Giật mình, 70% sinh viên công nghệ thông tin thiếu kĩ năng thực hành

Sự kiện: Giáo dục
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Công nghệ Thông tin (CNTT) đang là ngành học tăng trưởng nóng trong giáo dục đại học (ĐH) thời gian qua. Tuy nhiên, khảo sát gần đây chỉ ra, 70% sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp thiếu kĩ năng thực hành.

Ông Đỗ Thanh Bình, Giám đốc hợp tác quốc tế Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết, có khoảng 1,5 triệu nhân lực trong ngành CNTT đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó, khoảng 500.000 kĩ sư được đào tạo bài bản.

Theo ông Bình, Việt Nam đào tạo thêm khoảng 50.000 nhân lực CNTT/năm, nhưng trong số này chỉ có khoảng 30% sẵn sàng làm việc khi ra trường, còn lại 70% vẫn phải thông qua quá trình đào tạo, các khóa học để rèn giũa các kĩ năng thực hành trước khi tham gia vào dự án thực tế.

Một khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ thông tin ở Việt Nam đang có những nhu cầu cụ thể về quản trị dự án công nghệ, dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là gen AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) và đào tạo về an ninh mạng.

Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành CNTT sẽ đóng góp 20% GDP và cần 1,5 triệu nhân lực. Các lĩnh vực như AI trong y tế, fintech (công nghệ tài chính), và smart city (thành phố thông minh) sẽ là động lực chính. Ví dụ, dự án thành phố thông minh tại Thủ Đức (TPHCM), dự kiến cần 50.000 chuyên gia CNTT trong 5 năm tới. Các vị trí về CNTT được tuyển dụng nhiều nhất tại Việt Nam, gồm: lập trình viên Back-end chiếm trên 12%, lập trình viên Full-stack trên 10%, lập trình viên Front-end gần 9% và nhân viên bảo mật mạng gần 17%.

Về nhu cầu nhân lực dài hạn, theo ông Đỗ Thanh Bình, 38% nhân lực công nghệ thông tin cần có kĩ năng STEM (Khoa học, công nghệ, kĩ thuật, Toán học), tức là các môn học về khoa học kĩ thuật. Trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần thêm khoảng 1 triệu nhân lực lĩnh vực CNTT để đáp ứng được nhu cầu bùng nổ công nghệ ngày nay. Bên cạnh đó, 25% sinh viên CNTT tại Việt Nam cần kĩ năng tự học để đáp ứng vấn đề thay đổi công nghệ.

Ngành lập trình hấp dẫn sinh viên. Ảnh: Internet

Ngành lập trình hấp dẫn sinh viên. Ảnh: Internet

Ông nhấn mạnh, bên cạnh chú trọng đào tạo kĩ năng cứng cho sinh viên, việc đào tạo kĩ năng mềm cũng rất quan trọng. Trước hết là về tư duy phân tích. “Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá sinh viên khi ra trường còn có phần bị động khi được giao một nhiệm vụ, dự án, sản phẩm. Sinh viên cần có tư duy, kĩ năng phân tích để giải quyết được các vấn đề trong công việc, cần có hiểu biết về kĩ thuật, kĩ năng học nhanh”, ông Bình nói.

Cần đánh giá công bằng

Trước những đánh giá của VINASA, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, con số 70% vẫn phải thông qua quá trình đào tạo, các khóa học để rèn giũa các kĩ năng thực hành trước khi tham gia vào dự án thực tế dễ gây hiểu lầm và hoang mang. Ông Điền phân tích, việc bổ sung văn hóa doanh nghiệp cho người mới tốt nghiệp là bình thường, khó có thể nói đó là quá trình đào tạo hay khóa học kĩ năng thực hành. Cần có sự phân biệt rạch ròi giữa bổ sung các kĩ năng chuyên môn và kĩ năng mềm theo yêu cầu của văn hóa doanh nghiệp.

Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, sinh viên học hệ cử nhân ngành Công nghệ Thông tin phải đi thực tập từ năm thứ 2 đến năm cuối bao gồm thực tập nhận thức. Họ đến doanh nghiệp làm công việc đơn giản như công nhân để trải nghiệm trong thời gian ngắn. Năm thứ 3 là thực tập kĩ thuật, sinh viên làm việc với bộ phận kĩ thuật để trải nghiệm qua môi trường thiết kế, chế tạo. Ở giai đoạn này, sinh viên có thể chuyển đổi kiến thức được học thành những hình dung thực tế.

Năm cuối, là thực tập tốt nghiệp sau khi đã học hết các học phần đào tạo chuyên môn. Khi đó là bước sinh viên trải nghiệm ra thực tế, có kiểm tra đánh giá năng lực. Đối với hệ đào tạo kĩ sư (sinh viên học 5 năm tương đương khung đào tạo thạc sĩ), sinh viên còn có 6 tháng thực tập tại doanh nghiệp để làm đồ án vào năm thứ 5. Do vậy, ông Điền cho rằng, cần phải có cái nhìn công bằng hơn khi đánh giá chất lượng đào tạo của trường ĐH.

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, nhận định của VINASA khó kiểm chứng nhưng cũng không quá ngạc nhiên. Vì số lượng các trường đào tạo ngành CNTT quá nhiều, nếu xét ở góc độ điểm chuẩn đầu vào trải đều từ các trường nhóm cao đến thấp. Nhưng ông Trình khẳng định, có thể yên tâm về chất lượng của các trường đào tạo về CNTT ở nhóm dẫn đầu.

Ví dụ, Trường ĐH Công nghệ đang đào tạo 4 ngành CNTT là Kĩ thuật máy tính (khối kiến thức thực tập và tốt nghiệp chiếm 13/150 tín chỉ đào tạo); ngành CNTT (khóa luận tốt nghiệp chiếm 10/151 tín chỉ). Trong các môn học có yêu cầu thực hành thực tập rất nhiều. Sinh viên phải tham gia làm bài tập lớn, dự án. Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên phải đạt yêu cầu các kĩ năng, thái độ làm việc mới đạt chuẩn đầu ra tốt nghiệp.

Theo khảo sát, đến nay có khoảng 70% trên tổng số trường ĐH và cao đẳng ở Việt Nam đang đào tạo nhóm ngành CNTT. Các cơ sở đào tạo cũng bổ sung các chuyên ngành mới để phù hợp với xu hướng công nghệ toàn cầu như AI và An ninh mạng. Điều này giúp tăng chất lượng và nguồn cung của nhân lực CNTT có tay nghề cao trên thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ chủ trì làm việc với nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, doanh nghiệp FDI tìm hiểu cơ hội mở rộng đầu tư tại Việt Nam (như Apple, Intel, NVIDIA, Foxconn, Meta, Synopsys, Microsoft, SpaceX, Samsung…), đề nghị tăng cường hợp tác, đồng hành với Việt Nam thực hiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng ghi nhận xu hướng đảo chiều sau giai đoạn bùng nổ tuyển dụng IT 2020-2021. Thực tế cho thấy có sự sụt giảm lao động phần cứng: năm 2022 là giảm 103.000 lao động, năm 2023 ước giảm 10.000 lao động. Năm 2023 ghi nhận sụt giảm lao động của phần mềm, dịch vụ và buôn bán phân phối.

Theo đánh giá của chuyên gia, các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam chậm triển khai thành lập (và tổ chức đào tạo) một số môn chuyên sâu như Công nghệ tri thức, Thị giác máy tính, Điều khiển học thông minh, Trí tuệ nhân tạo,… Do thiếu giảng viên chuyên ngành hẹp nên số lượng và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam phải sẵn sàng “mở cửa” đón nhận các “đại bàng” công nghệ vào đầu tư, hợp tác, bằng việc giải quyết bài toán...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGHIÊM HUÊ ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN