Hai trường ĐH từ chối kiểm định chất lượng: Cục Quản lý Chất lượng nói gì?

Sự kiện: Giáo dục

Theo thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết hiện đã có 208 cơ sở giáo dục đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017.

Trong đó, có 2 cơ sở giáo dục đại học không hợp tác để thực hiện thẩm định là ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội.

Vậy kiểm định chất lượng giáo dục và thẩm định khác nhau thế nào? Vì sao hai trường ĐH này từ chối? Liên quan đến vấn đề này, PV có cuộc trò chuyện cùng TS Lê Mỹ Phong - phụ trách Kiểm định, cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Hai trường ĐH từ chối kiểm định chất lượng: Cục Quản lý Chất lượng nói gì? - 1

TS Lê Mỹ Phong - Phụ trách Kiểm định, cục quản lý chất lượng

PV: Thưa ông, xin ông cho biết mục đích của việc thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các cơ sở giáo dục đại học?

TS Lê Mỹ Phong: Việc thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng (ĐBCL) đối với các trường ĐH nhằm phản ánh một cách khách quan, trung thực các điều kiện ĐBCL cơ bản hiện có của trường ĐH để giúp cho thí sinh và gia đình thí sinh trong việc lựa chọn trường để đăng ký theo học, cung cấp thông tin cho xã hội biết và giám sát…

Kiểm định chất lượng giáo dục là giải pháp quan trọng để bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục. Quy trình kiểm định gồm 4 bước: tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định kết quả đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Muốn được đánh giá ngoài, trường phải làm tốt báo cáo tự đánh giá và gửi cho Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định về hình thức và nội dung. 

PV: Được biết, trường Đại học Tôn Đức Thắng phản ánh: Thanh tra của Bộ và Trung tâm Kiểm định vào trường làm việc về cùng một vấn đề, nghĩa là "trong vòng 1,2 tuần phải kiểm tra nhà trường hai lần"?

TS Lê Mỹ Phong: Hai trường đã nhầm lẫn khi cho rằng hoạt động thẩm định là kiểm định chất lượng giáo dục. Hai công tác này không đồng nhất.

Hoạt động thanh tra có mục tiêu và đối tượng riêng, được thực hiện theo quy trình riêng, còn thành phần tổ thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL là những chuyên gia do Trung tâm KĐCLGD lựa chọn, phần lớn đến từ các trường ĐH khác đến để “chụp ảnh” lại các điều kiện ĐBCL cơ bản của trường để hai bên cùng xác nhận, sau đó, kết quả này sẽ cho công khai cho xã hội biết và giám sát.

Bộ GDĐT nhận được phản ảnh của các Trung tâm KĐCLGD về việc có trường viện lý do đang tiến hành kiểm định và đã được thanh tra, kiểm tra để không hợp tác thực hiện công tác thẩm định và xác nhận, kèm theo lý giải của các trường.

Bộ GDĐT cũng đã có Công văn số 2728/BGDĐT-QLCL ngày 27/6/2017 gửi các trường về việc này, yêu cầu các trường hợp tác với các Trung tâm KĐCL để thực hiện công tác thẩm định, xác nhận điều kiện ĐBCL theo kế hoạch chung đã ban hành.

PV: Lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, Bộ GDĐT chỉ định Trung tâm KĐCLGD - Đại học Đà Nẵng kiểm định trường đúng lúc trường đang kiểm định nội bộ, nên chưa thể thực hiện đánh giá ngoài ngay; nhà trường cũng đã có văn bản gửi Trung tâm KĐCLGD và công văn phản hồi gửi đến Cục Quản lý chất lượng?

TS Lê Mỹ Phong: Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các trường ĐH được lựa chọn tổ chức KĐCLGD trong số các tổ chức KĐCLGD được Bộ GDĐT công nhận để KĐCL. Bộ GDĐT không chỉ định Trung tâm KĐCLGD - Đại học Đà Nẵng kiểm định Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mà chỉ phân công Trung tâm KĐCLGD này thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL cho 48 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, trong đó có Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Tuy nhiên, cũng như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phân biệt được hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL với hoạt động KĐCLGD. Các ý kiến trao đổi, phản hồi của Trường chỉ đề cập đến việc nhà trường đã và đang làm một số khâu đầu tiên của công tác kiểm định chất lượng giáo dục, mà không hợp tác với Trung tâm KĐCLGD thực hiện việc thẩm định theo Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT của Bộ GDĐT đã ban hành như tất cả các trường ĐH khác.

PV:Thưa ông, trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng: Kiểm định trong nước trường nào cũng đạt nên không tín nhiệm; Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải kiểm định theo hệ thống của Bộ là tước quyền tự chủ của trường. Ông suy nghĩ thế nào về điều này?

Nói “Kiểm định trong nước trường nào cũng đạt nên không tín nhiệm” là những nhận xét thiếu căn cứ, đi ngược lại với những nỗ lực đáng ghi nhận của tuyệt đại đa số các trường ĐH trong quá trình đổi mới.

Trước khi tiến hành đánh giá ngoài một trường ĐH, Trung tâm KĐCLGD thẩm định về hình thức và nội dung của các Báo cáo tự đánh giá. Trong thời gian qua, có 14 trường có Báo cáo tự đánh giá chưa đạt yêu cầu nên các Trung tâm KĐCLGD sau khi thẩm định đã không chấp nhận ký hợp đồng đánh giá ngoài.

Theo số liệu cập nhật đến ngày 30/11/2017: Cả nước có 213 trường đại học hoàn thành tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn trong nước. Trong số đó, nhiều trường ĐH có truyền thống lâu đời, có uy tín và thương hiệu đã đăng ký đánh giá ngoài những đợt đầu với 4 Trung tâm KĐCL giáo dục. Các Trung tâm KĐCLGD sau khi đã thẩm định các báo cáo tự đánh giá theo đề nghị của trường, đã tiến hành đánh giá ngoài cho 78 trường ĐH, trong đó có 50 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng với sự khác biệt khá rõ về số lượng tiêu chí đạt yêu cầu và có 04 trường không đủ điều kiện để được công nhận.

Để có được thông tin chính xác, công khai cho xã hội, việc thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL là một hoạt động chuyên môn cần thiết, hoàn toàn không vi phạm quyền tự chủ của các trường. Hơn nữa, hoạt động này còn giúp cho các trường thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trước xã hội về các điều kiện ĐBCL cơ bản của mình.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Kiểm định chất lượng đại học: Không thể dùng hợp đồng kinh tế

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học với 25 tiêu chuẩn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN