Hà Nội có lượng thí sinh dự thi THPT Quốc gia nhiều nhất
“Đến thời điểm hiện tại mọi công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2016 tại các cụm thi đã được chuẩn bị sẵn sàng”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định.
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm 2015.
Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi rà soát hồ sơ đăng ký dự thi, các sở GD-ĐT đã hoàn thành và dữ liệu được chuyển về các Hội đồng thi (Cụm thi) để thực hiện công việc tổ chức thi. Ngày 27/6, Bộ GD-ĐT công bố số lượng thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm 2016.
Theo đó, năm nay, cả nước có 70 cụm thi ĐH và 49 cụm thi tốt nghiệp. Trong đó, 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì (dùng kết quả để xét tốt nghiệp và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, cao đẳng) ở 63 tỉnh, thành phố; 49 cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì và một cụm thi do Cục Nhà trường (Bộ Quốc Phòng) chủ trì lấy kết quả chỉ để xét tốt nghiệp THPT…
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có khoảng 880.000 thí sinh đăng ký dự thi, giảm khoảng 120.000 (12%) so với năm 2015. Trong đó, có 32% thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT và hơn 10% thí sinh dự thi chỉ để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, cao đẳng.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, trong tất cả các cụm thi, Hà Nội có lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất: 76.137 thí sinh. GD-ĐT Lai Châu có lượng thí sinh đăng ký dự thi ít nhất: 3.405 thí sinh.
Bộ GD-ĐT cho biết, đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT Quốc gia của Bộ Giáo dục ghi nhận các địa phương đã chuẩn bị thi nghiêm túc; Công tác phối hợp của các đơn vị liên quan được chuẩn bị từ rất sớm và đến nay đã hoàn tất. Đặc biệt, việc in sao đề thi và các địa điểm thi được chuẩn bị an toàn, nghiêm túc.
“Đến thời điểm hiện tại mọi công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2016 tại các cụm thi đã được chuẩn bị sẵn sàng”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định.
Để chuẩn bị tốt kỳ thi, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi, phối hợp với các sở GD-ĐT và các trường được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức cụm thi triển khai phương án tổ chức cụm thi theo đúng kế hoạch; bố trí đầy đủ đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ tiêu chuẩn tham gia các khâu của kỳ thi; nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho những người được cử tham gia tổ chức kỳ thi, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi; Các Hội đồng thi tổ chức cho thí sinh điều chỉnh sai sót các thông tin cá nhân trong ngày làm thủ tục dự thi; làm thủ tục cho thí sinh bị thất lạc giấy báo dự thi.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu rà soát kỹ phần mềm chấm thi trắc nghiệm, phần mềm tổng hợp điểm thi đúng theo quy định của quy chế thi hiện hành cũng như tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm việc công bố kết quả thi tại cụm thi được thông suốt.