Hà Nội tạo chính sách đặc biệt trọng dụng nhân tài
Đây là nội dung chính của Đề án dự thảo Nghị quyết về ban hành chính sách trọng dụng nhân tài và chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển Khoa học-Công nghệ (KH-CN), tham gia chương trình KH-CN trọng điểm trên địa bàn Thủ đô (theo khoản 2 Điều 13 Luật Thủ đô), được đưa ra tại phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội chiều 26/4.
Thực hiện Pháp lệnh thủ đô và Nghị quyết số 29/2002/NQ - HĐND, gần 10 năm (2003-2012), UBND TP Hà Nội đã ban hành các quy định về việc thu hút tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức từ những sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, xuất sắc và người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố, trong đó đã tuyển dụng tiếp nhận 213 tài năng trẻ vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Tuy nhiên, so với 1.000 thủ khoa các trường đại học được tôn vinh, thì kết quả trên còn rất hạn chế, do các cơ chế chính sách của thành phố về công tác trọng dụng nhân tài thời gian qua không thể vượt quá quy định của TƯ. Trên cơ sở Luật Thủ đô, việc UBND TP xây dựng chính sách trọng dụng nhân tài là rất cần thiết và có nhiều điểm mới.
Theo Tờ trình của UBND TP Hà Nội về nội dung chính sách trọng dụng nhân tài và dự thảo Đề án Chính sách trọng dụng nhân tài, có quy định các đối tượng được hưởng chính sách trọng dụng này phải có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác chuyên môn. Theo đó, đối tượng hưởng chính sách này được áp dụng rộng rãi, bao gồm: Sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học xuất sắc, thủ khoa cho đến các tiến sỹ, bác sĩ, giáo viên, giảng viên, vận động viên, văn nghệ sỹ đến các chuyên gia, nhà khoa học… Chính sách đề cập đến các điều khoản ưu đãi cho người tài có cơ hội học tập, làm việc, tuyển dụng trong cơ quan Nhà nước, cơ hội thăng tiến; điều kiện để phát huy hết khả năng, thế mạnh của mỗi cá nhân, đãi ngộ xứng đáng với những công trình ứng dụng mang lợi ích cho nhiệm vụ phát triển KT-XH; cùng với đó sẽ được tôn vinh các danh hiệu cao quý của thành phố và TƯ do thành phố đề xuất khi có thành tích đặc biệt xuất sắc.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại phiên họp tập thể UBND TP chiều 26/4
Đề án cũng xây dựng chặt chẽ, quyền lợi gắn với nghĩa vụ, như quy định các đối tượng trong diện thu hút và đãi ngộ phải có nghĩa vụ, cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội tối thiểu 7 năm. Trường hợp vi phạm cam kết phải hoàn trả lại nhà công vụ, nhà xã hội, bồi thường toàn bộ các khoản kinh phí được hưởng theo chính sách đãi ngộ.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, dự thảo Đề án chính sách về trọng dụng nhân tài và Tờ trình được xây dựng trên cơ sở rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai thực hiện chính sách thu hút, đào tạo, sử dụng nhân tài của thành phố thời gian qua, đồng thời lấy ý kiến đề xuất của các cơ quan đơn vị về cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài đối với ngành, lĩnh vực trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá cao, chất lượng của các Tờ trình và Đề án, đây là những định chế quan trọng nhằm tạo ra những chính sách tốt nhất trọng dụng nhân tài và phát triển KH-CN đáp ứng sự nghiệp phát triển Thủ đô và đất nước. Qua đây, Ban soạn thảo cần có sự phân biệt nhân tài và định nghĩa thế nào là nhân tài, đồng thời cần nới rộng phạm vi đánh giá nhân tài. Đối với người có những thành tích xuất sắc trong học tập, công tác và đóng góp lớn cho thành phố trên các lĩnh vực KT-XH... đều được xem xét, quan tâm tạo điều kiện phát huy tài năng cá nhân của họ.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu ban soạn thảo cần, xây dựng, bổ sung những tiêu chí cụ thể, nhằm tạo ra những cơ chế chính sách đột phá để thu hút, đãi ngộ và sử dụng nhân tài trên mọi lĩnh vực của thành phố; chú trọng hỗ trợ cho các công trình, dự án KH-CN ứng dụng khả thi đáp ứng nhiệm vụ CNH-HĐH Thủ đô Hà Nội.
Dự thảo Chính sách áp dụng đối với nhân tài gồm: Sinh viên tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy (4-6 năm) đạt danh hiệu thủ khoa xuất sắc, thủ khoa, loại giỏi; bác sĩ thi đỗ đầu vào nội trú; Người tốt nghiệp đại học, thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc các trường đại học ở nước ngoài; Tiến sĩ tốt nghiệp trong nước hoặc nước ngoài, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II; Giáo viên, giảng viên có thành tích huấn luyện học sinh, sinh viên đạt giải nhất, nhì trong các kỳ thi học sinh giỏi, sinh viên xuất sắc, thi tay nghề cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế; Huấn luyện viên có thành tích huấn luyện vận động viên đoạt giải (quy định điểm e quy định này); Vận động viên, văn nghệ sỹ đoạt huy chương hoặc giải nhất tại các kỳ thi chuyên nghiệp quốc gia; Huy chương vàng, huy chương bạc thoặc giải nhất, nhì tại tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới; Chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân, người có trình độ cao, được giải thưởng danh hiệu cấp quốc gia và quốc tế; Cán bộ công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.