Hàng chục khoản phí đổ đầu phụ huynh
Các trường “sáng tạo” ra rất nhiều loại phí dưới những tên gọi khác nhau buộc phụ huynh phải đóng. Thế nhưng, dù đã thu hàng trăm ngàn, hàng triệu đồng, các trường vẫn cứ kêu thu không đủ chi.
Đầu năm học 2012-2013, phụ huynh học sinh các trường trên địa bàn TP.HCM hồ hởi đón nhận thông tin không phải đóng tiền cơ sở vật chất. Bù vào đó, ngân sách sẽ được rót thêm để các trường có thể hoạt động.
Tăng đột biến
Thế nhưng niềm vui đó chẳng kéo dài lâu. Tại nhiều trường mầm non ở Q.6, TP.HCM, trường đã trả lại tiền cơ sở vật chất thật, song bù lại các khoản thu khác tăng đột biến so với số tiền được trả lại và so với năm học trước. Cụ thể, Trường mầm non Rạng Đông 12 không thu 600.000 đồng tiền cơ sở vật chất nhưng lại có các khoản thu mới là tiền học phẩm học cụ 200.000 đồng, thiết bị vật dụng phục vụ bán trú 250.000 đồng; ngoài ra còn có tiền quản lý ăn sáng 50.000 đồng, phục vụ bán trú 200.000 đồng... bên cạnh các khoản học phí (200.000 đồng), tiền ăn (28.000 đồng/ngày), quỹ hội phụ huynh (45.000 đồng/tháng).
Các khoản thu mới đều nằm trong kế hoạch thu năm học 2012-2013 do Phòng GD-ĐT Q.6 đưa ra. Tuy nhiên, việc thay đổi tên gọi các khoản thu cùng với sự chậm trễ của quy định trả lại tiền cơ sở vật chất (ban hành khi các trường đều đã vào năm học) khiến nhiều phụ huynh hoang mang. Chị L.T., một phụ huynh tại quận này, bức xúc: “Trả lại tiền cơ sở vật chất rồi tăng các khoản khác cũng như không. Cuối cùng phụ huynh vẫn phải đóng và đóng nhiều hơn năm cũ”.
Bên cạnh đó, phụ huynh phải cắn răng đóng những khoản tiền “thỏa thuận” mà mình không hề mong muốn hoặc bị “chế tài” nếu không hoàn thành chỉ tiêu tiền trường. Phụ huynh của Trường mầm non Phước Bình, Q.9 cho biết: “Cách đây một tuần gia đình nhận được thư ngỏ, trong đó đề nghị phụ huynh đóng khoản tiền “nâng cao chất lượng” với mức 200.000- 300.000 đồng, tuy không bắt buộc nhưng lại có lưu ý “ai không đồng ý, không đóng thì ghi ý kiến vô giấy”.
Giờ học chiều 6/10 của học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM. Trường này chỉ thu một khoản học phí 110.00 đồng/tháng/học sinh, ngoài ra không thu thêm khoản nào khác
Tại một trường mầm non ở Q.1, phụ huynh cũng bất ngờ khi giáo viên thông báo thu 135.000 đồng/học sinh để “ốp gạch lên tường” nhưng khi phụ huynh hỏi kỹ hơn “ốp gạch ở đâu vì trường vừa xây mới rất đẹp?” thì nhận được câu trả lời “gạch đã ốp tường xong rồi, giờ mới huy động phụ huynh đóng góp để... trả nợ”. Ở một trường khác, tiền cơ sở vật chất vẫn được thu một cách bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra. Bên cạnh tiền cơ sở vật chất, phụ huynh còn phải đóng cả tiền “trang bị ban đầu”. Đó là chưa kể các khoản thu cho từng khoản cụ thể như công trình vệ sinh, cây xanh... lên đến hàng triệu đồng.
Phụ huynh một trường tại Q.12 bức xúc: “Đầu năm học, cô giáo ghi lên bảng 16 khoản thu khác nhau với tổng số tiền 470.000 đồng. Trong đó có hàng loạt khoản thuộc dạng hỗ trợ như: hỗ trợ vệ sinh phí 50.000 đồng; hỗ trợ sửa chữa, thay bóng đèn, thay cửa kiếng, bàn ghế 25.000 đồng; hỗ trợ sửa chữa, bảo trì máy móc phòng học tiếng Anh 50.000 đồng; hỗ trợ hoạt động phong trào văn thể mỹ 40.000 đồng; hỗ trợ thay rèm cửa 160.000 đồng... Tiền hỗ trợ mà đưa vào danh sách như thế, thử hỏi có phụ huynh nào dám không đóng?”.
Đặt nhiều tên
Tại Hà Nội, trong số 35 trường mà đoàn kiểm tra của HĐND thành phố đến kiểm tra có 13 trường thu sai. Rất nhiều khoản khi được công bố người ta mới biết đó là khoản thu phổ biến. Có trường đã thu tiền học phẩm của học sinh nhưng vẫn thu thêm tiền chụp ảnh thẻ, tiền mua phôi bằng tốt nghiệp, tiền photo tài liệu, đề thi, photo phiếu “dặn dò”, tiền mua sách tham khảo, mua vở “đồng phục”, bút “đồng phục”. Trường THCS Ngô Quyền, Sơn Tây, Hà Nội thu cả tiền mua ghế để học sinh ngồi chào cờ. Trường THCS Sơn Tây thu tiền photo đề thi khảo sát học sinh giỏi, thi học kỳ. Một số trường thu tiền môn tin học, bảo dưỡng máy tính, trông xe đạp, làm vệ sinh, tiền thuê người tưới cây trong sân trường, tiền thuê người phân luồng giao thông trước cổng trường học. Có những trường như Trường tiểu học Nguyễn Trãi, Lê Văn Tám, Hà Nội thu hàng trăm triệu đồng để sửa chữa, mua sắm thiết bị. Trong đó có những khoản chi không thích hợp với trường học như tiền lát sàn gỗ. Trường tiểu học Ngọc Hà, Hà Nội thu tiền mua máy nước nóng lạnh, tiền mua máy điều hòa...
Theo một số phụ huynh lớp 1 Trường tiểu học Lê Văn Tám, Hà Nội, ngoài quỹ phụ huynh trường và quỹ phụ huynh lớp, họ còn được ban đại diện cha mẹ học sinh vận động đóng 200.000 đồng/học sinh/tháng để bồi dưỡng cho cô giáo vì sĩ số quá đông nên... cô vất vả. Tại trường tiểu học Nam Thành Công, phụ huynh còn phải đóng tiền “giữ chân cô” trung bình 100.000-200.000 đồng/học sinh. Rất nhiều lời gợi ý được đưa ra vào dịp đầu năm học kiểu như vận động tiền sơn lại phòng học, gia cố cửa, sửa quạt điện... thậm chí cả tiền thông tắc nhà vệ sinh.
Tuy đặt ra nhiều khoản thu như thế nhưng các trường đều than thở nhiều về việc thu không đủ chi, ngân sách quá eo hẹp, nhà trường đành phải vận động phụ huynh hỗ trợ thêm mới bảo đảm chất lượng dạy và học. Hiệu trưởng một trường mầm non tại Q.6, TP.HCM cho biết: “Mức thu hằng năm không đủ để hoạt động, trường thường phải “xin” thêm ban đại diện cha mẹ học sinh. Năm nay, theo quy định mới thì không “xin” được nữa. Hiện tại, trường chỉ thu cao hơn năm ngoái gần 100.000 đồng đối với những khoản được phép thỏa thuận. Tuy nhiên phụ huynh vẫn không đồng tình. Thật sự những khoản thỏa thuận này đã tăng lên, song nếu để hoạt động tốt vẫn phải gói ghém lắm. Sau khi tăng, lương bảo mẫu, cấp dưỡng được tăng lên khoảng 700.000 đồng/người/tháng, nâng tổng thu nhập của họ lên khoảng 2 triệu đồng. Thu nhập này vẫn chưa tương xứng với việc họ phải có mặt ở trường từ 5h-6h sáng và làm việc liên tục, không nghỉ trưa, tới khi phụ huynh cuối cùng đón con về”.
Vậy đến bao giờ các trường mới thu đủ và bao nhiêu là đủ để các trường không phải biến hóa khoản này, khoản kia móc túi phụ huynh?
Chi ngân sách tăng 25% |