Hàng loạt trường thông báo ngừng dạy thêm, phụ huynh ngổn ngang trăm mối tơ vò
Sau khi nhiều nhà trường thông báo dừng tổ chức dạy thêm theo Thông tư 29, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng khi bỗng thêm nỗi lo quản lý con ở nhà.
Theo Thông tư 29 Bộ GD-ĐT ban hành, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Khi đối tượng dạy thêm bị thu hẹp và việc dạy thêm không có nguồn kinh phí (học phí học thêm) để chi trả thù lao cho giáo viên, nhiều trường học đã và đang lần lượt thông báo dừng tổ chức việc này trong trường.
Trước thông báo từ nhà trường, không ít phụ huynh bày tỏ lo lắng về việc quản lý con ra sao nếu tới đây sẽ thêm một buổi ở nhà, thay vì ở trường cả ngày như trước.
Ảnh minh họa.
Chia sẻ với VietNamNet, chị Hoa, một phụ huynh tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) bày tỏ rất lúng túng trong việc quản lý con cũng như lo lắng kết quả học tập của con có thể giảm sút khi nay chỉ học một buổi sáng chính khóa trong khi bấy lâu con chị vốn theo guồng học ở trường cả ngày.
“Nhà trường thông báo chỉ còn dạy thêm trong nhà trường cho học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt hoặc được lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, tuy nhiên số này rất ít. Việc tổ chức các hoạt động như rèn luyện kỹ năng sống, bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao chỉ được mấy buổi chứ không thể vào tất cả các buổi chiều trong tuần. Giờ đây, con sẽ phải tự học, tự làm chủ thời gian. Tôi lo lực học của con sẽ giảm sút, đặc biệt là học sinh cuối khóa sắp thi vào lớp 10 cạnh tranh khốc liệt”, chị Hoa nói.
Chị lo trong điều kiện xã hội ngày nay, việc để con ở nhà một mình rất dễ xảy đến tiêu cực, nhất là việc trẻ mải lướt điện thoại với vô vàn thông tin không lành mạnh cám dỗ.
“Con ở lứa tuổi này thường rất dễ mất tập trung, bị ảnh hưởng bởi những mối quan tâm xung quanh. Ở trường có thầy cô giám sát, nhưng ở nhà, bố mẹ đi vắng hết, không biết sẽ quản lý ra sao. Chưa kể các con còn rủ nhau đi chơi có thể dẫn đến tai nạn giao thông, đuối nước, thậm chí bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật”, chị Hoa nói.
Chị chia sẻ, có thể nhiều trường hợp học thêm ở trường không hiệu quả cao nhưng các gia đình vẫn muốn cho con tham gia bởi ít nhất là chắc chắn con được trú ngụ ở một môi trường an toàn.
'Học thêm ở ngoài trường đắt hơn'
Một phụ huynh khác ở ngoại thành Hà Nội cho hay, mỗi tháng thu nhập 2 vợ chồng khoảng 18 triệu đồng, nuôi hai con, lớp 9 và lớp 8.
“Trước đây, mỗi tháng, ngoài tiền học thêm buổi chiều trên trường của 2 con khoảng 2 triệu đồng, tôi cho con lớn học thêm tiếng Anh tại trung tâm với chi phí 1,2 triệu đồng nữa để chuẩn bị thi cuối cấp.
Nhưng mới đây, cô giáo chủ nhiệm thông báo sắp tới nghỉ học tại trường buổi chiều, phụ huynh tự quản con. Thật sự tôi rất lo các con ở nhà không quản lý được. Tôi đi tìm chỗ học thêm cho con, coi đó là một cách để quản lý, nhưng người ta lấy học phí khá cao, khoảng 100-120 nghìn/buổi/môn.
Như vậy, nếu tính 2 con đi học thêm ở ngoài với 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh, chúng tôi tốn gần 6 triệu đồng/tháng, gấp đôi mức chi hiện tại. Chúng tôi cũng tính đến việc phải cho con nhỏ tạm nghỉ để dồn cho con lớn thi chuyển cấp nhưng nghĩ cũng khó. Học phí chiếm 1/3 thu nhập gia đình thì không ổn, và như vậy cuối tháng chúng tôi không để ra được đồng nào phòng việc bất trắc”, vị phụ huynh băn khoăn.
Anh Nguyễn Văn Chinh (phụ huynh có con trai lớp 8 đang theo học một trường THCS ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho hay, anh đã nhận được thông báo trường nơi con theo học thực hiện đúng Thông tư 29, tức hết ngày 13/2 sẽ dừng tổ chức dạy thêm, học thêm vào buổi chiều như trước đây.
“Trước đây, con tôi học chính khóa buổi sáng, học thêm các môn Toán, Văn, tiếng Anh buổi chiều các ngày trong tuần, trừ thứ Năm và thứ Bảy. Giờ đây, con ở nhà, vợ chồng tôi thấy khó quản lý, con dễ mải điện thoại, lên mạng, tụ tập bạn bè chơi game... Chưa kể, con học cả ngày thì nhà trường lo ăn bán trú, giờ chúng tôi phải lo bữa trưa cho con rồi tính người trông buổi chiều”, anh Chinh nói.
Vị phụ huynh cho hay, dù trước đây, gia đình mỗi tháng mất thêm một khoản kinh phí cho việc học thêm tại trường của con nhưng đổi lại được sự yên tâm khi đi làm.
“Số tiền học thêm tại trường thực ra không đáng kể. Mỗi tháng con học thêm 4 buổi chiều tại trường chỉ tốn hơn 400 nghìn đồng. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, nhưng còn được gần nhà. Với những nhà bố mẹ đi làm xa, nỗi thấp thỏm còn gấp bội”.
Để yên tâm hơn khi đi làm, vợ chồng anh đang tính đến việc lắp camera trong nhà giám sát con.
Anh Chinh cho hay, qua nắm bắt, các phụ huynh có con năm nay cuối cấp THCS còn âu lo hơn. “Nhà trường không được thu tiền, không có kinh phí trả thù lao cho giáo viên thì không thể tổ chức ôn thi cho học sinh khối 9. Chúng tôi - những phụ huynh khối 8 cũng bắt đầu hiện dần nỗi lo nếu việc tổ chức ôn thi cuối cấp năm sau không được tổ chức”, anh bày tỏ.
Trước đó, chia sẻ tại một hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ, dạy thêm, học thêm là hoạt động giáo dục liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, liên quan đến học sinh. Vì vậy, Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm ban hành các quy định về quản lý hoạt động này theo quy luật chuyên ngành cũng như phù hợp với các quy định khác.
"Quan điểm của Bộ GD-ĐT là không cấm hoạt động dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm những điều vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm; không đúng quy định”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT mong các nhà quản lý chia sẻ tới giáo viên hiểu rằng quy định dạy thêm học thêm để giữ gìn hình ảnh, đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà giáo và của ngành giáo dục.
“Những thầy cô chân chính, đủ năng lực, có tâm huyết không bao giờ có những hành vi ép buộc đối với học sinh mình để dạy học có thu tiền. Vì vậy, việc quy định một cách minh bạch như thế chính là bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành và của các thầy cô”, ông Thưởng nói thêm.
Ngày 7/2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và chủ tịch UBND các tỉnh, thành. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. |
Từng mỗi tuần học thêm 3 buổi tại trường và 3 buổi bên ngoài, từ học kỳ 2, con trai chị Thục (Phúc Thọ, Hà Nội) dừng tất cả các lớp học này khi nhận...
Nguồn: [Link nguồn]
-10/02/2025 05:00 AM (GMT+7)