Hai lý do để chọn Trường Thực Nghiệm

Trường Thực Nghiệm Hà Nội có một không gian giáo dục mà mọi trường phổ thông đều mơ ước.

1- Không gian sư phạm. Ở lứa tuổi tiểu học, đứa con của bạn cần cả “nuôi” và “dạy” và trong 2 vế này, không ai dám khẳng định vế nào quan trọng hơn. Nhìn bên ngoài, Trường Thực Nghiệm Hà Nội có một không gian giáo dục mà mọi trường phổ thông đều mơ ước: Sân chơi rộng, có đủ sân bóng rổ, bóng đá, tennis, sân tập xà đơn, xà kép...

Tan trường, thay vì đứng dài cổ bên hè đường chờ bố mẹ đón, tụi học sinh Trường Thực Nghiệm được “quăng” cặp sách bên vệ cỏ hoặc bậc thềm, ùa xuống sân để chạy nhảy, vui chơi cùng các bạn. Nhiều lần đến đón con, tôi bật cười vì cậu bé 6 tuổi treo cả 2 chân lên xà đơn, người đu đưa như con... khỉ. Công bằng mà nói, đứa trẻ bậc tiểu học được sống trong một môi trường có đầy đủ không gian để tập luyện và chơi - ngoài những giờ mài đũng quần trong lớp - đứa bé đó sẽ có điều kiện phát triển toàn diện hơn những đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn trong 4 bức tường với đèn điện neon...

2- Tôn trọng trẻ em và khuyến khích phát triển cá tính. Tôi rất thích cái triết lý “lấy học trò làm trung tâm” mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã cố công xây dựng và vun đắp cho mô hình giáo dục thực nghiệm mà ông là người khởi xướng. Từ góc độ người làm cha mẹ, tôi cảm nhận được rõ rệt điều này (dù nhỏ) từ đứa con trai mình. Khi con học tiểu học, mỗi buổi đi làm về tôi thường hỏi con: “Hôm nay con đi học vui không?” và bé Bi đã không ngần ngại trả lời: “Vui ạ”. Mỗi buổi sáng tiễn con đi học, tôi thấy con tự giác, cặp đeo lên vai, vui vẻ chào ông bà, bố mẹ... Điều tôi cảm thấy rất rõ là con không bị áp lực khi tới trường. Tôi vẫn thường hay nói đùa: “Với Bi, mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Tuy nhiên, mô hình giáo dục thực nghiệm cũng có không ít nhược điểm. Nếu quan niệm như các cụ ngày xưa: “Nét chữ, nét người”, thì phải thừa nhận là “nét chữ” của học sinh thực nghiệm xấu hơn nhiều so với các trường điểm khác, đơn giản là vì việc luyện chữ hay trình bày không phải là yếu tố được thực sự đề cao mà lại chính là sáng kiến. Con bạn có thể làm bài ra một đáp số đúng, nhưng đi tắt, hoặc viết xấu, hoặc giải khác với đáp án... đều có thể không được điểm cao nếu đi học ở các trường phổ thông khác, nhưng với thực nghiệm, con bạn được khuyến khích “đi tắt, đón đầu” miễn sao ra kết quả đúng. Nhiều người không thích cách dạy này, nhưng ở một góc độ nào đó, tôi lại cho rằng đó là ưu điểm.

Nói một cách công bằng, mỗi mô hình giáo dục đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Là phụ huynh, quan trọng là bạn phải hiểu con mình (cá tính, ưu điểm, nhược điểm...) để lựa chọn một cách giáo dục cho phù hợp, và điều quan trọng hơn nữa trước khi quyết định lựa chọn, bạn phải tự trả lời câu hỏi: Bạn muốn giáo dục con mình thành người như thế nào?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạnh Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN