Giáo viên vừa dạy online, vừa lo đối phó các chiêu trò phá lớp

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Trong khi nhiều giáo viên nỗ lực trong dạy và học trực tuyến qua Internet, một bộ phận học sinh ngoài việc học đối phó, còn cung cấp mã và mật khẩu lớp học để nhờ người khác vào phá hoại giờ học...

Xuất hiện nhiều nhóm trên mạng xã hội chia sẻ thông tin truy cập với mục đích phá hoại lớp học trực tuyến (ảnh chụp màn hình)

Xuất hiện nhiều nhóm trên mạng xã hội chia sẻ thông tin truy cập với mục đích phá hoại lớp học trực tuyến (ảnh chụp màn hình)

"Giang hồ mạng" phá hoại giờ học online

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, học sinh cả nước đã có đợt nghỉ học kéo dài hơn 2 tháng qua. Tiếp tục chủ trương của Bộ GD&ĐT với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng việc học", các địa phương đã đẩy mạnh học tập trực tuyến, trên truyền hình dành cho học sinh các cấp học từ tiểu học đến THPT. Nếu như thời điểm ban đầu hình thức này chỉ là giúp học sinh duy trì nề nếp học tập thì hơn một tháng trở lại đây đã chuyển sang dạy chương trình, nội dung kiến thức mới có chấm điểm giống như học chính khóa.

Trong khi chưa thống nhất nền tảng chung của phần mềm dạy học trực tuyến hiện nay, mỗi địa phương, nhà trường vẫn phải tùy điều kiện để lựa chọn ứng dụng triển khai dạy học trực tuyến. Phổ biến nhất vẫn là các ứng dụng từ nước ngoài như: Classroom, Zoom Meeting… Ưu điểm của các ứng dụng này là dễ dàng sử dụng, hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, việc áp dụng vào dạy học lại phát sinh những hạn chế do các ứng dụng này chưa thực sự là phần mềm dành cho việc dạy học mà chỉ là phần mềm sử dụng cho văn phòng, hội họp thông thường.

Theo ghi nhận, trong quá trình học online, đa số học sinh đã tích cực và nghiêm túc học tập. Tuy nhiên vẫn còn xuất hiện tình trạng học sinh nói chuyện ồn ào trong giờ học, viết bình luận không liên quan tới lớp học, thậm chí dùng thủ thuật để trốn học… Đặc biệt, xuất hiện các nickname "lạ", hoặc tên của những nhân vật "giang hồ mạng" vào các lớp học để quấy rối, chửi bậy, phát tán các clip phản cảm.

Thậm chí, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều hội nhóm để học sinh cung cấp mã truy cập, mật khẩu lớp học nhờ người khác vào cùng phá lớp. Cụ thể, chiều 15/4, truy cập vào các nhóm này, chúng tôi không khỏi "choáng" với ý thức của một bộ phận học sinh hiện nay. Tại các nhóm này trên Facebook, xuất hiện vô số bài viết cung cấp địa chỉ, mật khẩu và giờ học để kêu gọi các thành viên "rảnh rỗi, ghét học" vào phá bĩnh. Thực tế, học sinh mới có thông tin để truy cập lớp học online. Những tài khoản có tên của những "giang hồ mạng" là tài khoản ảo tham gia lớp học với mục đích xấu.

Vừa dạy, vừa lo trò phá

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, hoạt động dạy và học online thời gian qua gặp nhiều khó khăn do chính bản thân giáo viên cũng chưa làm chủ được công nghệ, tốc độ đường truyền chưa ổn định, học sinh không phải em nào cũng có thiết bị phù hợp để tham gia lớp học. Tuy nhiên, để duy trì lớp học và mạch kiến thức cho học sinh, giáo viên không còn cách nào khác là phải khắc phục khó khăn, nỗ lực hơn nữa. Mặc dù bị học sinh dùng các "chiêu" đối phó, song nhiều giáo viên đã từng bước tăng cường quản lý, bảo mật lớp học.

"Ban đầu bị các nickname quấy phá lớp học, tôi cũng như các giáo viên khác rất bất bình. Tuy nhiên đây đều là nickname ảo, nên ngoài việc kêu gọi phụ huynh hỗ trợ, giám sát con trong giờ học, giáo viên cũng từng bước bảo mật thông tin lớp học. Theo đó, chỉ có nickname tên thật của học sinh mới được vào lớp học; mã và mật khẩu lớp học thường xuyên được thay đổi; giáo viên yêu cầu học sinh phải tắt micro, camera để tránh ồn ào, làm phiền trong giờ học và cho phép học sinh nào phát biểu mới được bật lên. Chúng tôi cũng thường xuyên phản hồi tới gia đình nếu học sinh không tham gia lớp học, không làm bài tập…", cô Thanh Huyền, giáo viên tại Hà Nội chia sẻ.

Là giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong dạy học online, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: "Ngay từ khi học sinh nghỉ học vì COVID-19, trường đã thực hiện việc dạy và học trực tuyến qua các ứng dụng phần mềm. Để giúp học tốt, giáo viên cũng vất vả hơn, dành nhiều thời gian để xây dựng bài học, tăng cường soạn bài tập và chấm bài tập. Giáo viên cũng tăng cường giám sát học sinh, yêu cầu học sinh học tập nghiêm túc, hoàn thành các bài tập, chụp ảnh bài giải và gửi lại cho giáo viên chấm, chữa và nhận xét. Ngoài ra, cũng phải tăng cường kết nối với phụ huynh thông báo tình hình học tập của học sinh".

Theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua, trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến trên Internet có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Để khắc phục, Bộ GD&ĐT kiến nghị các cơ sở giáo dục, giáo viên sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến của Bộ. Nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh và cán bộ quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tại Hà Nội, từ ngày 9/3 đến nay, Đài PT&TH Hà Nội phối hợp cùng Sở GD&ĐT Hà Nội sản xuất, phát sóng các môn dành cho học sinh lớp 9, lớp 12. Theo Đài PT&TH Hà Nội, mục đích của những người sản xuất chương trình là giúp cho học sinh cuối cấp có thể nắm vững kiến thức trong thời gian nghỉ vì dịch nhằm đảm bảo đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Tuy nhiên, bên cạnh những bình luận có ý thức xây dựng thì cũng có những bình luận không liên quan đến bài giảng, những bình luận phản cảm gây bức xúc cho những người xem trực tiếp. Việc xuất hiện nhiều bình luận phản cảm đã khiến nhà đài phải phối hợp với an ninh mạng để mời một số bạn bình luận có nội dung phản cảm trong các buổi livestream lên làm việc và sẽ báo lại nhà trường.

Nguồn: [Link nguồn]

Trường ngưng dùng Zoom dạy trực tuyến vì người lạ

Một số trường đã tạm ngưng sử dụng phần mềm Zoom khi dạy học trực tuyến vì lỗ hổng bảo mật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN