Gợi ý giải đề môn ngữ văn kỳ thi lớp 10 ở TP HCM

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 10

Sáng nay, 11-6, hơn 93.000 thí sinh tại TP HCM đã hoàn thành môn thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2022-2023. Sau đây là gợi ý giải đề thi môn ngữ văn

Gợi ý giải đề thi môn ngữ văn của giáo viên Nguyễn Văn Thành - Trường THPT Vĩnh Viễn (TP HCM): 

BỨC THÔNG ĐIỆP CỦA THỜI GIAN

Câu 1: (3,0 điểm)

Em hãy đọc hai văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Văn bản 1

Bất cứ thành phố lớn nào cũng có một lịch sử phát triển lâu dài. Trong dịp kỷ niệm 300 năm thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, ông Henry Chabert, phó thị trưởng thành phố Lyon, đã trân trọng viết lời tựa cho cuốn sách "Sài Gòn 1698 - 1998: Kiến trúc, quy hoạch": Thành phố này nói cho cùng là một ký ức nhắc nhở với ta về bao thế hệ con người khác nhau đã tạo dựng nên nó, bao biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng cũng đồng thời nói lên bao điều ước vọng". Thật vậy, đô thị nơi đây in dấu thời gian, mang theo nhiều giá trị không chỉ về kiến trúc, cảnh quan mà còn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mà chúng ta có thể học hỏi. Vì vậy, trong quá trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình xưa cũ, chúng ta cần phải thận trọng, nghiêm cẩn. Đó cũng là cách thể hiện thái độ trân trọng quá khứ.

(Theo Nguyễn Minh Hòa, Đô thị luôn là sự tiếp nối, Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 04/06/2022)

Văn bản 2

Thời gian là chất liệu làm nên cuộc đời của mỗi người. Cuộc đời chúng ta đều hữu hạn, thời gian thuộc về mỗi người cũng có giới hạn. Thứ nhanh nhất mà lại chậm nhất, dài nhất mà lại ngắn nhất, bình thường nhất mà lại giá trị nhất, dễ dàng làm cho chúng ta hối tiếc nhất chính là thời gian. Thời gian cứ trôi đi, không bao giờ dừng lại và mãi mãi không thể quay về. Vì vậy, ngay từ khi còn trẻ, hãy biết trân trọng thời gian, hãy biết sống trọn vẹn từng phút giây, hãy học thêm nhiều thứ, trải nghiệm thêm nhiều điều trong hiện tại để tạo dựng cuộc sống hạnh phúc.

(Theo Tiêu Vệ, học cho ai? Học để làm gì?, NXB Kim Đồng)

Dựa vào văn bản 1, hãy cho biết ông Henry Chabert đã viết gì trong lời tụa cuốn sách Sài Gòn 1698 – 1998: Kiến trúc và quy hoạch. (0,5 điểm)

Chỉ ra phép liên kết được sử dụng trong hai câu đầu của văn bản 2. (0,5 điểm)

Xác định thông điệp của từng văn bản. (1,0 điểm)

Trong cuộc sống, giữa hai việc học hỏi từ quá khứ và trải nghiệm trong hiện tại, em quan tâm đến việc nào hơn? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4 – 6 dòng. (1,0 điểm)

Câu 2: (3,0 điểm)

Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành?

Ở góc nhìn tuổi trẻ, em hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) để trả lời câu hỏi trên.

Câu 3: (4,0 điểm)

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Cỏ đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)

Cảm nhận về hai khổ thơ trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác để thấy được những chuyển biến của thiên nhiên hoặc con người theo bước đi của thời gian.

Đề 2

Từ tin nhắn của thời gian và từ những trải nghiệm trong quá trình đọc, hãy viết bài văn nghị luận về một quyển sách hoặc một tác phẩm văn học đã giúp em hiểu thêm về chính mình.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ

Câu 1 (3 điểm)

1. Lời tựa (0.5 điểm)

"Thành phố này nói cho cùng là một kí ức nhắc nhở với ta về bao thế hệ con người khác nhau đã tạo dựng nên nó, bao biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng cũng đồng thời nói lên biết bao niềm ước vọng.

2. Phép lặp từ ngữ: cuộc đời (0.5 điểm)

3. Thông điệp (1 điểm)

Văn bản 1: Lời nhắn nhủ thái độ trân trọng quá khứ, giữ gìn lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.

Văn bản 2: Quý trọng thời gian để trưởng thành sau những trải nghiệm.

4. Học sinh có thể tự do nêu quan điểm miễn hợp lí, thuyết phục (1 điểm)

Có thể tham khảo gợi ý sau:

Trong cuộc sống hai việc học hỏi từ quá khứ và trải nghiệm trong hiện tại là điều mà mỗi người, mỗi công dân đều phải quan tâm. Đặc biệt là các bạn trẻ.

Trong xu thế cuộc sống phát triển 4.0 như hiện nay việc học hỏi quá khứ là biết kế thừa phát huy kinh nghiệm, bài học quý báu từ cha ông để làm cơ sở nền tảng cho bản thân là rất quan trọng và cần thiết. Chúng ta luôn trau dồi rèn luyện bản thân và không ngừng nỗ lực ở hiện tại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để hòa nhập vào cuộc sống đầy biến động không ngừng. Có như thế ta mởi trưởng thành vươn tới những tầm cao mới.

HS có thể chọn cách diễn đạt không hợp lý.

Câu 2 (3 điểm)

Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành? Ở góc nhìn tuổi trẻ, em hãy viết một bài văn (khoảng 500 chữ) để trả lời câu hỏi trên.

Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thời gian và sự trưởng thành

Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể đồng tình hay không đồng tình với " Chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành?" , triển khai theo nhiều cách, nhưng cần thể hiện được suy nghĩ, quan điểm của bản thân, vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

Giải thích:

Thời gian của mỗi người hữu hạn, và thời gian qua đi thì không thể trở lại được.

Mỗi người ai cũng cần trưởng thành, hoàn thiện hơn bản thân hơn mỗi ngày. Trưởng thành là chính chắn trong suy nghĩ, chịu trách nhiệm được trong hành động của bản thân, sống có ý nghĩa với cuộc đời và xã hội.

Bàn luận:

Thời gian thật kì diệu khi giúp con người nhận ra bản thân, học hỏi được nhiều điều, chiêm nghiệm những bài học cuộc sống và tích lũy, kinh nghiệm, vốn sống để trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Thời gian có thể chữa lành vết thương, khắc phục và sửa chữa sai lầm để con người từng bước vững vàng, bản lĩnh, trưởng thành hơn : " Sấm cũng bớt bất ngờ / trên hàng cây đứng tuổi" ,

" Thời gian tạo thành hết thảy, lại cũng là thay đổi hết thảy" ( Danh ngôn)

Tuy nhiên, không phải cứ để thời gian trôi qua thì chúng ta, những con người trẻ sẽ tự trưởng thành. (Thời gian chỉ làm con người ta già đi chứ không làm con người ta lớn khôn) . Muốn trưởng thành, chúng ta cần biết học cách quản lí, sử dụng quỹ thời gian có hạn của mình một cách hữu ích, nhất là thời gian của tuổi trẻ.

Tuổi trẻ là quãng thời gian tươi đẹp nhất, mùa xuân của đời người. Tuổi trẻ cần nuôi dưỡng ước mơ, khám phá bản thân, mạnh dạn sống với đam mê, dấn thân và không ngừng rèn luyện toàn diện để trở thành phiên bản tốt nhất của mình. Trưởng thành hơn mỗi ngày.

HS lấy dẫn chứng thực tế và phân tích dẫn chứng: anh thanh niên trong Lặng lẽ Sapa của Nguyễn Thành Long, Hoàng Tuấn Anh với ATM gạo có ích cho cộng đồng trong mùa Covid, các vận động viên Seagame 31…

Mở rộng:

Trên thực tế, rất nhiều người ý thức được vai trò của thời gian trong cuộc đời. Tuy nhiên, họ vẫn gặp trở ngại và thất bại lúng túng trong việc thấu hiểu bản thân, lựa chọn hướng đi và không quản lí thời gian của bản thân. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến học tập kĩ năng sống để thời gian của bản thân có giá trị nhất.

Phê phán:

Những người trẻ thụ động, chờ thời, hay thờ ơ với chính tương lai của mình, để thời gian trôi qua trong vô nghĩa để khi tuổi trẻ qua đi mới hoài tiếc nhớ.

Hay có người vội vàng, cho phép mình "cứ sai đi" vì tuổi trẻ thì có nhiều cơ hội làm lại mà không biết rằng hậu quả và thành quả chỉ cách nhau gang tất, nhiều sai lầm của tuổi trẻ chẳng thể nào sửa đổi được.

Bài học nhận thức, hành động:

Hãy cháy hết mình với tuổi trẻ của bản thân để không sống hoài, sống phí hay hối tiếc trong tương lai. " Đời ta chỉ sống có một lần thôi, phải sống sao cho khỏi ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí" (Nicolai Oxtơropxki)

Câu 3 (4 điểm)

Đề 1 

Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Nghị luận về đoạn thơ Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

1. Mở bài:

Từ bao giờ đến tận bây giờ, vẻ đẹp thiên nhiên bốn mùa của quê hương, đất nước đã trở thành đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Vẻ đẹp bình dị, gần gũi của thiên nhiên đất trời đã được khắc họa thành công trong bài "Sang Thu " của Hữu Thỉnh. Qua hai khổ cuối của bài "Sang thu", nhà thơ đã giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên và chiêm nghiệm cuộc đời trong thời khắc giao mùa từ hạ sang thu.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh sáng tác:

Bài thơ "Sang thu" được Hữu Thỉnh sáng tác năm 1977, sau khi đất nước ta được giải phòng, dân tộc ta bắt đầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

b. Phân tích hai khổ thơ cuối bài "Sang thu"

- Nếu như khổ thơ đầu bài sang thu là cảm xúc ngỡ ngàng, bâng khuâng, xao xuyến của tác giả trước khúc giao mùa từ hạ sang thu thì theo dòng cảm xúc trôi theo thời gian, tác giả cảm nhận rõ hơn sự vận động của mùa thu qua những sắc thái đổi thay của tạo vật:

"Sông được lúc……sang thu"

- Bởi giao mùa nên tất cả đều lưng chừng. Vì sao sông "dềnh dàng" còn chim lại "vội vã".

-Sông thu cạn nước, chảy chậm lại, nhẹ nhàng, thong thả, không cuồn cuộn như mùa hè. "Dềnh dàng" là chậm rãi, từ từ trôi, như đang lắng lại, trầm xuống. Trái ngược lại, đàn chim thì vội vã tranh thủ kiếm mồi và tránh rét ở phương Nam. Sự vội vàng đó phải chăng cũng là sự vội vàng trong tâm hồn Hữu Thỉnh muốn được mở rộng lòng mình đón nhận mọi rung động dù là nhỏ trong cuộc sống.

- Cái hay của Hữu Thỉnh là sự quan sát rất tinh tế: từ thấp đến cao, từ gần đến xa. Không gì lọt ra khỏi "tầm ngắm" của nhà thơ, biết bao vận động âm thầm mà sâu kín của thiên nhiên qua tâm hồn thi sĩ được dịp phô diễn. Mùa thu trở nên sống động lạ thường!

- Ranh giới từ hạ sang thu vốn mong manh, mơ hồ, bổng trở nên cụ thể qua hình ảnh "đám mây". Đây là một liên tưởng sáng tạo thú vị, một phát hiện rất mới lạ. Mây là thực, ranh giới chuyển mùa là ảo. Hình ảnh đám mây trong tưởng tượng của nhà thơ trôi lững lờ, bảng lảng trên tầng không làm cho người đọc cảm nhận không gian và thời gian lúc chuyển mùa mới đẹp làm sao! Có thể nói đây là hai câu thơ đẹp nhất trong bài, làm cho ta hình dung về một đám mây mỏng, nhẹ, trắng xốp, kéo dài như tấm khăn voan duyên dáng … "vắt nửa mình sang thu". Cái mới mẻ ở đây đọng lại trong từ "vắt", gợi tả một chút gì là rõ rệt như cái bản lề đóng mở giữa hạ thu, nó cũng tả được cái mềm mại, phiêu bồng, lãng đãng khi bước sang thu. Câu thơ có tính tạo hình không gian nhưng lại có ý nghĩa diễn tả sự vận động của thời gian: thu bắt đầu sang, hạ chưa qua hết, mùa thu vừa chớm, rất nhẹ, rất dịu, rất êm mơ hồ như đất trời đang rùng mình thay áo mới. (mở rộng)

=> Với lối diễn đạt thật ấn tượng, nhà thơ như mở ra trước mặt người đọc những dấu hiệu chuyển mùa ngày càng rõ rệt hơn, bức tranh thu như được mở rộng thêm ra cả chiều rộng lẫn chiều cao.

Khép lại khổ thơ thứ hai đến với khổ thơ cuối ta chợt nhận ra vẻ đẹp mùa thu ngày càng nổi bật qua những chuyển biến của thiên nhiên phảng phất ý nghĩa triết lý, suy ngẫm, chiêm nghiệm cuộc đời :

"Vẫn còn….đứng tuổi"

- Nắng mưa lúc sang thu cũng khác hơn hồi giữa hạ. Nắng nhạt dần, không chói chang gay gắt. Mưa ít hơn không ầm ầm đổ xuống. Hai hiện tượng tương phản này cho thấy sự ngập ngừng, chủ động của vạn vật trước thời gian. Nhắc đến một hiện tượng thiên nhiên rất đỗi quen thuộc, để rồi đưa người đọc đến một hiện tượng khác: "Sấm cũng bớt bất ngờ trên hàng cây đứng tuổi". Những từ ngữ "vẫn còn", "đã vơi dần", cũng bớt" đều diễn tả được tính chất của sự chuyển mùa, là chiếc cầu nối nhẹ nhàng, chậm chậm nhưng lại rất rõ ràng..

- Hai câu cuối khái quát được quy luật tự nhiên: mưa ít, sấm cũng ít hơn, nhỏ hơn. Vì thế mà "hàng cây đứng tuổi" cũng bớt bất ngờ trước tác động của ngoại cảnh. "Hàng cây đứng tuổi" gợi cho ta hình ảnh con người trải qua bao sóng gió, từng trải với thời gian, nhiều kinh nghiệm. Còn " sấm" chính là những khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Câu thơ giàu sức gợi tả nhưng cũng chở đầy triết lí qua nghệ thuật ẩn dụ: khi con người từng trải thì cũng vững vàng, bình tĩnh hơn trước thử thách của cuộc đời. Đôi khi thử thách đó còn là cơ hội để con người tự khẳng định mình. (mở rộng)

- Dường như bốn mùa luân chuyển quá nhanh như đời người luôn vật lộn với bao lo toan. Lúc nhìn lại thì đời người đã bước sang thu từ lúc nào. Nuối tiếc vẫn là cảm xúc của con người trước dòng thời gian, con người đã bước sang tuổi trung niên, sang thu nhưng lòng người không muốn, cứ nhớ tiếc mùa hạ, tuổi thanh xuân tươi trẻ, chưa muốn toan về già, chưa muốn sang thu. Tâm trạng ấy nhà thơ gửi vào cảnh vật, gửi vào trạng thái của thiên nhiên

=> Qua đây, ta thấy Hữu Thỉnh rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng. Mùa thu thường không rạo rực, ấm áp như mùa xuân, không sôi động rộn ràng như mùa hạ, hay lạnh lẽo thê lương như mùa đông. Thu đến rất nhẹ nhàng và đi rất lặng lẽ. Thu không đánh thức ta bằng những âm thanh vang động, màu sắc lộng lẫy, hương vị ngọt ngào mà gieo vào lòng ta những thoáng xao động, mơ màng, gợi trong ta những suy nghĩ sâu xa về cuộc sống

c. Phân tích khổ 1 "Mùa xuân nho nhỏ" :

Cùng viết về những biến chuyển của thiên nhiên và lòng người ta không thể không nhắc đến " Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ xứ Huế - Thanh Hải. Nếu như Hữu Thỉnh phác họa vẻ đẹp của đất trời lúc giao mùa hạ thu ở đồng bằng Bắc Bộ thì trong khổ đầu của bài "Mùa xuân nho nhỏ", Thanh Hải đã phác họa nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân xứ Huế tươi đẹp, rộn rã, đầy sức sống chỉ bằng vài nét bút:

" Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Bức tranh mùa xuân có không gian cao rộng với dòng sông, mặt đất và bầu trời bao la. Bức tranh vô cùng tươi đẹp bởi có màu xanh của dòng sông, màu tím biếc của bông hoa, một màu sắc đặc trưng của xứ Huế. Bức tranh ấy còn có cả âm thanh tươi vui, vang vọng giữa bầu trời bao la của chim chiền chiện, một loài chim vốn được xem là tín hiệu của mùa xuân. Âm thanh vui tươi quen thuộc ấy làm cho không khí mùa xuân trở nên rộn rã, vui tươi, náo nức lạ thường. Hai động từ "mọc", "hót" đứng đầu hai câu thơ làm cho bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống mùa xuân.

Đứng trước vẻ đẹp ấy của mùa xuân, Thanh Hải say mê ngây ngất:

"Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng."

"Từng giọt" ở đây là giọt mưa xuân long lanh nhưng cũng có thể hiểu là giọt âm thanh tiếng chim long lanh dưới ánh mặt trời. Nhà thơ say mê đưa tay ra hứng từng giọt âm thanh tiếng chim chiền chiện. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác ở hai câu thơ này khiên cho câu thơ giàu tính nghệ thuật hơn. Nhưng dù hiểu thế nào thì hai câu thơ vẫn thể hiện tình cảm say mê, ngây ngất của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời lúc vào xuân.

Điểm chung, nét riêng:

Trong hai khổ cuối bài "Sang thu" và khổ thơ đầu của bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ", với ngòi bút tài hoa và tâm hồn nghệ sỹ giàu cảm xúc, có thể nói hai tác giả Thanh Hải và Hữu Thỉnh đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của quê hương đất nước bằng những hình ảnh chọn lọc, tiêu biểu như "dòng sông", "bông hoa", "chim chiền chiện" "đám mây mùa hạ"…và sự cảm nhận tinh tế của một tâm hồn chan chứa tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước.

Hai khổ thơ trong hai bài thơ tuy đều phác họa bức tranh thiên nhiên của quê hương đất nước và sự suy ngẫm, cảm xúc của các nhà thơ nhưng mỗi bức tranh đều mang một vẻ đẹp riêng. Bức tranh trong khổ đầu của bài "Mùa xuân nho nhỏ" là bức tranh mùa xuân của xứ Huế tươi đẹp, rộn rã, đầy sức sống được tác giả phác họa bằng những hình ảnh tự nhiên đẹp giản dị như "dòng sông", "bông hoa tím biếc", "con chim chiền chiện", giọng điệu vui, say sưa. Còn bức tranh thiên nhiên trong khổ hai của bài "Sang thu" của Hữu Thỉnh lại là một nét của bức tranh miêu tả cảnh vật vào khoảnh khắc giao mùa hạ-thu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ vô cùng mơ hồ mong manh. Tác giả đã chọn miêu tả trạng thái của những hình ảnh đẹp giàu sức biểu cảm như "dòng sông", "cánh chim", "đám mây mùa hạ". Đặc biệt là trí tưởng tượng độc đáo, sự nhận tinh tế của nhà thơ. Từ đó tạo nên một nét rất riêng cho bức tranh giao mùa hiếm có trong thơ ca Việt Nam.

3. Kết bài:

Tóm lại, hai khổ thơ cuối của bài "Sang thu", và khổ đầu "Mùa xuân nho nhỏ" củaThanh Hải mỗi nhà thơ đều có những cảm nhận riêng về cảnh sắc thiên nhiên của quê hương đất nước và suy ngẫm về đời người. Cảnh thiên nhiên trong bức tranh nào cũng tuyệt đẹp nhưng đều có những nét riêng biệt. Với những thành công ấy, hai khổ thơ trong hai bài thơ đã góp phần tái hiện lại vẻ đẹp quê hương đất nước ta và từ đó gợi nhắc trong mỗi chúng ta những tình cảm đẹp với thiên nhiên, quê hương đất nước.

Đề 2

Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Nghị luận về một tác phẩm văn học, phù hợp với thông điệp : "Tuổi trẻ ơi, trong hành trang của tuổi thanh xuân không thể thiếu những quyển sách giúp bạn hiểu thêm về chính mình."

- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm hợp lí.

Giải thích

Sách nói chung hay văn học nghệ thuật nói riêng đã có vai trò, vị trí quan trọng, đặc biệt trong quá trình hoàn thiện nhân cách con người. Mỗi quyển sách có thể được xem là một người thầy giỏi, người bạn tốt, mà mỗi con người có cơ hội sống được thêm nhiều cuộc đời nữa nhờ sách. Trong hành trang của tuổi thanh xuân không thể thiếu những quyển sách giúp ta hiểu thêm về chính mình.

Bàn luận – chứng minh:

a) Ở bất kì giai đoạn nào và trong bất kì nền văn học nào, tác phẩm văn học cũng đóng vai trò phản ánh và tác động đến cuộc sống, hướng tới giá trị chân – thiện – mỹ mà nhà văn là con người sáng tạo tài tình, bằng lăng kính và quan niệm nhân sinh quan của mình đã khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật và cuộc sống, hiện thực và lãng mạn, quá khứ - hiện tại và tương lai, ... nhà văn với sứ mệnh rất riêng của mình đã góp phần " khơi những tình cảm chưa có, bồi đắp những tình cảm sẵn có" ( Ý nghĩa của văn chương – Hoài Thanh), giúp con người bắt gặp mình trong tác phẩm văn học, sống với những cuộc đời và chiêm nghiệm thú vị, lắng sâu những cung bậc cảm xúc và bài học đáng trân quý. Chính những tác phẩm văn học đã gần gũi và quan trọng biết bao với tuổi trẻ, những con người đang cần đi tìm, thấu hiểu và khẳng định bản thân.

Lặng lẽ SaPa của Nguyễn Thành Long trong chương trình Ngữ văn 9 là một tác phẩm văn học đã giúp em hiểu thêm về chính mình.

b) Phân tích Lặng lẽ SaPa:

Truyện của Nguyễn Thành Long rất giàu chất thơ và chất hoạ. Truyện ngắn " Lặng lẽ Sa Pa" sáng tác sau chuyến đi thực tế ở Lào Cai vào mùa hè năm 1970. Truyện đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn, một con người có lòng yêu nghề, có cách sống đẹp đã âm thầm lặng lẽ cống hiến sức mình cho đất nước.

Anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 m. Anh không xuất hiện đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho ông họa sĩ già, giúp cô kĩ sư trẻ nhận thức được những giá trị cuộc sống của bản thân.

Bằng những phẩm chất tốt đẹp của anh thanh niên: ( HS đưa dẫn chứng và phân tích dẫn chứng)

+ Hoàn cảnh sống: khó khăn, khắc nghiệt, công việc đòi hỏi tập trung và chính xác cao.

+ Là người có trách nhiệm, đam mê với công việc, đam mê khoa học. (dù gió bão, đêm khuya, rét mướt vẫn đúng giờ, kịp lúc, làm bạn với công việc ... vì hiểu tầm quan trọng của kết quả đo đạc của anh với công cuộc chung, sản xuất và chiến đấu của đồng đội, đồng bào)

+ Chủ động trong cuộc sống, tự làm giàu cuộc sống của bản thân. (nuôi gà, trồng hoa, đọc sách, nghe đài ...)

+ Thân thiện, hiếu khách, biết quan tâm tới người khác (chặn xe khách để trò chuyện, tặng trứng cho bác lái xe, gửi củ tam thất cho vợ bác tài xế, tặng hoa cho cô kĩ sư ...)

+ Khiêm nhường ( thấy mình không xứng đáng được ông họa sĩ vẽ chân dung, giới thiệu người khác xứng đáng hơn)

+ Tình yêu Tổ quốc

Trong Lặng lẽ SaPa, ta bắt gặp những con người thầm lặng cống hiến, đó là ông kĩ sư vườn rau, nhà nghiên cứu bản đồ sét, ...( " Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc – Thanh Hải), và chính họ đã góp phần tạo nên " Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân" ( Lê Anh Xuân)

Những nhân vật ấy giúp em, những người trẻ đang rèn luyện mình để trở thành con người hoàn thiện, sống có ý nghĩa và có ích.

Mở rộng vấn đề bàn luận:

Không một lĩnh vực nào có thể thay thế được văn chương trong việc giúp con người hiểu cuộc sống và hiểu chính mình; sống có tình thương, có đạo lý, có văn hóa, vượt qua cái tầm thường, phàm tục, giả dối, để thăng hoa, để ước mơ, vươn đến chân, thiện, mĩ...

Mỗi nhà văn có trách nhiệm với cuộc sống phải không ngừng khát khao sáng tạo để có những tác phẩm giúp con người tự khám phá, hiểu biết, nâng cao niềm tin vào bản thân, hướng tới chân lí, hướng tới cái đẹp của cuộc đời.

Người đọc tìm thấy mình trong văn chương để từ đó hoàn thiện nhân cách, nhân tính của chính mình.

Thi lớp 10 tại TP HCM: Đề môn ngữ văn thú vị về bức thông điệp của thời gian

Trưa 11-6, thí sinh kết thúc môn thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023. Nhiều thí sinh cho biết đề văn khá thú vị khi nói về "bức thông điệp của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Văn Thành ([Tên nguồn])
Tuyển sinh lớp 10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN