Giúp người cao tuổi được học nghề

“Đầu xanh” ngồi học cùng “đầu bạc” - đó là cảnh không hiếm ở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trong cả nước. Nhìn từ góc độ chính sách, nhiều tỉnh đang “đòi” quyền lợi cho học viên cao tuổi được đi học.

Những lớp học suýt… phạm quyKhi tổ chức lớp học nghề nuôi thỏ theo Đề án 1956 ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang), rất nhiều ý kiến lo ngại khi lớp học có tới hơn một nửa học viên lớn tuổi: Từ 50 tới hơn 60 tuổi. Nếu theo đúng chính sách thì có một số học viên, chẳng hạn như bà Trần Thị Giang- gần 60 tuổi bị phạm quy vì quá tuổi đi học (tuổi tối đa của nữ là 55). Tuy nhiên, bà Giang lại là một trong những học viên tiêu biểu nhất của lớp.

Bà Giang cho biết, gia đình bà có 4 người thì có tới 3 người già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo đang hưởng trợ cấp xã hội. “Cả nhà chỉ còn mình tôi còn sức lao động, làm vườn tược, chăn nuôi. Được tham gia lớp học nghề chăn nuôi thỏ, có kiến thức rồi tôi mạnh dạn vay vốn và hiện đã nuôi được 300 con, mỗi năm thu nhập trên 40 triệu đồng. Đời sống gia đình được cải thiện rất nhiều”.

Trước đó, ở Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên cũng có một số lớp học bị “tuýt còi” vì học viên đã cao tuổi. Trong đó, Thái Nguyên mở một số lớp dạy nghề trồng chè, chế biến chè cho bà con nông dân. Đặc thù của các lớp học nghề này là học viên khá lớn tuổi, hầu hết đều đang trực tiếp trồng và chế biến chè.

Giúp người cao tuổi được học nghề - 1

Một lớp học nghề có nhiều lao động lớn tuổi

Ông Nguyễn Văn Chính -Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) cho biết, trước thực tế không dạy nghề trồng chè thì nông dân không thể nâng cao được năng suất, chất lượng chè, huyện vẫn mở lớp và khuyến khích nông dân cao tuổi đi học. Và để tránh tình trạng người đi học chính thức, đạt hiệu quả tốt lại không được công nhận, ông Chính cũng đã có đề nghị với Ban Chỉ đạo T.Ư thực hiện Quyết định 1956: “Bổ sung đối tượng học nghề cho người cao tuổi, phù hợp với điều kiện lao động thực tế địa phương”.

Câu chuyện “đầu bạc, đầu xanh

”Khi chính sách mở rộng đối tượng học nghề là người cao tuổi, đồng nghĩa với việc trong lớp học nghề của lao động nông thôn có thể có học viên từ 15 tới trên 60 tuổi, thậm chí 70 tuổi. Bà Nguyễn Thị Chính - giáo viên môn thú y từng giảng dạy tại huyện Yên Thế (Bắc Giang) cho biết: “Quá trình tiếp thu của học viên 20 tuổi khác với học viên 50 tuổi, và cách học, cách áp dụng kiến thức cũng khác nhau. Trong lớp tôi dạy có vài thanh niên trẻ, học với các bác lớn tuổi họ rất chán vì các bác ghi chép chậm, nghe kém…”. Vì thế, theo bà Chính, để lớp học hiệu quả, cần lưu ý sắp xếp theo độ tuổi.

Tiếp thu ý kiến các tỉnh, Ban Chỉ đạo T.Ư dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956 theo hướng công nhận và tạo điều kiện cho các trường hợp lao động nông thôn cao tuổi được học nghề. Tuy nhiên, điều kiện để được học nghề là lao động phải đang trực tiếp làm nghề, trong hộ gia đình không còn người trong độ tuổi lao động…

Ông Nguyễn Tiến Lợi - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) cũng nhận định, tại các lớp học nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn ít thu hút được thanh niên. Người đi học chủ yếu là trung niên nên: “Trình độ đầu vào của học viên thấp, khả năng tiếp thu kiến thức còn hạn chế”.

Ông Lâm Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Sóc Trăng nhấn mạnh hơn khi cho rằng, một lớp học mở ra mà độ tuổi quá chênh lệch thì khó hiệu quả. Vì vậy, theo ông Phong, các lớp dạy nghề nông nghiệp nên dành cho các lao động trung tuổi; với thanh niên nông thôn thuộc diện được hỗ trợ theo Đề án 1956 thì nên khuyến khích các em đi học nghề chính quy (hệ trung cấp nghề), không nhất thiết cứ phải theo các lớp học nghề sơ cấp. Chính sách cho các em nên áp dụng miễn học phí và cấp học bổng.

Đề xuất này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều tỉnh thành, trong đó có TP.Cần Thơ đã cụ thể hóa bằng chính sách riêng của thành phố. Theo đó, thanh niên dân tộc, thanh niên thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ học trung cấp nghề theo mô hình vừa học văn hóa vừa học nghề với học bổng tối đa là 190.000 đồng/tháng (hỗ trợ không quá 3 năm học).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê An (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN