắn bó nhưng chưa thấy em nào mạnh mẽ, hiếu thảo, tự trọng tới mức đặc biệt hiếm có như Mơ”.
Một buổi chiều Mơ không phải đến lớp, tôi ghé vào thăm, xem Mơ nhanh nhẹn lau chùi nhà cửa, quệt mồ hôi đầm đìa rồi khéo léo dỗ cho cậu con trai nghịch ngợm của cô chủ chịu ngồi vào bàn học. Hỏi: “Vài năm nữa, liệu Mơ sẽ thế nào nhỉ?”.
Mắt Mơ sáng ngời: “Cháu hy vọng những năm tháng khó khăn nhất trong đời sắp qua rồi. Cháu nhất định sẽ trở thành một quản lý tốt, sẽ làm mọi việc để kiếm tiền nuôi mẹ và giúp đỡ những người thân ngoài quê hiện còn sống quá đói nghèo”.
Chủ nhiệm suốt 4 năm đại học của Mơ là thầy Đỗ Mạnh Hoàng dạy môn Marketing. Trao đổi với tôi về Mơ, thầy trầm ngâm: "Tôi chưa từng thấy sinh viên nào nghị lực phi thường như vậy. Hoàn cảnh nghiệt ngã, nhưng em vẫn vươn lên không chỉ xuất sắc trong mọi môn học, mà còn thân thiện, hòa đồng, tham gia tốt mọi phong trào văn nghệ thể thao của trường, là cầu thủ đáng gờm của đội bóng đá nữ giải nhì toàn khoa. Mà khoa thì tới 20 lớp, như lớp này đông tới 76 sinh viên. Tôi sẵn sàng đề cử Mơ nhận những học bổng sáng giá nhất, nếu được. Bởi em ấy hoàn toàn xứng đáng". |