Hai con gái học cấp 3 cứ về nhà là đóng cửa, chỉ ra ngoài lúc ăn cơm, tình trạng chung khiến nhiều bố mẹ Việt đau đầu
Hai cô con gái, một đứa học lớp 10, một đứa học lớp 12, của anh Hà, chị Phương về nhà hầu như không hề giao tiếp với bố mẹ. Chúng chỉ ra ngoài phòng lúc ăn cơm tối.
Cách nhau cả hai thế hệ nên anh Hà, chị Phương (Nha Trang, Khánh Hòa) không thể hiểu nổi ngôn ngữ của các con, từ đó những câu chuyện gia đình dần dần thu ngắn lại. Anh chị mải đi làm, lại là người thế hệ 7X, cũng ít dùng internet, những xu hướng mới hay sự kiện âm nhạc, thể thao cũng không mấy quan tâm nên khi hai con nói về những cái đó hầu như anh chị không thể tham gia cùng.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều bố mẹ có con tuổi teen gặp phải. Bất đồng tư duy và và ngôn ngữ khiến nhiều khi con cái và bố mẹ khó có thể giao tiếp với con. Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này?
Theo các chuyên gia tâm lý, để giao tiếp với con tuổi teen thành công, ngoài tình yêu và thấu hiểu ra, bố mẹ cũng cần trang bị cho mình nghệ thuật giao tiếp với con hiệu quả.
Ảnh minh họa
Lắng nghe
Nếu bố mẹ tò mò muốn biết những gì đang xảy ra trong cuộc sống của con, những câu hỏi trực tiếp thường không hiệu quả bằng việc chỉ đơn giản là ngồi lại và lắng nghe. Trẻ em có nhiều khả năng cởi mở với cha mẹ nếu chúng không cảm thấy áp lực khi chia sẻ thông tin.
"Buôn dưa" với con
Đừng ngại ngùng "buôn dưa", con rất thích được làm bạn tâm giao với cha mẹ. Nếu có vấn đề gì buồn bã hay chán nản mà cha mẹ gặp phải trong cuộc sống, hãy tin tưởng vào tài tư vấn của con nhé. Biết đâu, con sẽ giỏi giang giúp được cha mẹ thì sao.
Chớ ca bài ca so sánh
Không ít các bạn học sinh đã phải tìm đến các đường dây nóng gặp các chuyên gia tâm lý khi mình suốt ngày bị so sánh với bạn bè, với anh chị em trong gia đình. Có phải cách "so sánh để con tốt hơn" luôn hiệu quả?
Thanh Lan (lớp 9) bị ba mẹ lúc nào cũng lôi ra so sánh với những người bạn của Lan, và bất cứ bạn nào thấp điểm hơn thì ba mẹ đều "cấm" không cho Lan giao tiếp, còn cao hơn thì lại đem ra để la mắng con.
"Riết rồi bạn mình cũng bắt đầu xa lánh mình vì ba mẹ. Chẳng lẽ ba mẹ muốn con chơi một mình sao" - Lan bức xúc.
Trường hợp của Lan không phải là hiếm lạ trong các gia đình Việt. Nhiều bậc phụ huynh thường không nhìn nhận thấy được cái giỏi hiện tại của con cái. Và cho rằng con mình phải "hơn con nhà người khác". Họ thường chạy theo những cái được mặc định là xuất sắc trong xã hội và ép con mình phải theo những khuôn mẫu ấy. Đáng tiếc thay, đây là một cuộc đua không điểm dừng. Bởi nó chỉ là sự thỏa mãn cho lòng tham lam, ích kỷ của các bậc cha mẹ mà không đem lại những điều tích cực cho con trẻ.
Sự so sánh mù quáng này vô tình đã gây áp lực và có thể trở thành viên thuốc độc giết chết sự tự tin của kể cả những đứa trẻ giỏi giang nhất. Đừng bao giờ so sánh con mình với bất kỳ ai khác!
Ảnh minh họa
Luôn đặt mình ở vị trí của con mà suy nghĩ
Cha mẹ đừng quên thời trẻ trâu của mình, cũng đầy lúc dở hơi. Nếu cha mẹ thông cảm cho con thì con sẽ dần dần bị thuyết phục. Còn nếu cứ nghĩ con tồi tệ và xỉ vả thì con sẽ càng bướng và càng tách rời khỏi cha mẹ hơn.
Tôn trọng không gian của con
Những đứa trẻ trước tuổi teen có thể hành động như thể không cần sự giúp đỡ của cha mẹ nữa. Chúng tìm kiếm sự riêng tư hơn và thường tâm sự với bạn bè, thay vì cha mẹ. Chúng cần nhiều không gian cá nhân hơn và có thể bắt đầu phân định ranh giới. Con của bạn có thể không còn là những thiên thần nhỏ dễ thương như một năm trước đây mà sẵn sàng thể hiện sự phẫn nộ với các quy tắc bạn đưa ra.
Nhưng thực tế là con lúc này vẫn cần bạn nhất, ngay cả khi chúng không nhận ra điều đó. Chúng sẽ bước vào tuổi thiếu niên trong vài năm nữa và chúng cần tất cả tình yêu, sự hỗ trợ của bạn trong giai đoạn đầy "hỗn loạn", "kịch tính" này.
Hãy cho con thấy bạn sẽ luôn yêu con bất kể chuyện gì xảy ra. Ngay cả khi con hành động nhưng thể chúng là người độc lập nhất trên thế giới, chúng vẫn cần biết rằng bạn sẽ là hậu phương của chúng và chúng có thể tin tưởng bạn, dựa vào tình yêu vô điều kiện của bạn.
Thể hiện sự tin tưởng
Tuổi thanh thiếu niên thường muốn được công nhận một cách nghiêm túc từ bố mẹ. Bởi vậy bố mẹ nên tìm cách thể hiện rằng mình tin tưởng vào con.
Bố mẹ hãy tỏ ra cho con biết rằng, con là chỗ dựa đầy sự tin tưởng của bố mẹ. Hãy thường xuyên nhờ con làm điều gì đó và cho con thấy rằng, bố mẹ nghĩ là con có thể xử lý nó. Việc này sẽ giúp con tự tin hơn và mở lòng hơn khi giao tiếp cùng bố mẹ.
Tạo ra một thói quen
Có thể là sơn một bộ móng tay. Có thể là thỏa mãn cơn thèm ngọt tại một cửa hàng bánh yêu thích. Có thể là chơi một một ván bóng rổ. Dù nó là gì, hãy cố gắng thực hiện một việc làm hàng tháng mà bạn và con tuổi teen của bạn luôn luôn làm cùng nhau.
Làm chúng cùng một thời điểm mỗi tháng (ví dụ, vào ngày 15, hay thứ Ba tuần thứ ba mỗi tháng) sẽ làm cho con tuổi teen của bạn cảm thấy đặc biệt và cho con một điều gì đó để trông đợi. Con có thể không thừa nhận điều đó, nhưng con sẽ thích được bạn quan tâm từng chút một, vì thế hãy lên lịch cho những "cuộc hẹn" thường xuyên nhé.
Hãy tìm hiểu cuộc sống của giới trẻ
Điều này sẽ giúp cha mẹ có nhiều thông tin để hiểu con hơn. Lâu lâu sử dụng từ ngữ teen để nói chuyện sẽ làm cho con rất vui sướng, "Òa, bố mẹ mình teen quá, kute quá". Bố mẹ teen sẽ khiến con thích và tự hào hơn là bố mẹ nhiều thành tích.
Kể về thời niên thiếu của bạn
Hồi tưởng lại khi bạn còn trẻ sẽ giúp con bạn nhìn nhận bạn như một người bình thường hơn là cha mẹ của chúng. Bạn có thể kể cho con tuổi teen của bạn nghe một vài cuộc phiêu lưu và sự thất bại trong quá khứ của bạn. Điều này có thể làm cô bé tiết lộ cho bạn biết về một số chuyện của chúng. Nếu cô bé muốn bạn giữ bí mật những thông tin này, hãy nhớ – lắng nghe, suy nghĩ cởi mở, và không lên lớp con!
Nếu thấy mình sai, hãy dũng cảm xin lỗi con
Con người không ai đúng toàn bộ, đừng bắt con phải cảm thông cho lỗi sai của mình khi chính mình không dũng cảm nhận lỗi. Con nhìn bố mẹ bướng bỉnh chối tội vừa ghét vừa học hỏi ngay. Những lúc khác con bướng không chịu nhận lỗi cũng là do con học bố mẹ đấy. Vì thế, hãy nhận lỗi ngay khi mình nhận ra là đã sai. Yên tâm đi, bọn trẻ bao dung hơn người lớn nhiều lắm. Chúng sẽ tha thứ ngay cho "kẻ tội đồ xấu xa".
Nói chuyện với con không phải là việc khó, tìm được điểm chung với con rất dễ nếu như cha mẹ dẹp bớt cái tôi của chính mình. Hãy làm điều đó vì con nhé.
Nguồn: [Link nguồn]
Người Nhật có cách dạy con rất đặc biệt, chú trọng đến 2 điều: thời gian và tiền bạc, rất đáng để chúng ta học...