Gieo chữ ở chốn “ba không”
Nghe tin được phân công đi dạy ở xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nhiều người đã tính quay về. Vậy mà vẫn có những thầy cô giáo nhiệt tình, kiên trì bám trụ ở mảnh đất không đường, không điện, không sóng điện thoại này...
Nỗi khổ “ba không”Trường Tiểu học số 1 Tà Tổng có 37 giáo viên, 1 điểm trường trung tâm và 7 điểm trường ở bản. Nhưng cho đến nay chỉ có mới 3 điểm trường gần trung tâm là có điện, sóng điện thoại, và đi xe máy được tới tận bản. Còn các điểm trường khác, đều phải đi bộ ròng rã. Có điểm xa nhất phải đi bộ tới 6- 7 tiếng đồng hồ.
Thầy giáo Dương Văn Mạnh quê ở Lạng Sơn, đã có thâm niên 5 năm đi dạy ở Tà Tổng. “Khó khăn nhất phải kể đến điểm trường ở bản đầu suối Nậm Luồng. Muốn tới điểm trường phải đi bộ từ sáng sớm, đường toàn đèo dốc với cỏ gianh, tới trưa thì phải dừng nghỉ ở điểm bản Giàng Mí Cha. Ai đi khoẻ, ăn cơm xong phải đi bộ tiếp 4 tiếng, lội qua suối rồi cứ thế leo lên núi dốc theo kiểu M ngược. Còn ai không đi được thì phải nghỉ một đêm ở Giàng Mí Cha, sáng mai mới đi tới nơi được”- thầy Mạnh kể.
Ở bản, thầy cô nào cũng khao khát có sóng điện thoại. Điểm trường Cô Lô Hồ, 2 năm gần đây mới có sóng điện thoại. Còn lúc trước các thầy cô thỉnh thoảng mới bắt được sóng lạc của trạm viba. “Sóng chỉ có ở một cái cây duy nhất trong bản, bọn em phải đóng đinh treo điện thoại lên, gọi được 1,2 phút thì bên kia nói nghe được, nhưng bên này lại không trả lời lại được. Có lúc bọn em còn phải leo lên cây để bắt sóng điện thoại” - Cô giáo Lò Thị Thanh cho hay.
Các thầy cô giáo Trường Mầm non số 1 Tà Tổng vừa dạy học vừa
phải nấu cơm cho các em học bán trú
Đối với các điểm trường không có sóng điện thoại, mỗi lần có ai ra huyện là các thầy, cô lại lập một danh sách hàng loạt các số điện thoại để đến nơi có sóng gọi hộ về gia đình hỏi thăm tình hình và thông báo lại. Ngoài ra, mọi người còn đặt một trạm điện thoại ở nhà thầy Hoàn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Tà Tổng, nằm ở trung tâm Tà Tổng, để gia đình có chuyện gì điện lên thông báo, sau đó thầy viết lại nội dung, khi có người vào Nậm Ngà, thầy hiệu trưởng gửi cho các thầy cô.
Vừa dạy học vừa nấu ăn
Trường Mầm non số 1 Tà Tổng nằm ngay giữa trung tâm xã Tà Tổng nhưng phải đến năm 2008 mới xây dựng được lớp học 3 cứng. Cô Trần Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non số 1 Tà Tổng có thâm niên dạy ở đây đã 11 năm.
"Khó khăn, gian khổ, thiếu thốn như vậy, điều giữ chân chúng tôi ở lại những bản làng xa xôi này là tình cảm chân thành của phụ huynh, sự hiếu học của các em học sinh”. Cô giáo Nguyễn Thị Loan |
Cô Hương cho biết: “Cả trường có 14 giáo viên, nhưng có tới 8 điểm trường, trong đó có 3 giáo viên đang nghỉ thai sản. Mỗi điểm trường 1 giáo viên, điểm nào đông thì có 2 giáo viên. Giáo viên vừa dạy, tới bữa kết hợp nấu ăn cho các em học sinh luôn. Còn ở trường chính cũng chưa có chỉ tiêu dành cho nhân viên tạp vụ, nên kể cả Ban giám hiệu cũng phải luân phiên nhau nấu cơm trưa cho các em ăn. Trường đã đề nghị xin chỉ tiêu nhưng hiện tại vẫn chưa bố trí được”.
“Khó khăn, gian khổ, thiếu thốn như vậy, điều giữ chân chúng tôi ở lại những bản làng xa xôi này là tình cảm chân thành của phụ huynh học sinh, sự hiếu học của các em. Bố mẹ các em học sinh quý thầy giáo lắm, thỉnh thoảng vẫn cứ mang rau, gạo tới cho các thầy cô. Ngày trước tôi cùng một thầy giáo bên tiểu học đi khảo sát để mở điểm trường ở bản A Mé.
Biết các thầy cô đi vào mở trường, cả bản kéo đến, mời bằng được các thầy cô ở lại ăn cơm. Bản A Mé lại là bản xa nhất xã, trong bản toàn hộ nghèo. Thế mà họ đi lên tận nương, bắt con lợn về mổ thịt, đãi các thầy, cô giáo. Cơm cũng được nấu toàn gạo trắng chứ không phải gạo nương bà con hay ăn. Thế mới biết phụ huynh mong con em mình được đi học như thế nào” - cô Nguyễn Thị Loan - Hiệu phó Trường Mầm non số 1 Tà Tổng tự hào kể.