Gieo chữ ở vùng biên, giáo viên phải có "võ" mới đến được trường

Sự kiện: Giáo dục

Mỗi ngày giáo viên trường mầm non Hoa Ngọc Lan, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) phải “đánh vật” với đoạn đường cực kỳ lầy lội dài hàng cây số đến trường. Vào năm học mới, trời mưa triền miên, đường sá chi chít “hố bùn” vẫn không ngăn được bước chân mang nặng tình yêu của người gieo con chữ trên vùng biên giới.

Gieo chữ ở vùng biên, giáo viên phải có "võ" mới đến được trường - 1

Đường bùn lầy vào trường mầm non Hoa Ngọc Lan

Cơn mưa giông sáng sớm vừa ngớt, cô Phan Thị Thương - Phó hiệu trưởng trường mầm non Hoa Ngọc Lan đã vội vàng ngồi lên yên xe tiếp tục chuyến hành trình. Nhiều năm nay, cô cùng với nhiều giáo viên khác gắn bó với với con đường kinh khủng lầy lội để đến trường. “Muốn đi qua được con đường này phải có “võ”. Một ngày 2 chuyến đi-về, chúng tôi đã quen rồi. Lâu không đi qua con đường này, nhiều giáo viên lại “nhớ” . Nếu mưa liên hồi sẽ không vào trường đúng giờ được” - cô Thương vừa khó nhọc điều khiển xe, vừa tươi cười chia sẻ với phóng viên.

Người bạn đồng hành trên mỗi chặng đường của giáo viên là chiếc xe máy. Vừa di chuyển được một lúc, trước mắt chúng tôi lớp bùn càng dày và trơn hơn, chân lún sâu tới cả tấc. “Vào đây không có người đi cùng dễ bị lạc đường. Đi không quen đường, dễ bị ngã. Vào Quảng Trực mà không té xe lấm lem bùn đất thì coi như chưa có gì là kỷ niệm để mang về nhà. Như tôi đi qua đây như ăn cơm bữa, mà hôm kia cũng bị té xe do đường quá trơn trượt” - Một thương lái xiêu vẹo đẩy xe thồ hàng kể.

Bỗng một chiếc xe máy bánh sau xoay tít, khói từ ống xả tuôn mù mịt, tiếng động cơ gầm rú vang rền. Nhiều người phải xúm vào cứu hộ chiếc xe sa lầy. Sau khi ra khỏi đoạn nguy hiểm, chiếc xe máy của tôi luôn phải “đóng” số 1, mới ì ạch nhích được từng mét. Có lúc phải xuống “cuốc” bộ cả đoạn dài. “Đây là lịch trình của chúng tôi. Ngày nào cũng vậy. Quá vất vả, gian khổ. Chỉ có yêu nghề, yêu con trẻ mới là động lực để giáo viên toàn trường vượt lên tất cả!” - Cô Thương tâm sự.

Vất vả là vậy, nhưng niềm tự hào lớn của giáo viên nơi này là chưa từng phải để học sinh chờ đợi, hay phải hủy giờ lên lớp. “Thời gian đầu mới vào nhận nhiệm vụ tại trường, nếu so sánh với các trường ở thị trấn, hay các xã có điều kiện hơn, chúng tôi sẽ không có động lực làm việc, dễ gây chán nản. Giờ thì quen rồi. Tình yêu nghề giúp chúng tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao” - Cô Thương chia sẻ.

Qua hết đoạn đường sình lầy, chúng tôi tiếp tục đến bon Đắk Huých, một trong 3 điểm trường của trường mầm non Hoa Ngọc Lan tại xã Quảng Trực. Điểm trường này được khảo sát kĩ lưỡng, gần khu đông dân cư, thuận lợi cho người dân đưa đón con em đi học. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng lại chưa đáp ứng nổi nhu cầu dạy và học. Cô Võ Thị Luyên được phân công là giáo viên chính. “Dù gần khu đông dân cư, nhưng điểm trường chưa đấu nối điện trực tiếp mà phải xin “ké” một hộ dân. Sân trường nền đất ẩm thấp, về mùa mưa thì không có không gian vui chơi cho con trẻ. Điểm trường cũng không có phòng nghỉ công vụ cho giáo viên, nên cô mà ở lại thì ngủ chung với học sinh, hoặc phải tận dụng phòng trống để giáo viên tá túc” - cô Luyên chia sẻ.

Cô Luyên nhà cách nơi dạy chừng 2 km, sáng phải đi sớm, chiều về chăm con. Mỗi mùa một cái khổ không “trùng” nhau. Mùa mưa thì đường bùn sình lầy, di chuyển muôn vàn khó khăn. Mùa khô thì “khát” nước sạch. Điểm trường chưa có công trình giếng nước sinh hoạt, nên các cô đã xin phụ huynh mỗi lần đưa con đến trường chịu khó “kèm” thêm 1 can nước 20 lít để phục vụ việc ăn uống cho con trẻ. “Mùa này, chúng tôi phải đến trường sớm, đến nhà dân xin nước để đun sôi pha sữa, nước uống cho học sinh. Bao năm qua, cô trò cùng với phụ huynh phải giúp đỡ nhau vượt khó” - Cô Luyên nói.

Hiện nay, lãnh đạo của trường mầm non Hoa Ngọc Lan đã xin nhiều nơi, đề nghị đầu tư giếng nước và điện sinh hoạt cho điểm trường bon Đắk Huých, nhưng vẫn chưa có kết quả. Những giáo viên yêu nghề, bám bon làng lâu năm như cô Luyên và nhiều giáo viên khác cũng đang mơ ước có được nơi ăn chốn ở khang trang cho học sinh và nơi lưu trú cho giáo viên để có điều kiện trong việc dạy và học.

Gieo chữ ở vùng biên, giáo viên phải có "võ" mới đến được trường - 2

Giáo viên và học sinh trường mầm non Hoa Ngọc Lan

Vận động con em đến trường

Năm nào cũng thế, đầu năm học giáo viên vùng biên giới huyện Tuy Đức phải băng rừng vận động nhiều gia đình đưa con em đến trường đúng thời gian. “Khai giảng đầu tháng 9, nhưng từ đầu tháng 8 chúng tôi phải cắt cử nhiều giáo viên đi khắp các quả đồi tìm gặp cha mẹ học sinh, nhắc nhở họ sớm đưa con đến trường” - cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Ngọc Lan cho biết.

Còn mùa mưa cũng là lúc người dân địa phương, nhất là đồng bào người bản địa vào rẫy để tỉa lúa, tỉa ngô hoặc đi rừng kiếm lá bép, đọt mây, bắt cá suối… Do đó, những đứa trẻ cũng theo chân bố mẹ. Khi vào trong rừng sâu, gặp những trận mưa lớn, kéo dài là không có đường ra đành phải ở lại tuần lễ, thậm chí cả tháng trời, nên nhiều em không có mặt đông đủ tại ngày hội tựu trường. “Mùa mưa ở  đây trở thành nét đặc thù thể hiện sự khó khăn của một vùng đất. Hằng năm, cứ mùa mưa, chúng tôi đều đến từng nhà vận động gia đình có con em đang trong độ tuổi đến trường, để các em không bỏ học giữa chừng. Giáo viên phải mang ủng, lội bộ hàng km vào tận rẫy của người dân. Niềm vui lớn của chúng tôi, sau những lần vận động, là hầu hết các gia đình đều đưa con em đến trường đông đủ! ” - Cô Thủy kể.

Cách đó không xa, giáo viên trường THCS Bu Prăng, cũng có hoàn cảnh tương tự, họ phải vất vả trèo đồi để thông báo ngày khai trường, vận động các em nghỉ học đến lớp. Đời sống của người dân nơi đây còn rất khó khăn và thiếu thốn. Do vậy, người dân phải huy động cả con cái lên rẫy, cùng gia đình lao động kiếm sống.

Cô giáo gửi con cho nội, ngoại lên núi bám bản, gieo chữ

Vợ chồng không thể tận tay chăm sóc, nuôi dạy hai đứa con. Con đầu gửi cho ông bà nội ở huyện Con Cuông, đứa con gái...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Long ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN