Giật mình con số hơn 1 triệu trẻ em không được đến trường

Đó là con số khá “giật mình” được đưa ra tại Hội thảo Phổ biến kết quả nghiên cứu trẻ em ngoài nhà trường của Việt Nam do Bộ GDĐT tổ chức ngày 11/9.

Theo nghiên cứu này, tổng số trẻ em ngoài nhà trường ở lứa tuổi từ 5 - 14 tại Việt Nam đang là 1.127.345 trẻ em. Trong đó, trẻ em 5 tuổi không được đến trường là 175.848 em, từ 6 - 10 tuổi là 262.648 em, từ 11 - 14 tuổi là 688.849 em. Đây là những trẻ chưa từng đi học, bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học. Đa phần đều thuộc đối tượng là trẻ em nghèo, trẻ em sống ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh, trẻ em dân tộc thiểu số, khuyết tật, trẻ phải lao động và trẻ em di cư…

PGS-TS Lê Khánh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ GDĐT cũng thông tin: Tỷ lệ trẻ em đã đi học nhưng sau đó thôi học tăng mạnh theo độ tuổi. Ở độ tuổi lên 5, tỷ lệ thôi học là 0,2%; tiểu học là 1,16% nhưng lên đến độ tuổi 14 đã có gần 16% thôi học, độ tuổi 17 tăng lên 39%.

Con số về tỷ lệ trẻ chưa bao giờ được đi học cũng khá cao, tập trung chủ yếu với một số nhóm dân tộc thiểu số. Hiện nay, cả nước có 2,57% trẻ từ 5 - 17 tuổi chưa bao giờ đi học. Dân tộc Mông có tỷ lệ trẻ từ 5 - 17 tuổi chưa bao giờ đi học cao nhất trong các nhóm dân tộc thiểu số chính, bằng 23,02%. “Nói cách khác, gần ¼ số trẻ em dân tộc Mông ở độ tuổi đi học chưa từng đi học bất cứ một loại trường lớp nào. Đây là một vấn đề rất nhức nhối” - ông Tuấn nói.

Phân tích những rào cản trong việc tiếp cận với trường học của nhóm trẻ em này, TS Nguyễn Phong - chuyên gia tư vấn của nghiên cứu này cho biết: “Nghèo đói, hủ tục là một trong những rào cản ngăn bước các em tới trường”. Chứng minh thực tế này, ông Lê Văn Quý - Giám đốc Sở GDĐT Điện Biên cho biết: “Rất nhiều địa bàn giáp biên giới ở Điện Biên có những thời điểm, sĩ số học sinh các trường THCS chỉ được 20% vì các em bỏ học rủ nhau sang Trung Quốc làm lao động phổ thông. Một năm người dân tộc có đến 3 - 4 ngày lễ tết, cứ lễ tết là học sinh lại nghỉ học”. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Những con số được đưa ra trong nghiên cứu này sẽ giúp ngành giáo dục thúc đẩy phương pháp tiếp cận mới trong xây dựng chính sách giáo dục. Trong đó, sẽ lưu ý đặc biệt đến việc ưu tiên đầu tư trường lớp mầm non ở vùng sâu vùng xa; thay đổi chiến lược “đưa trẻ em đến trường” thành “đưa trường đến cho trẻ em”, xây dựng các điểm trường lẻ THCS…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Hà (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN