Hai nữ sinh khuyết tật khiến hàng ngàn bạn trẻ ngưỡng mộ

Trường THCS Hoàng Văn Thụ, tỉnh Sơn La có hai nữ sinh -cán bộ lớp rất đặc biệt: Một em bị thoát vị não và một em bị bỏng toàn thân. Nhưng 5 năm qua hai bạn đều là học sinh giỏi của trường.

Hai nữ sinh khuyết tật khiến hàng ngàn bạn trẻ ngưỡng mộ - 1

Ở trường Mai và Hạnh là đôi bạn thân thiết luôn động viên nhau cùng cố gắng

Đến trường trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La hỏi thăm hai em học sinh Trần Thị Hạnh và Hoàng Thị Mai, học sinh lớp 6, không ai là không biết tiếng. 

Không chỉ nức danh là những học sinh chăm ngoan, gương mẫu, nhiều năm liền đều là học sinh giỏi cấp tỉnh, Mai và Hạnh còn được biết đến như một tấm gương điển hình về nghị lực sống, về khao khát vươn lên trong cuộc sống.

Phẫu thuật rất đau nhưng em không sợ 

Sáu tháng tuổi Hạnh bị bỏng nước sôi. Di chứng từ sau lần bỏng nước đó khiến toàn bộ cơ thể, từ khuôn mặt cho đến từng ngón chân của em đều để lại những vết sẹo lồi lõm. Các ngón chân bị co rúm lại, liệt ngón giữa nên việc đi lại không được tinh anh như bạn bè. Lòng bàn tay co cụm không thể duỗi thẳng, liệt hai ngón việc cầm bút đối với em cũng rất khó khăn. 

Lớn lên trong hoàn cảnh gia đình không được khá giả, Hạnh không có may mắn như chúng bạn khi mỗi sáng được bố đưa đi học tối lại được đón về. Bố của Hạnh thần kinh không bình thường, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật. 

Trong ký ức trẻ thơ của Hạnh, những lúc bố không lên cơn cũng là những ngày bố ngập chìm trong men rượu, là những lần đập phá đồ đạc trong nhà, là những tiếng khóc nghẹn của mẹ. 

Bốn miệng ăn trong gia đình từ đó đều trông đợi vào gánh phế liệu của mẹ. Gia cảnh khó khăn đến mảnh đất cắm dùi cũng phải đi nhờ nhà người khác nói gì đến mong ước được ăn cơm thịt mỗi ngày.

Để chữa di chứng của lần bỏng nặng đó, Hạnh nhớ như in lần phẫu thuật lấy da đùi để cấy ghép lên mặt rồi những lần đi phục hồi chức năng, các ngón tay của Hạnh ban đêm được nẹp bằng que để giữ thẳng còn ban ngày phải luyện tập co duỗi nhịp nhàng. 

Cô học sinh 11 tuổi cho biết kỳ nghỉ hè vừa rồi em theo mẹ xuống Hà Nội điều trị gần hai tháng để các ngón tay có thể co duỗi nhịp nhàng. Nhìn những nét chữ đều tăm tắp, tròn trịa như chữ in khó ai biết rằng Hạnh đã từng trải qua rất nhiều đau đớn, có những lúc tưởng chừng như gục ngã.

"Những lúc viết quá sức cháu hay bị mỏi tay, thậm chí những chỗ bị bỏng trở nên đau nhức. Tuy nhiên, những lúc như thế cháu lại nghĩ đến cha mẹ hàng ngày phải vất vả cháu lại cố gắng chăm chỉ học tập để không phụ công cha mẹ cũng như thầy cô trong trường”, Hạnh tâm sự.

Do bị bỏng toàn thân nên hàng ngày Hạnh thường mặc quần áo dài, chân lúc nào cũng đi giày để che đi những vết sẹo đang hiện hữu trên cơ thể. Tuy nhiên, những vết thương không làm Hạnh trở nên mặc cảm, tự ti trước bạn bè. 

Không chỉ ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô và cha mẹ, Hạnh còn được biết đến là một học sinh giỏi của trường, một lớp trưởng gương mẫu năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa. Năm học vừa qua Hạnh đoạt giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp và giải ba môn văn của tỉnh, 5 năm liền Hạnh đều là học sinh giỏi. Hiện tại, Hạnh đang học lớp 6 và trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi của trường.

Ước mơ trở thành cô giáo

Học cùng lớp với Hạnh đồng thời là người bạn thân thiết với Hạnh là em Hoàng Thị Mai, người dân tộc Thái, hiện đang sinh sống tại bản Nà Nọi huyện Mai Sơn. Mai lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sớm chịu cảnh khuyết tật nhưng không vì thế mà em nhụt ý chí phấn đấu.

Bị thoát vị não bẩm sinh, căn bệnh quái ác khiến khuôn mặt Mai không được hài hòa như bình thường, mũi bị kéo xệ xuống, đôi mắt của em không được cân đối, thị lực bị giảm, tầm nhìn vì thế cũng rất hạn chế. Mai chỉ có thể nhìn thẳng và trong phạm vi ngắn. Cô bé ấy lúc nào cũng xõa tóc mái chùng xuống để che đi đôi mắt của mình.

Tuy nhiên, Mai đã không để những mặc cảm tự ti về hình thể trở thành lực cản bản thân có cuộc sống bình thường. Nhớ lại những ngày đầu cắp sách tới trường biết bao khó khăn bủa vây, sự chế diễu từ bạn bè khiến không ít lần Mai có ý định bỏ học. 

Thế rồi những lời động viên của thầy cô, sự kỳ vọng của bố mẹ thôi thúc Mai đứng dậy và bước tiếp. Vượt lên sự chế nhạo của các bạn Mai lớn lên mạnh mẽ như cây rừng, là một lớp phó học tập gương mẫu, một quản ca xông xáo trong các hoạt động của nhà trường và luôn giúp đỡ bạn bè xung quanh.

Ngoài giờ đi học Mai theo mẹ đi lên nương, đỡ đần cha mẹ việc nhà. Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, Mai luôn tỏ ra là một người chị gương mẫu bảo ban các em trong việc học hành.

Nói về ước mơ của mình, Mai cho biết:“Em rất thích học môn văn nên em mong muốn một ngày nào đó có thể trở thành cô giáo dạy văn, truyền đạt cho các bạn tình yêu, niềm tin và nghị lực sống”.

Chia sẻ về học trò của mình, cô Nguyễn Thị Tường Vân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Vào các buổi sinh hoạt tập thể tôi thường nói với học sinh của mình rằng: Các em có ai muốn bị như bạn không? Chắc chắn là không ai muốn cả. Ai cũng muốn xinh, ai cũng muốn đẹp. Do đó chúng ta phải xoa nỗi đau đó của các bạn chứ không nên làm tăng thêm nỗi đau đó, hãy đối xử với các bạn bình thường như các bạn khác. Dù bị khiếm khuyết nhưng hai bạn luôn cố gắng vận động. Vậy tại sao chúng ta lại không cố?”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lại Hà (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN