Hàn Quốc: Kém hạnh phúc trong GD nhất thế giới
Là một trong những quốc gia phát triển nhất châu Á hiện nay, Hàn Quốc đang trở thành một trung tâm kinh tế của khu vực. Áp lực tạo ra nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển đã đè nặng lên ngành giáo dục cũng như các thế hệ học sinh của nước này.
Trong nhiều lĩnh vực, Hàn Quốc đang làm cực kỳ tốt. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất khu vực. Xuất khẩu đang bùng nổ, góp phần không nhỏ vào GDP hiện tại của đất nước.
Theo đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố, sinh viên Hàn Quốc có nhiều chỉ số được nhận định là tốt nhất thế giới. Thanh niên Hàn Quốc có sự phát triển tốt hơn trong các lĩnh vực toán học, đọc so với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà Hàn Quốc lại nằm cuối cùng của bảng xếp hạng, đó chính là mức độ hạnh phúc của học sinh sinh viên đối với giáo dục.
Không có gì bí mật về việc học sinh Hàn Quốc tỏ ra đau khổ, đặc biệt ở cấp trung học – cấp học chuẩn bị cho đại học. Học sinh sẽ phải chiến đấu với một cuộc kiểm tra có tính cạnh tranh cao để tìm được một vị trí tại các trường đại học uy tín ở trong nước (Đại học quốc gia Seoul, Đại học Yonsei…). Họ kỳ vọng rằng sau khi đỗ đạt vào các trường này, lúc ra trường, họ sẽ có lợi thế lớn trong quá trình tìm việc của mình.
Áp lực này càng trở nên trầm trọng hơn khi bị đè nặng bởi kỳ vọng của các bậc cha mẹ ở Hàn Quốc. Theo OECD, Hàn Quốc cũng là quốc gia mà chỉ số kỳ vọng của phụ huynh đối với việc học hành của con cái cao nhất thế giới.
Bảng xếp hạng mức độ hạnh phúc trong giáo dục của PISA năm 2013
Sự tập trung cao độ về giáo dục của Hàn Quốc đã hỗ trợ không nhỏ vào phép lạ kinh tế trong nửa thế kỷ qua ở nước này. Vào những năm 1960, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực châu Phi và Mỹ Latinh. Ngày nay, Hàn Quốc là một trong 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người ngang với một số quốc gia lớn ở châu Âu.
Tuy vậy, cũng đã có những dấu hiệu cho thấy Hàn Quốc đang phải chịu những hậu quả cho áp lực giáo dục này.
Ví dụ, tình trạng tự tử hầu như đã suy giảm ở hầu hết các nước phát triển, riêng Hàn Quốc lại nằm ngoài xu hướng này.
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đã giảm đến mức thấp nhất trong các nước phát triển, trong đó, nguyên nhân một phần là bởi gánh nặng chi phí cho giáo dục ở Hàn Quốc quá nặng nề. Tỷ lệ sinh thấp đã biến Hàn Quốc trở thành một trong những xã hội già hóa nhanh nhất trên trái đất, có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế của nước này trong những thập kỷ tới.
Trong bảng xếp hạng mức độ hạnh phúc giáo dục của OEDC, Indonesia là quốc gia có chỉ số tốt nhất với hơn 90% số học sinh được hỏi đều cảm thấy hài lòng với việc học tập của mình. Mức độ hạnh phúc trong giáo dục của Việt Nam ở cao, xếp hạng 23 trên toàn thế giới với hơn 80% số học sinh được hỏi cảm thấy yêu mến việc học.