Hà Nội: Có phương án tuyển sinh cụ thể, trường mới được tuyển sinh

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu thí sinh lưu ý các mốc quan trọng trong kỳ thi vượt cấp, thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, với trường ngoài công lập phải có phương án tuyển sinh cụ thể mới được giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Tại hội nghị hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 16/4, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương nhận định, tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội năm nào cũng “nóng” vì nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, dư luận xã hội. Năm học tới, số lượng học sinh đầu cấp của Hà Nội tiếp tục tăng. Toàn thành phố dự kiến tuyển mới 100.000 trẻ vào nhà trẻ; 52.000 trẻ vào mẫu giáo, khoảng 145.000 học sinh vào lớp 1 và 160.000 học sinh vào lớp 6. Tuyển vào lớp 10 THPT công lập khoảng 81.200 học sinh. Bên cạnh đó, năm 2024, dự kiến địa phương có khoảng hơn 100.000 học sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh lớp 5 Hà Nội thi tuyển vào lớp 6 Trường Lương Thế Vinh, ngày 14/4 vừa qua. Ảnh: Quỳnh Anh

Học sinh lớp 5 Hà Nội thi tuyển vào lớp 6 Trường Lương Thế Vinh, ngày 14/4 vừa qua. Ảnh: Quỳnh Anh

Nhắc lại vấn đề các trường ngoài công lập phải có phương án tuyển sinh đầu cấp hợp lý, không được để xảy ra tình trạng phụ huynh đặt gạch, xếp hàng xuyên đêm tuyển sinh đầu cấp, ông Cương khẳng định, Sở GD&ĐT sẽ xử lý cơ sở giáo dục vi phạm. Năm nay, trường nào có phương án tuyển sinh cụ thể mới giao chỉ tiêu tuyển sinh. Ông cũng khuyến cáo các trường tư rút kinh nghiệm về việc đưa ra mức phí đặt cọc, giữ chỗ cao khi tuyển sinh lớp 6, lớp 10. “Giữ chỗ học là vấn đề thoả thuận giữa phụ huynh và một số trường tư. Tuy nhiên, trường học là môi trường sư phạm, quy định cũng cần đảm bảo tính nhân văn. Ngay cả khi học sinh giữ chỗ nhưng khi đỗ vào trường công lập, trường tư phải tạo điều kiện thuận lợi cho các em rút hồ sơ nếu có nguyện vọng”, ông Cương nói.

Lưu ý thí sinh

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn thiện các hệ thống trực tuyến phục vụ công tác tuyển sinh và đã tổ chức rà soát đầy đủ các đối tượng học sinh dự tuyển vào các cấp.

Ông Nghiêm Văn Bình, Phó trưởng phòng phụ trách Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội) lưu ý các nhà trường nhắc nhở học sinh các mốc thời gian quan trọng trong các kỳ thi vượt cấp như: ngày 8-9/6 thi tuyển lớp 10; ngày 27-28/6 thi tốt nghiệp THPT; tuyển sinh trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6 từ ngày 1- 9/7.

Đối với kỳ thi tuyển sinh lớp 10, sau khi có điểm chuẩn, học sinh cần phải xác nhận nhập học trực tuyến từ ngày 10-12/7, tránh trường hợp có em bỏ qua khâu này, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh. Trong quá trình làm hồ sơ đăng ký dự thi, học sinh lưu ý từ đối tượng, khu vực, chế độ tuyển thẳng. “Một trong những câu hỏi hay gặp nhất là liên quan đến điều kiện thường trú. Theo quy định, học sinh có cha mẹ hoặc người giám hộ có nơi thường trú tại Hà Nội, được đăng ký dự thi THPT công lập. Nếu không có các giấy tờ liên quan, bất khả kháng phụ huynh phối hợp công an phường/xã xác nhận để con được dự thi”, ông Bình nói.

Đối với môn Ngoại ngữ, khi học sinh đăng ký dự thi ngoại ngữ khác tiếng Anh, cần phải được kiểm tra kỹ thông tin tránh trường hợp thí sinh đăng ký nhầm môn, khi vào phòng thi, phát hiện ra đã muộn, không có đề để thi.

Cũng theo Sở GD&ĐT Hà Nội, quá trình thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm vẫn có những lỗi sai sót thường gặp như: nhập sai thông tin đăng ký bài thi, môn thi của thí sinh tự do; một số điểm đăng ký dự thi không thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn; không thực hiện đối chiếu và xác nhận diện ưu tiên cho thí sinh. Một số thí sinh khi nhận giấy báo dự thi gặp các lỗi như: ảnh bị xoay ngang, sai mẫu ảnh căn cước công dân, sai nơi sinh… Do đó, điểm đăng ký dự thi cần in Phiếu đăng ký dự thi trên hệ thống cho thí sinh kiểm tra kỹ.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ GD&ĐT chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và tuyển sinh ngành cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN