Hạn chế số người vào ĐH: "Để giảm số người thất nghiệp"

Việc khống chế quy mô sinh viên tối đa của các trường có ảnh hưởng không lớn tới cơ hội bước vào giảng đường ĐH của các em học sinh THPT.

Đây là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), trao đổi xung quanh vấn đề  Bộ vừa đưa ra Thông tư 32, trong đó quy định quy mô trường đại học không vượt quá 15.000 sinh viên.

Hạn chế số người vào ĐH: "Để giảm số người thất nghiệp" - 1

PGS.TS Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục & Đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Văn Áng cho biết, Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT có ý nghĩa định hướng cho toàn bộ các trường đại học trong hệ thống giáo dục tập trung các nguồn lực đào tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy, không dàn trải để mở rộng quy mô tuyển sinh. Bên cạnh đó, thông tư này còn là sự tiếp nối, bổ sung, hoàn thiện cho 2 tiêu chí giáo dục đã được đưa ra trong Thông tư 57 mà Bộ GD&ĐT ban hành trước đây nhằm thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu giáo dục, đào tạo.

Trước khi Thông tư 32 được ký, Bộ đã báo cáo trực tiếp với Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và nhận được sự đồng thuận cao về chủ trương chuyển hướng hệ thống giáo dục đại học từ tăng số lượng sang nâng cao chất lượng đào tạo. Các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong dự thảo cũng đã nhận được sự ủng hộ của Ủy ban.

Tuy nhiên, nếu áp dụng theo đúng Thông tư 32 thì nước ta có đến 18/219 trường đại học vượt mức 15.000 sinh viên ĐH chính quy. Trong số này, trường nào ít thì chỉ  vượt vài chục đến vài trăm sinh viên, cá biệt có những trường đại học như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Kinh doanh & Công nghệ có quy mô lên đến gần 30.000 sinh viên, nghĩa là vượt gấp đôi quy định hiện hành.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Áng, Bộ GD & ĐT đã có phương án chống “sốc” cho các trường có quy mô sinh viên lớn như trên bằng cách ban hành thêm công văn số 6843 để giải quyết và điều chỉnh. Cụ thể, trong kì thi đại học năm 2016, Bộ GD & ĐT yêu cầu các trường ĐH này phải đăng kí chỉ tiêu tuyển sinh theo đúng với tiêu chí 1, 2 đã nêu ra trong Thông tư 32. Đồng thời, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH dứt khoát không vượt quá con số được Bộ cho phép trong năm 2015 dựa theo quy định tại Thông tư 57. Còn về lâu dài, Bộ cũng yêu cầu các trường ĐH trên lập một đề án cụ thể để thực hiện lộ trình giảm quy mô đào tạo sinh viên chính quy của mỗi trường trong thời gian tới.

Việc khống chế quy mô sinh viên tối đa của các trường có ảnh hưởng không lớn tới cơ hội bước vào giảng đường ĐH của các em học sinh THPT. Việc Bộ đưa ra thông tư này nhằm tác động đến sự chuyển dịch của hệ thống giáo dục Việt Nam nên tập trung, chú trọng đầu tư vào chất lượng chứ không phải là số lượng như thực tế diễn ra trong nhiều năm qua.

"Bên cạnh đó, Thông tư 32 của Bộ GD &ĐT cũng góp phần giảm thiểu tình trạng hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, nó chỉ đóng góp phần nào đó vào việc giải quyết vấn đề, chứ không trực tiếp giải quyết, bởi để giải quyết tình trạng thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ lại phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng trường kinh tế, tăng trưởng doanh nghiệp..." - PGS.TS Nguyễn Văn Áng cho biết thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhân Văn - Nguyễn Tuyết ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN