Góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông: Chúng ta đang làm ngược?
Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT vừa mới công bố còn nhiều hạn chế khi bỏ rơi môn tiếng Anh, chưa đề cập khả năng phản biện của học sinh. Giáo viên và cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng lại dự tính áp dụng vào năm sau là rất cập rập...
Đó là những băn khoăn của các chuyên gia, nhà sư phạm và phụ huynh trong buổi tọa đàm góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục tổ chức tại TPHCM chiều 12/5.
Nhiều hạn chế...
Tại buổi tọa đàm, TS Kinh tế Lương Hoài Nam đặt câu hỏi vì sao phải cải cách giáo dục? “Vì chương trình giáo dục hiện nay chưa tốt, đầu ra của người học chưa đủ giỏi, điều đó thể hiện qua sự thất bại ở nhiều chương trình kinh tế- xã hội, y tế, giáo dục, giao thông... trên nhiều phương diện”, TS Nam tự trả lời.
Dẫn chứng về vấn đề này, TS Nam cho biết, ông là người trực tiếp phỏng vấn hàng ngàn sinh viên, người lao động và thực tế, người Việt Nam còn nhiều hạn chế về hiểu biết pháp luật quốc gia và quốc tế...
Do đó, TS Nam cho rằng, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là sự khởi đầu cho một sự thay đổi tốt hơn cho giáo dục. “Một chương trình nhiều bộ SGK cần được hiện thực hóa. Đầu mối thực hiện SGK là các nhà xuất bản, tác giả hợp tác với nhà xuất bản làm sách, thời hạn 5 năm để cập nhật nội dung. Bộ GD&ĐT chỉ thẩm định, phê duyệt SGK”, TS Nam đề xuất đồng thời còn cho rằng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đã bỏ rơi môn tiếng Anh khi cho môn này bình đẳng với các môn ngoại ngữ khác trước xu thế toàn cầu hóa như hiện nay.
TS Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục cho biết, trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể không đề cập khả năng phản biện cho học sinh.
Về cách thực hiện, TS Trung cho rằng chúng ta đang làm ngược với quy luật và thế giới. Ở các nước, phải có chương trình rồi mới làm SGK, còn ở chúng ta thì dự thảo chương trình đang lấy ý kiến nhưng phong thanh đã có SGK và dự kiến áp dụng vào năm học sau.
Về điều kiện con người, TS Trung cũng băn khoăn không biết lấy đâu ra để thực hiện. “Muốn cải cách phải thay đổi từ con người. Môi trường sư phạm phải thay đổi trước, chủ động đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới bởi chính họ là người khuấy động, thực hiện chương trình”, TS Trung băn khoăn.
Không đủ không gian để sáng tạo
Cô Lê Thị Nga, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM cho rằng dự thảo yêu cầu học sinh phải đạt được 10 năng lực cốt lõi, 6 phẩm chất nhưng trong dự thảo lại chưa có thang đánh giá cụ thể. “Vô tình chúng ta lại quay lại điểm số, quy định phương pháp, học gì thi nấy...”, cô Nga nói.
Trong vai trò một phụ huynh có con đang chuẩn bị vào lớp 1, anh Phạm Thái Sơn, quận Gò Vấp đề nghị nên lùi lại thời gian thực hiện dự thảo, còn nếu thực hiện trong năm học sau thì anh tỏ ra lo ngại về tính khả thi của dự thảo.
“Về giáo viên, các trường sư phạm vẫn đang đào tạo như hiện nay, vậy nếu thực hiện thì ai sẽ dạy con tôi và dạy cái gì? Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là gì khi môi trường học chật hẹp, một lớp học ở trường điểm lại có số học sinh lên đến 58 em”, anh Sơn băn khoăn.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Trang, giảng viên Đại học Sư phạm TPHCM cũng cho rằng, năm 2018 không thể nào có đủ giáo viên để dạy cho học sinh và một lớp 58 em thì không thể nào học sinh có đủ không gian để sáng tạo. Theo chị Trang, dù là giảng viên đại học sư phạm và đang giảng dạy những giáo viên tương lai nhưng chị băn khoăn không biết học trò của mình sẽ dạy những gì trong tương lai.
Chương trình giáo dục phổ thông mới kế thừa cái gì, khắc phục cái gì của những chương trình cũ, chứ nếu chỉ thay đổi...