Hàng nghìn học sinh Đắk Lắk tốt nghiệp lớp 9 có nguy cơ thất học, trách nhiệm của ai?

Sự kiện: Giáo dục

Ngày tựu trường cận kề nhưng hàng nghìn học sinh đã tốt nghiệp THCS ở Đắk Lắk vẫn chưa có trường, lớp để học. Tỉnh này vừa tổ chức một cuộc họp với đầy đủ thành phần nhưng cũng chưa thể giải quyết ngay tình trạng trường lớp cho học sinh.

Cử tri bức xúc

Ngày 16/8, bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì cuộc họp đánh giá công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh.

Cuộc họp này mở ra sau khi dư luận phản ánh gay gắt về tình trạng hơn hàng nghìn học sinh tốt nghiệp THCS nhưng chưa có trường, lớp để học.

Bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì cuộc họp

Bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì cuộc họp

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đắk Lắk, năm học 2022-2023, tỉnh Đắk Lắk có trên 29.700 học sinh tốt nghiệp THCS. Số học sinh trúng tuyển vào lớp 10 (tính cả trường công lập và tư thục) hơn 23.100 em, chiếm tỷ lệ 78%. Còn hơn 6.500 học sinh chưa trúng tuyển vào lớp 10.

Trong số này, có hơn 4.000 em trúng tuyển học lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên của các trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp (GDTX-GDNN). Số học sinh còn lại hiện vẫn chưa có trường để học (khoảng hơn 2.400 em).

Tại cuộc họp, ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, năm nay toàn thành phố có hơn 6.500 học sinh tốt nghiệp THCS. Thành phố có 9 trường THPT, theo chỉ tiêu của Sở GD&ĐT giao, các trường đã tuyển được hơn 3.600 em, còn lại hơn 1.000 học sinh chưa biết học ở đâu.

Theo ông Hưng, hiện nay, dư luận, kể cả đợt tiếp xúc cử tri vừa qua của thành phố rất bức xúc đối với công tác tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD&ĐT thực hiện và chỉ đạo.

Ông Hưng nhận thấy công tác tuyển sinh chưa có sự liên thông và chỉ đạo giữa các trường với nhau, mà đầu mối chỉ đạo xuyên suốt phải là Sở GD&ĐT.

Việc báo số lượng học sinh cho những năm học tiếp theo chưa được sâu sát để phân luồng, dẫn đến tình trạng dôi dư nhiều như hiện nay. Các em không đậu THPT gần như tự đăng ký, tự liên hệ tìm nơi để học.

Toàn cảnh cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

“Chương trình Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018–2025 (Đề án 522) phân luồng 30% học sinh THCS tham gia GDTX-GDNN. Đó là mặt bằng chung cả nước, còn địa phương ta, học xong nghề thì có nhà máy xí nghiệp, công ty để các em làm không?” - ông Phạm Tiến Hưng đặt vấn đề.

Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột nói thêm, công tác tuyển sinh vào lớp 10 là trách nhiệm của sở và các trường THPT, nhưng chịu tác động là người dân, chính quyền địa phương. Do đó, kiến nghị quá trình tuyển sinh cần có sự phối hợp giữa UBND các huyện, thị xã, thành phố với Sở GD&ĐT để trao đổi, thống nhất, xuất phát từ tâm tư nguyện vọng chính đáng của học sinh, chứ đưa những quy định của cấp trên áp xuống thì cứng nhắc.

Bất cập trong tuyển sinh

Không riêng TP Buôn Ma Thuột, các đại biểu đại diện cho các địa phương dự cuộc họp đều báo cáo tình trạng dôi dư học sinh vào lớp 10, chưa có nơi học tập.

Lý giải tình trạng học sinh học xong lớp 9 nhưng thiếu trường lớp để lên lớp 10 như hiện nay, đại diện sở GD&ĐT cho rằng việc phân tuyến và hình thức xét tuyển bộc lộ những bất cập khi số học sinh tăng cơ học, công tác đào tạo nghề chưa gắn với sử dụng nên chưa thu hút được học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường trung cấp, cao đẳng nghề theo mục tiêu phân luồng học sinh như Đề án 522.

Bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, cuộc họp hôm nay vẫn còn loay hoay, chưa thể xử lý dứt điểm việc trường, lớp cho học sinh. “Tại sao đến giờ này, chúng ta vẫn chưa đạt chỉ tiêu phân luồng học sinh? Tại sao các em không học nghề. Có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi liệu đã làm tốt công tác truyền thông chưa? Hay chúng ta cứ nghĩ là chúng ta đã nghĩ đến là được rồi?”, bà H’Yim Kđoh nêu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin thêm, kế hoạch tuyển sinh hằng năm do Sở GD&ĐT trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở điều kiện của địa phương và nhu cầu học tập của con em trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, còn việc giao chỉ tiêu, điểm cụ thể cho các đơn vị trường học và cách thức tiếp nhận hồ sơ như thế nào thuộc Sở GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo và giám sát.

Thế nhưng, theo bà H'Yim, sau khi có ý kiến từ báo chí, phụ huynh phản ánh, Sở GD&ĐT trả lời thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Chưa hết, sau khi có kết quả tuyển sinh, sở chưa có văn bản hướng dẫn, định hướng phụ huynh cho con em họ học ở đâu, cách thức như thế nào, công tác chỉ đạo tuyển sinh như vậy ổn chưa?

Đại biểu tham dự cuộc họp nêu ý kiến

Đại biểu tham dự cuộc họp nêu ý kiến

Trước tình hình trên, bà H Yim Kđoh đề nghị Sở GD&ĐT tiếp tục rà soát chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường THPT tuyển đủ số lượng theo yêu cầu. Đồng thời, rà soát chính xác số lượng học sinh thiếu trường, lớp ở từng địa phương để cân đối bố trí các em vào học tại các trung tâm GDTX.

Các địa phương ưu tiên bố trí bổ sung nguồn vốn nhanh chóng đảm bảo cơ sở vật chất, hợp đồng giáo viên cho các trung tâm GDTX, GDNN để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

“Ngày 20/8 phải báo cáo UBND tỉnh, các em phải có trường có lớp để yên tâm chuẩn bị các điều kiện để vào năm học mới. Do đó chúng ta phải hết sức khẩn trương có trường có lớp để các em học sinh có thể vào học”, bà H'Yim Kđoh chỉ đạo.

Thông tin học sinh lớp 9 học không tốt phải cam kết không thi vào lớp 10: 2 trường ở Hà Nội nói gì?

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội đã trực tiếp làm việc với hai trường và kiểm tra hồ sơ tại trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huỳnh Thủy ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN