Hà Nội tăng học phí: Nông dân lấy đâu ra mỗi tháng vài triệu đồng?

“Nếu học phí tăng thêm 33%, nhà có 2 con đi học, đồng nghĩa với việc tăng thêm chi tiêu từ 1-3 triệu đồng (gần hết 1 tháng lương của vợ/chồng), còn với người nông dân, họ sẽ lấy đâu ra mỗi tháng hàng triệu đồng?”, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam băn khoăn.

Hà Nội tăng học phí: Nông dân lấy đâu ra mỗi tháng vài triệu đồng? - 1

Nhiều gia đình sẽ chật vật với mức tăng học phí mới của Hà Nội

Từ năm học 2016-2017, mức thu học phí đối với học sinh, sinh viên khu vực Hà Nội sẽ tăng thêm 33% so với mức học phí cũ.

Theo ghi nhận, tại Hà Nội, đại đa số là người làm công ăn lương, cả 2 vợ chồng tổng thu nhập chỉ từ 8-12 triệu đồng/tháng. Nếu tăng thêm 33%, nhà có 2 con đi học, đồng nghĩa với việc tăng thêm chi tiêu từ 1-3 triệu đồng.

Bày tỏ sự không đồng tình về mức tăng học phí, GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói: "Một công chức bình thường lương được khoảng 4 triệu đồng/tháng, cộng thêm các thu nhập khác sẽ vào khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nếu học phí tăng thêm 33%, nhà có 2 con đi học, đồng nghĩa với việc tăng thêm chi tiêu từ 1-3 triệu đồng (gần hết 1 tháng lương của vợ/chồng) còn với người nông dân, họ sẽ lấy đâu ra mỗi tháng hàng triệu đồng?".

Trước lý giải của Hà Nội cho rằng, tăng học phí là do bình quân thu nhập của người dân tăng lên, GS. Phạm Tất Dong cho rằng, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội hiện nay là 3.746.000 đồng/tháng, trong đó thành thị là 5.083.000 đồng/tháng, nông thôn là 2.804.000 đồng/tháng cũng không đủ để nuôi 2 con ăn học.

“Tuy ở Hà Nội, nhưng nhiều gia đình vẫn còn khó khăn, họ lấy đâu ra tiền để lo cho con?”, GS.TS.Phạm Tất Dong đặt câu hỏi.

Đến thời điểm này đã có thông tin chính thức về tăng học phí và khó bàn cãi. Do đó, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam hi vọng tăng học phí sẽ đi đôi cùng chất lượng.

Tuy vậy, theo ông Dong, chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ, cũng có thể hiện đại hóa, cải thiện đời sống, môi trường sẽ tăng chất lượng giáo dục. Nhưng yếu tố quan trọng để tăng chất lượng vẫn phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên. Bởi, nếu như có máy tính, có sách giáo khoa tốt mà thầy giáo không dạy thì cũng bỏ đi. Do đó, người thầy cũng phải trau dồi thêm kiến thức nhằm nâng cao trình độ cho học sinh.

Đồng quan điểm với GS.TS. Phạm Tất Dong, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng băn khoăn: Liệu tăng học phí, chất lượng giáo dục có tăng? Bởi trên thực tế không phải cứ tăng học phí nhiều thì chất lượng đào tạo của các trường sẽ tăng. Hiện người học khó có thể được bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường tương xứng với số tiền họ bỏ ra.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc tăng học phí sẽ ảnh hưởng nhiều đến sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, cùng với việc tính học phí theo đúng chi phí đào tạo, Nhà nước nên đẩy mạnh chính sách cho gia đình nghèo, cận nghèo.

“Hãy nghĩ đến những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Họ sẽ mất đi cơ hội được học ở giảng đường đại học nếu không có chính sách hỗ trợ”, ông Nhĩ chia sẻ.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, mức thu học phí phù hợp với từng đối tượng sẽ giúp các trường tăng nguồn thu để đầu tư cho hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn phải chỉ rõ cần chất lượng giáo dục hay cần học phí thấp?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN