Hàng loạt giáo viên bị “xén” tiền bảo hiểm
Hơn 150 cán bộ, giáo viên Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) bị đóng thiếu bảo hiểm xã hội nhiều năm nay. Sau khi vụ viêc được phát giác, nhà trường đã giải quyết cho 94 trường hợp, 60 trường hợp còn lại vẫn đang trông chờ vào khoản tiền phúc lợi của trường.
Trường THPT Trần Phú.
Thầy Phan Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: vụ việc đóng thiếu bảo hiểm của giáo viên, cán bộ được phát hiện vào năm 2013.
Sai phạm kéo dài
Thời điểm này, hiệu trưởng nhà trường là thầy Lê Vinh, nay đã chuyển công tác qua trường THPT Lê Quý Đông. Qua rà soát, nhà trường phát hiện có 154 người bị đóng chênh bảo hiểm xã hội thấp hơn so với mức lương. Việc này khiến các giáo viên, cán bộ nhà trường hết sức bất bình. Theo thầy Hùng, nhà trường đã nỗ lực giải quyết cho 94 trường hợp. Đến năm 2015 rà soát lại vẫn còn thêm 60 trường hợp.
Một giáo viên bức xúc: “Tôi hưởng lương ở bậc 8, hàng tháng vẫn bị trừ tiền BHXH theo hệ số bậc lương này. Nhưng thực tế trong bảo hiểm chỉ đóng theo bậc 7 nhiều năm liền”. Thậm chí, nhiều giáo viên hưởng bậc lương cao nhưng đóng trong bảo hiểm chỉ ở hệ số bậc 2. Sự chênh lệch này ảnh hưởng tới quyền lợi nên các giáo viên, cán bộ rất bất bình. Họ cũng thắc mắc nguồn tiền chênh lệch đó nằm ở đâu.
Trả lời về nguyên nhân vụ việc, thầy Hùng cho hay chính thầy trước đây cũng là nạn nhân, không thể biết xuất phát từ đâu dẫn tới sự thiếu hụt trầm trọng này. Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Vinh, nguyên hiệu trưởng nhà trường, nói: “Để xảy ra việc này là do “những người đi trước” không chịu đóng bảo hiểm cho giáo viên, cán bộ. Tôi cũng không biết cụ thể họ gồm những ai. Tôi đã nỗ lực hết sức, phối hợp với Sở GD&ĐT, bảo hiểm để giải quyết cho 94 trường hợp”. Tuy nhiên, ông không trả lời cụ thể giải quyết theo hướng nào.
Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm
Ông Văn Phú Long, Trưởng phòng quản lý thu (BHXH TP Đà Nẵng) cho biết: Đây là lần đầu tiên xảy sai phạm nghiêm trọng về đóng BHXH hàng loạt ở khối hành chính sự nghiệp. Ông Long tính toán mỗi tháng người lao động mất khoảng 500 ngàn vì BHXH đóng thấp hơn so với bậc lương. Ngoài ra, các chế độ thai sản, ốm đau… người lao động chịu rất nhiều thiệt thòi. Sự việc xảy ra lâu, nên số tiền người lao động chịu thiệt là rất lớn.
Theo ông Long, trách nhiệm xảy ra sai phạm thuộc về nhà trường mà cụ thể là hiệu trưởng và kế toán, những người chịu trách nhiệm đại diện cho chế độ của nhà nước trước người lao đông. Trách nhiệm của nhà trường là phải điều chỉnh BHXH cho người lao động ngay thời điểm họ lên lương.
“Thông thường khi có quyết định tăng lương, hiệu trưởng sẽ chuyển cho kế toán hoặc phòng tổ chức để điều chỉnh cho người lao động. Trách nhiệm nằm ở chỗ đó, ai sai phải chịu trách nhiệm”, ông Long nói.
Chiều 5/10, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết: đã có báo cáo gửi UBND TP về sự việc, đồng thời yêu cầu trường THPT Trần Phú báo cáo toàn bộ tình hình đóng bảo hiểm của giáo viên, nhân viên nhà trường và thành lập đoàn kiểm tra. Ông Vĩnh cho hay, theo thông báo của BHXH thành phố Đà Nẵng về kết quả đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tháng 8 năm 2014 thì số nộp thừa ghi nộp cho kì sau của Trường THPT Trần Phú là hơn 580 triệu đồng. Vì vậy, đoàn kiểm tra sẽ cùng BHXH thành phố xem xét, đối chiếu và tìm hiểu lý do vì sao có số dư nói trên. |