Hà Nội: Lớp có F0 cần làm gì, học sinh là F1, cần cách ly bao lâu?
Khi phát hiện F0 trong giờ học/làm việc tại trường, cần thực hiện 4 bước theo hướng dẫn.
Liên sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Hướng dẫn liên ngành số 489/HDLN-SGDĐT-YT về công tác phòng, chống dịch bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 khi học sinh trở lại trường học. Với hướng dẫn này, các nhà trường đã được giải đáp nhiều nội dung quan trọng như quy trình xử trí F0 thế nào; cách xác định F1 ra sao, thời gian cách ly là mấy ngày…
Nội dung quan trọng tại văn bản hướng dẫn quy trình xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 (F0), F1, nghi ngờ mắc COVID-19 tại trường học.
Cụ thể, khi phát hiện F0 trong giờ học/làm việc tại trường, cần thực hiện 4 bước:
Bước 1: Báo ngay hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường; chuyển ngay F0 đến phòng cách ly tạm thời của trường theo lối đi riêng (nếu F0 do gia đình thông báo cho nhà trường hoặc F0 được phát hiện ở địa điểm không phải là phòng cách ly) hoặc tiếp tục cách ly tạm thời F0 ở phòng cách ly nếu phát hiện F0 do xét nghiệm nhanh tại phòng cách ly.
Học sinh đi học. (Ảnh minh họa).
Bước 2: Thông báo đồng thời ngay cho trạm y tế cấp xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công để phối hợp hỗ trợ trường học xử lý trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đánh giá tình trạng sức khỏe F0 để phối hợp chuyển đến cơ sở điều trị Covid-19 hoặc tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà và báo y tế địa phương nơi cư trú để theo dõi và hướng dẫn điều trị.
Bước 3: Đối với lớp học có học sinh F0, giáo viên đang dạy lớp cho học sinh ngồi yên tại chỗ; tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 ở trong lớp đó và các F1 khác ở ngoài lớp đó (nếu có); cho F1 di chuyển đến phòng cách ly y tế; tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 cho các trường hợp F1 của lớp, F1 đang có mặt tại trường (mẫu đơn hoặc mẫu gộp không quá 3 người, ưu tiên mẫu đơn cho người nghi mắc/có triệu chứng).
Tùy tình hình thực tế, nhà trường có thể cho học sinh tiếp tục học trực tiếp hoặc tạm thời cho lớp học nghỉ không học trực tiếp (nếu trong buổi học có nhiều F0 tại 1 lớp).
Hướng dẫn liên ngành quy định rõ: Nếu học sinh không phải là F1 thì cho học bình thường. Nếu F1 có kết quả xét nghiệm dương tính thì xác định là F0; tiếp tục cho cách ly tại khu vực cách ly y tế tạm thời của nhà trường và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định. Nếu F1 có kết quả xét nghiệm âm tính thì thông báo cho cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà và báo y tế địa phương để thực hiện cách ly y tế theo quy định.
Bước 4: Đối với lớp có học sinh F0, sau khi xác định F1, cho học sinh không phải là F1 di chuyển sang lớp học dự phòng (nếu có) và khử khuẩn toàn bộ lớp học. Đối với học sinh các lớp học khác, nếu không có sự giao lưu tiếp xúc với F0 thì cho đi học bình thường. Nếu xác định có học sinh tiếp xúc gần (F1) với F0 thì tiến hành xét nghiệm kháng nguyên nhanh với F1 và xử lý F1 theo quy định.
Xác định F1 như thế nào?
Để có căn cứ cho các nhà trường trong việc xác định các trường hợp học sinh là F1, hướng dẫn liên ngành quy định rõ: Việc xác định trường hợp là F1 thực hiện theo Công văn số 11042/BYT-DP ngày 29-12-2021 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19.
Cụ thể, người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:
+ Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định (F0) trong thời kỳ lây truyền của F0.
+ Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.
+ Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
+ Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân.
+ Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT ≥ 30.
Học sinh là F1, cách ly tại nhà bao lâu?
Sau khi xét nghiệm cho học sinh là F1, nếu F1 có kết quả xét nghiệm âm tính thì thông báo cho cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà và báo y tế địa phương để thực hiện cách ly y tế theo quy định.
Việc cách ly tại nhà được thực hiện cụ thể như sau:
- Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 5 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 5 đối với những học sinh là F1 và đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin phòng Covid-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1. Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5 được đi học trực tiếp trở lại. Nhà trường và phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi sức khỏe cho học sinh trong 5 ngày tiếp theo, hướng dẫn học sinh thực hiện “5K”.
- Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 7 đối với những học sinh là F1 và chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại. Nhà trường và phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi sức khỏe cho học sinh trong 3 ngày tiếp theo, hướng dẫn học sinh thực hiện “5K”.
Trong quá trình cách ly, nếu có dấu hiệu bất thường như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác… hoặc triệu chứng nghi ngờ khác, thì thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã, phường, thị trấn, nhà trường để theo dõi và xử trí theo quy định.
Nguồn: [Link nguồn]
Sở GD-ĐT Hà Nội có thông báo gửi các Trưởng Phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn, hướng dẫn việc cho học sinh đến trường từ 7/3.