Hà Nội chốt thời gian cho học sinh các cấp đi học trở lại

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Học sinh từ bậc THCS trở lên đi học từ 4/5, bậc mầm non, tiểu học từ 11/5.

Chiều 29/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, cùng lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông (bao gồm học viên học chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên), các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trực thuộc Thành phố trở lại học tập theo kế hoạch từ ngày 04/5/2020 (thứ Hai).

Trẻ em trường mầm non, học sinh tiểu học trở lại học tập từ ngày 11/5/2020 (thứ Hai).

Trẻ em trường mầm non, học sinh tiểu học trở lại học tập từ ngày 11/5/2020 (thứ Hai). (Ảnh: TP).

Trẻ em trường mầm non, học sinh tiểu học trở lại học tập từ ngày 11/5/2020 (thứ Hai). (Ảnh: TP).

Liên quan đến thời gian học sinh đi học trở lại, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, sáng 29/4, sở đã họp trực tuyến với các quận huyện, các cụm trường để chuẩn bị các phương án sẵn sàng đón học sinh quay lại trường.

Sở yêu cầu các quận huyện, nhà trường thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và thành phố để đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trở lại. Trong đó chú ý thực hiện giảm giãn học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ra chơi, ăn...Yêu cầu học sinh đeo khẩu trang trong suốt quá trình từ lúc ra khỏi nhà, đến trường và trở về.Nhà trường cũng cần chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các phụ huynh để thống nhất, phối hợp chặt chẽ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND TP nhắc nhở các quận huyện, hiệu trưởng, giáo viên các trường cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; Tuyên truyền các bậc phụ huynh để giám sát, đưa đón học sinh phải “đi đến nơi về đến chốn”, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

“Thành phố chỉ ấn định khung giờ học, việc giãn cách là thẩm quyền quyết định của các trường…làm sao để đảm bảo an toàn nhất cho các em học sinh”, Chủ tịch UBND Hà Nội lưu ý.

Cũng tại phiên họp, Sở Y tế Hà Nội cho biết, tại Việt Nam đến nay đã ghi nhận 270 ca mắc COVID-19 tại 28 tỉnh, thành phố, 221 trường hợp được công bố khỏi bệnh, chưa có trường hợp tử vong. Riêng Hà Nội có 112 ca mắc (84 trường hợp được công bố khỏi bệnh.

Tại ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh có 13 ca mắc, đến nay, ổ dịch này đã qua 21 ngày thiết lập vùng cách ly y tế và 14 ngày không phát sinh thêm ca mắc mới.

Ổ dịch tại thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, Thường Tín (1 ca mắc), tiếp tục khoanh vùng, cách ly khu vực xóm Trên, thôn Đông Cứu từ ngày 16/4/2020. Đến nay, ổ dịch này đã qua 13 ngày thiết lập vùng cách ly y tế và không phát sinh ca mắc mới.

Sở Y tế dự báo, trên thế giới dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trung bình một ngày có khoảng 70.000 trường hợp mắc và trên 5.000 trường hợp tử vong. Một số nước như Ý, Tây Ban Nha có dấu hiệu chững lại nhưng một số nước khác lại có số mắc gia tăng nhanh như Nga với 99.399 ca mắc, Singapore với 15.641 ca mắc. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các nước có thể đối mặt với làn sóng dịch thứ 2 xâm nhập từ bên ngoài.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Từ ngày 16/4 đến nay (13 ngày), cả nước không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng, tại Hà Nội đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.

Tuy nhiên, Hà Nội là địa phương có nguy cơ vì còn ổ dịch chưa qua 28 ngày, mặt khác hiện nay đã nới lỏng giãn cách xã hội nên người dân ra đường đông hơn, nhiều người đến vui chơi, tập thể dục tại các vườn hoa, công viên, không đảm bảo khoảng cách tiếp xúc và vẫn còn những trường hợp không đeo khẩu trang, tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Vì vậy cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, dập dịch, điều trị bệnh nhân, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, không tập trung đông người tại nơi cộng cộng...

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại nhằm đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch. Kiểm tra, xử lý vi phạm không đeo khẩu trang khi ra đường; xử lý đối với các cơ sở không tuân thủ quy định...

Các trường học, cơ sở giáo dục kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại; tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.

Nguồn: [Link nguồn]

Những tỉnh, thành nào đã cho phép học sinh đi học trở lại?

Hiện đã có trên 40 tỉnh, thành phạm vi cả nước thông báo thời gian học sinh đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ vì...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN