Giữa Thủ đô: Trường học cũng chính là... đình làng
"Sân đình là sân trường, cổng đình là cổng trường" là thực trạng của trường THCS Tứ Liên (Hà Nội) từ bao lâu nay. Ngay cả tiết chào cờ đầu tiên của năm học, các em cũng phải sinh hoạt... trong lớp.
Đình làng Nội Châu (Tây Hồ, Hà Nội) được xây dựng lại tại vị trí hiện nay vào khoảng trước năm 1705, được trùng tu năm 1942 theo văn bia còn ghi rõ. Sau năm 1954, trường cấp 2 Tứ Liên (nay là Trường THCS Tứ Liên) được thành lập và nhờ dựng một số phòng học trong khuôn viên đình làng từ đó đến nay
Lịch học của học sinh trường Tứ Liên cũng có sự khác biệt so với các trường khác
Hiện tại, không chỉ chung sân mà trường và đình còn chung cổng ra vào. Ngoài cổng, phía trên đề tên Trường THCS Tứ Liên, phía dưới có một biển nhỏ đề "... giữ gìn tôn nghiêm nơi thờ tự"
Nhà để xe của các em chỉ là một góc nhỏ phía sau sân đình
Hàng năm làng Tứ Liên có 2 ngày hội làng, như vậy đồng nghĩa với việc các em sẽ phải nghỉ học vào 2 ngày đó và tổ chức học bù vào những ngày sau đó (nếu có thể)
Ngay cả tiết chào cờ đầu tuần của các em phải thay đổi nếu đúng vào ngày rằm hoặc mùng một đầu tháng
Những ngày rằm, mùng một, đình Nội Châu mở cửa để người làng Tứ Liên đến thắp hương hoặc đi lễ nên nhà trường sẽ không đánh trống vào những ngày đó tránh làm ảnh hưởng đến không gian tĩnh lặng của đình
Các tiết học thể dục của các em học sinh trường Tứ Liên diễn ra ngay tại sân đình do "sân đình là sân trường"
Nhưng vào những ngày lễ, Tết, người dân mang hoa quả, hương lễ vào đình thờ cúng, tạo nên một cảnh tượng đông đúc ngay trước cửa trường, ở trong sân thì khói nhang tỏa lên nghi ngút
Phía bên cạnh đình Nội Châu, trường tiểu học Tứ Liên cũng sử dụng một góc để làm trường
Tuy nhiên do không phải ở chính diện đình nên tiết chào cờ đầu tuần của các em vẫn diễn ra bình thường
Theo cô Nguyễn Thị Kim Xuân - Phó Hiệu trưởng nhà trường, bình quân sĩ số nhà trường tăng khoảng 30 học sinh/năm (hiện nay đã gần 300 em), nếu cứ với mức tăng này thì chỉ vài năm nữa, nhà trường sẽ không đủ lớp học cho các em.