GV tiếng Anh: Cứ dạy rồi... nâng chuẩn sau!

Giải pháp tốt nhất được các chuyên gia giáo dục đề xuất nhằm nâng cao năng lực cho giáo viên tiếng Anh là thay đổi toàn diện cách dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.

Ông Nguyễn Thế Quyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), cho rằng thực trạng lệch chuẩn đối với giáo viên (GV) tiếng Anh bắt nguồn từ công tác đào tạo bởi ở trường ĐH, sinh viên chỉ được học viết, đọc thì ra trường sao có thể dạy nghe và nói.

Tại chức, từ xa cũng dạy tiếng Anh

“GV tiếng Anh chưa chắc đã giỏi môn tiếng Anh nhất. Họ có thể giỏi môn toán hoặc văn vì đầu vào thi cùng lúc với 2 môn này. Thế nhưng, có khi vì những lý do nào đó khiến họ chọn học sư phạm tiếng Anh hay các trường ngoại ngữ để đi dạy” - ông Quyết phân tích. Mặt khác, theo lý giải của ông Quyết, GV tiếng Anh xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nhiều GV không chuyên.

GV tiếng Anh: Cứ dạy rồi... nâng chuẩn sau! - 1

Giờ học tiếng Anh tại Trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Bà Đoàn Thị Minh Công, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hải Dương, cho rằng trình độ của GV tiếng Anh có thể bị ảnh hưởng do “xuất xứ”, nhất là GV tiểu học nhiều khi chỉ có bằng từ xa, tại chức. Ngoài ra, GV dạy tiếng Anh trong trường học còn chịu nhiều thiệt thòi, khó nâng cao năng lực bởi nhiều lý do khách quan. Chương trình học môn tiếng Anh ít tiết nên số lượng GV tiếng Anh ở các trường không nhiều. Chính vì thế, các GV này khó có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau như các bộ môn khác. Thêm vào đó, công tác thanh tra, kiểm tra của các nhà quản lý cũng gặp khó do không trùng lắp về chuyên môn.

“Nhiều hiệu trưởng, hiệu phó thiếu chuyên môn về tiếng Anh nên chỉ kiểm tra qua loa, chỉ có tổ trưởng chuyên môn nên phần đánh giá bớt khách quan và bị hạn chế” - bà Công nói.

Tìm mọi cách để nâng chuẩn

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết nhiều người trong ngành luôn tưởng TP HCM có tỉ lệ GV tiếng Anh đạt chuẩn cao. “Thế nhưng, tỉ lệ này của chúng tôi cũng thấp và không cao hơn các tỉnh khác. Do đó, cần xem xét lại toàn bộ quy trình đào tạo ở tất cả các cấp học” - ông Chương đề nghị.

Theo ông Chương, học ngoại ngữ không cần nhiều thời gian nhưng cần phải đưa công nghệ thông tin vào để tăng cường hiệu quả của việc học, thời gian ít nhưng hiệu quả lại cao. Ngoài ra, để xây dựng ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế thì yếu tố quyết định phải là đội ngũ GV. Chính vì thế, giải pháp trước hết phải cấp thiết nâng cao chuẩn năng lực cho GV.

Đồng quan điểm, bà Đoàn Thị Minh Công khẳng định việc bồi dưỡng GV đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu phải huy động nhiều nguồn lực, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học. Bà Công còn cho hay phải thành lập các câu lạc bộ nói tiếng Anh tại các trường và giao lưu với những trường khác. “Mỗi tỉnh phải mời các GV bản địa về và tổ chức gặp gỡ thường xuyên với các GV địa phương để họ có điều kiện học hỏi. Nếu GV người bản địa trực tiếp giảng dạy và trao đổi thì khả năng nghe và nói tiếng Anh của GV sẽ được cải thiện nhanh chóng” - bà Công nhận định.

Cho rằng phải đổi mới cách dạy học, ông Trần Văn Dũng, chuyên viên Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói: “Hiện tại, GV tuyển mới ở Thừa Thiên - Huế đều phải đạt chuẩn. Tuy nhiên, tôi e ngại với cách dạy học hiện tại thì GV sẽ dễ bị rơi chuẩn và gây lãng phí quá trình đào tạo”.

Tìm việc khác cho giáo viên thiếu chuẩn

Nhiều tỉnh, thành đưa giáo viên đi bồi dưỡng, sau một thời gian vẫn chưa nâng chuẩn được thì cắt bớt các chính sách ưu tiên. Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cho biết sở đã đưa ra nhiều chính sách ưu tiên cho giáo viên tiếng Anh khi đi bồi dưỡng bằng cách giảm 2 giờ lao động, sắp xếp thời gian biểu hợp lý, cấp 50.000 đồng/ngày đi học... Tuy nhiên, giáo viên được cử đi học bồi dưỡng phải cam kết nâng cao năng lực bằng cách vừa đi học vừa tự học ở nhà. Nếu học khóa 1 vẫn chưa đạt chuẩn phải đi học khóa 2 thì sẽ bị cắt các chế độ ưu tiên. Nếu tiếp tục không đạt phải tự học trong thời gian 2 năm thì được đánh giá lại. Lúc này, giáo viên không đạt thì bị buộc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc sắp xếp công việc khác. Ông Nguyễn Hoài Chương cho biết giáo viên chưa đạt chuẩn hiện vẫn đứng lớp nhưng sẽ được tham gia các khóa bồi dưỡng để đạt chuẩn từ nguồn kinh phí Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Nếu giáo viên đã tham gia bồi dưỡng mà vẫn không đạt thì sẽ sắp xếp công việc khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bích Vân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN