Hàng loạt trường ĐH thu học phí, lệ phí vượt mức quy định
Thanh tra CP vừa thông báo Kết luận thanh tra trách nhiệm của Bộ GDĐT cùng 5 trường ĐH trong tổ chức và thực hiện Nghị định 43 với rất nhiều sai phạm như thu vượt mức học phí, lệ phí,…
Triển khai chậm, quản lý lỏng lẻo
Theo kết luận thanh tra, Bộ GDĐT đã ban hành quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc rất chậm.
Từ năm 2012 trở lại đây (sau khi Luật Viên chức có hiệu lực thi hành) Bộ GDĐT không giao chỉ tiêu biên chế mà triển khai theo quy định của Luật Viên chức là phê duyệt vị trí việc làm. Đến nay, Bộ GDĐT chưa phê duyệt được vị trí việc làm.
Thanh tra CP vừa thông báo Kết luận thanh tra trách nhiệm của Bộ GDĐT cùng 5 trường ĐH trong tổ chức và thực hiện Nghị định 43 với rất nhiều sai phạm (Ảnh minh họa)
Tháng 10/2013, Bộ GDĐT có văn bản thông báo ủy quyền cho các đơn vị sự nghiệp về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh lý tài sản hết hiệu lực. Do đó, các đơn vị này không được tự chủ trong một số lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền. Việc này không phù hợp với xu hướng phân cấp, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị và chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 43.
Việc ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định 43 còn chậm, nhất là việc ban hành hệ thống định mức kinh tế kĩ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng.
Bộ GDĐT chưa xây dựng được các tiêu chí cụ thể đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao theo quy định.
Kết quả thanh tra cũng cho thấy, việc kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị sự nghiệp của Bộ GDĐT còn hạn chế. Một số khuyết điểm, sai phạm của 5 đơn vị được thanh tra (ĐH Huế; Học viện nông nghiệp Hà Nội; ĐH Vinh; ĐH Luật TPHCM; ĐH kinh tế quốc dân TPHCM) trên các lĩnh vực tổ chức bộ máy, nhân sự, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tài chính, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai tài sản…chưa được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời.
Thu học phí, lệ phí vượt mức quy định
Đối với 5 trường (ĐH Huế; Học viện nông nghiệp Hà Nội; ĐH Vinh; ĐH Luật TPHCM; ĐH kinh tế quốc dân TPHCM), kết luận cho biết cả 5 đơn vị này đều chưa xây dựng được phương án tự chủ về bộ máy, chưa ban hành hoặc chưa điều chỉnh sửa đổi, bổ sung “Quy chế thực hiện dân chủ”, chưa thành lập Hội đồng trường, một số đơn vị chưa ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ đối với các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Điều lệ trường đại học.
Đáng chú ý, các trường còn ban hành một số văn bản không phù hợp với quy định của Nhà nước, hoặc căn cứ vào các quy định đã hết hiệu lực; quy chế chi tiêu nội bộ quy định một số khoản thu, chi không đúng với quy định của Nhà nước; ban hành văn bản quy định mức thu một số khoản học phí, lệ phí vượt mức quy định; quy định một số khoản thu có tính chất phí, lệ phí ngoài danh mục quy định tại Nghị định số 57 của Chính phủ.
Về Với tuyển sinh, đào tạo sau đại học, một số học viên của Đại học Huế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trúng tuyển chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác theo quy định. Đại học Kinh tế TPHCM đào tạo thạc sỹ kinh tế khoá 20 thời gian vượt quá quy định một năm.
Với tuyển sinh đại học, một số trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu của Bộ GDĐT giao. Hay Đại học Nông lâm thuộc Đại học Huế không được giao chỉ tiêu nhưng vẫn tuyển sinh từ liên thông cao đẳng lên đại học chính quy năm 2011 với 110 sinh viên.
Trường Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Huế) mở ngành đào tạo văn bằng 2 chưa có sự đồng ý của Giám đốc Đại học Huế. Thậm chí thời gian giảng dạy hệ này chưa đúng với quy định khi giảng dạy vào thứ Bảy, Chủ nhật và buổi tối các ngày trong tuần.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm khác từ các đơn vị được nêu như tuyển sinh đào tạo sau đại học, tuyển sinh đại học chính quy, liên thông cao đẳng lên đại học, tuyển sinh đào tạo vừa học, vừa làm, tuyển sinh đào tạo từ xa, liên kết đào tạo với nước ngoài, tự chủ về tổ chức, bộ máy biên chế…