Hàng loạt trường thừa giáo viên

Nhiều trường sắp xếp lại lớp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn tới việc thừa hàng loạt giáo viên, buộc phải thuyên chuyển hoặc dạy phụ đạo, bồi dưỡng... cho đủ số tiết

Nhiều trường sắp xếp lại lớp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn tới việc thừa hàng loạt giáo viên, buộc phải thuyên chuyển hoặc dạy phụ đạo, bồi dưỡng... cho đủ số tiết

Đầu năm học 2014-2015, tất cả 20 trường học ở cấp THCS huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tiến hành sắp xếp lại số lượng học sinh (HS) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và UBND tỉnh. Vì vậy, đã có 76 giáo viên (GV) trong biên chế bị thừa. Nhiều trường ở các huyện khác cũng tương tự như vậy khiến cả trăm GV trong biên chế tại tỉnh Thừa Thiên - Huế  lao đao.

Hàng loạt trường thừa giáo viên - 1

Nhiều trường thừa hàng loạt giáo viên

Từ giáo viên thành.. tuyên truyền viên

Ông Lê Đình Phong, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Phú Vang, cho biết trong tổng số 76 GV bị thừa, đã có 18 trường hợp dạy các môn tự chọn như Anh văn, nhạc họa, thể dục... của khối THCS được chuyển sang dạy bậc tiểu học sau khi họ có đơn tự nguyện xin chuyển. Hiện đối với những GV thừa ở các bộ môn không phù hợp với cấp tiểu học, các trường phải bố trí dạy thêm ở các lớp bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo cho HS yếu, kém của trường để đủ số tiết theo quy định.

Theo ông Phong, huyện cũng sẽ “biệt phái” khoảng 20 GV thừa sang phụ trách tại các trung tâm học tập cộng đồng của xã để tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, khuyến nông, xóa mù... nhưng vẫn hưởng các chế độ của ngành. “Theo tính toán, cuối năm 2015 sẽ có 20 GV nghỉ hưu và huyện không có chủ trương tuyển GV ở cấp này nữa” - ông Phong cho biết.

Sau khi sắp xếp lại số lớp, Trường THCS Phú Thanh (huyện Phú Vang) có đến 7 GV môn sinh học, công nghệ, ngữ văn và toán bị thừa. Hiện một GV đã xin nghỉ việc, những trường hợp còn lại nhà trường phải tìm mọi cách cho họ đứng lớp đúng số tiết theo quy định. Ông Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thanh, cho biết trước đây, GV dạy phụ đạo, bồi dưỡng học sinh nếu quá giờ quy định thì được hưởng chế độ nhưng nay họ phải “cày” tại các lớp này để bù được đúng số tiết mà mình phải đứng lớp.

Tương tự, Trường THCS Vinh Phú cũng thừa đến 5 GV ở môn văn, công nghệ, thể dục, tin và giáo dục công dân. Các GV phải dạy phụ đạo cho học sinh để có đủ số tiết. Còn Trường THCS Vinh Xuân thì phải chuyển 3 GV xuống dạy cấp tiểu học.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu phó Trường THCS Vinh Thái, cho biết sau khi giảm từ 14 lớp xuống còn 11 lớp, có 8 GV bị thừa, một GV đã nghỉ việc, còn lại phải dạy phụ đạo cho đủ số tiết. “Nhà trường cũng cố hết sức nhưng số lượng thừa quá lớn, phòng học thiếu nên các thầy cô chỉ đứng lớp một tuần được 15-16 tiết so với quy định là 19 tiết” - ông Tuấn nói.

Ông Phan Văn Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Quảng Điền, cho biết hiện ở cấp tiểu học huyện này thừa 60 GV, khối THCS dư khoảng 40 GV. Theo ông Hưng, ở cấp tiểu học thừa là vì trước đây các bộ môn tự chọn đều do các GV dạy chính đảm nhiệm đứng lớp nhưng khi có đề án dạy nâng cao của Bộ GD-ĐT thì hàng loạt GV được tuyển vào, mỗi lớp 1-2 người nên bây giờ mới ra nông nổi.

Sắp xếp không theo lộ trình

Theo ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau khi Bộ GD-ĐT có quy định về tỉ lệ tối đa 35 HS/lớp đối với cấp tiểu học và 45 HS/lớp ở THCS, vào tháng 4-2014 tỉnh đã có văn bản 3674 hướng dẫn các địa phương thực hiện với tính chất lâu dài.

Theo đó, tỉnh này quy định ở các huyện miền núi số lượng HS/lớp tối thiểu đạt 70% so với quy định của Bộ GD-ĐT, đồng bằng là 80%, các thị xã là 90% và TP Huế trên 90%. Sau khi sắp xếp, ở cấp tiểu học giảm 101 lớp, trung bình 25,9 HS/lớp; cấp THCS giảm 122 lớp và 33,8 HS/lớp đã khiến 234 GV khối THCS bị thừa.

“Dù tỉnh không quy định thời gian phải hoàn thành và thay vì phải có lộ trình 4-5 năm để không có biến động thì các địa phương, trường học đã quá nôn nóng thực hiện và hoàn thành ngay đầu năm học 2014-2015 khiến nhiều GV bị thừa. Ngoài ra, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có quá nhiều điểm trường nhỏ lẻ nên sau khi sắp xếp thừa GV là tất yếu” - ông Hùng nói.

Ông Phạm Văn Hùng cũng cho biết sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế một số giải pháp sắp xếp công việc các GV bị thừa. Theo đó, tỉnh cần sớm hoàn thành, rà soát quy hoạch giáo dục định hướng đến giai đoạn 2020-2030; chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng nội dung công văn 3674 của UBND tỉnh về sắp xếp tỉ lệ học sinh, bảo đảm phải có lộ trình, sở GD-ĐT tỉnh này sẽ tiến hành duyệt của từng đơn vị từ nay đến 2018-2019, đồng thời có kế hoạch quản lý phù hợp, chặt chẽ trong việc tuyển GV.

“Chúng tôi sẽ điều động một số GV thừa sang dạy ở các trung tâm học tập cộng đồng, GV dạy liên trường nhằm bảo đảm định mức số tiết. Tỉnh cũng cần tính toán để giao chỉ tiêu đào tạo cho Trường CĐ Sư phạm Huế để tránh đào tạo tràn lan” - ông Hùng nhấn mạnh.

Bậc này thừa, hệ kia thiếu

Tại tỉnh Quảng Nam, số lượng GV bậc THCS đang thừa rất nhiều. Ông Hồ Đắc Thiện, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phú Ninh, cho biết cấp THCS huyện đang thừa khoảng 50 GV toán, văn, Anh văn trong khi đó GV các bộ môn như giáo dục quốc phòng, kỹ thuật thì lại thiếu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa GV là việc áp dụng Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành năm 2009, về việc luân chuyển cán bộ, GV từ các huyện đồng bằng lên các huyện miền núi và ngược lại. Theo ông Lê Trung Cường, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên, ở cấp THCS đang thừa khoảng 50 GV do nhận GV miền núi về nhiều. Để giải quyết các GV này, phòng phải bố trí họ giảng dạy ở các trường có dạy 2 buổi/ngày.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, trong năm học 2013-2014, toàn tỉnh thiếu 1.118 GV. Trong đó, có 72 GV, nhân viên hệ THPT được Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi tạm thời cân đối giờ dạy. Còn lại, hệ mầm non thiếu 482 GV, tiểu học 424 GV và THCS là 147 GV.          

T.Thường - T.Trực

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Nhật (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN