Giáo viên tự biên soạn tài liệu dạy học: 90% đỗ đại học

Với mục đích đem lại hiệu quả dạy học tốt nhất cho học trò, bớt đi những kiến thức hàn lâm không cần thiết, nhiều trường THPT của TPHCM đã tự biên soạn tài liệu giảng dạy trên cơ sở SGK chuẩn.

Rút gọn kiến thức, giảm tải 

Từ đầu tháng 6.2014, Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2) đã tổ chức biên soạn tài liệu dạy học cho học sinh của trường từ khối 10 đến khối 12 và 100% học sinh trong trường học theo tài liệu biên soạn này.

Thạc sĩ Hà Hữu Thạch, hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc nhà trường tiến hành biên soạn tài liệu dạy học nhằm mang đến cho học sinh cách tiếp cận khác SGK nhưng kiến thức không vượt ra ngoài phạm vi chương trình mà SGK đã cụ thể hóa.

“Tài liệu này tuân thủ triệt để nội dung chương trình, SGK bậc THPT do Bộ GDĐT ban hành, nhưng có những bài chúng tôi diễn giải kỹ hơn, tăng cường những bài tập rèn luyện, bài tập nâng cao, có bài lại rút ngắn cho súc tích hơn, giảm bớt số bài tập (so với SGK) vì thấy không cần thiết.

Giáo viên tự biên soạn tài liệu dạy học: 90% đỗ đại học - 1

 Học sinh THPT Hồ Chí Minh đã bắt đầu bước vào kỳ ôn tập nước rút chuẩn bị thi ĐH

Các tổ chuyên môn ngồi lại với nhau cùng cùng biên soạn, thống nhất và sử dụng chung. Kết quả là học sinh cảm thấy có một kiến thức liền mạch hơn. Chẳng hạn ở môn vật lý và kỹ thuật công nghiệp của khối 12 có những bài gần như trùng với nhau nhưng thời điểm lại học khác nhau.

Đầu năm học, môn kỹ thuật công nghiệp học về điện 3 pha, điện xoay chiều. Sách vật lý lại dạy từ điện cơ, rồi học lại điện xoay chiều, điện 3 pha, kiến thức hai bên dẫm chân lên nhau nên được giáo viên biên tập lại cho đồng bộ, ” – ông Thạch cho biết.

Không chỉ riêng Trường THPT Giồng Ông Tố, khá nhiều trường THPT của TPHCM đã tiến hành biên soạn tài liệu dạy học phù hợp với học sinh trường mình. Tùy từng trường, có bộ môn được tất cả các giáo viên trong tổ cùng biên soạn, có bộ môn từng giáo viên tự soạn tài liệu riêng.

Tại Trường THPT tư thục Hồng Đức (quận Tân Phú), tổ vật lý biên soạn lại kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12, mỗi giáo viên viết lại một chương hoặc vài chương trong chương trình, dựa theo kiến thức SGK hiện hành, lược bỏ bớt những kiến thức quá hàn lâm, xa rời thực tế, diễn đat các kiến thức một cách dễ hiểu hơn cho học sinh tiếp cận. Những tài liệu này được in và lưu hành nội bộ trong trường.

Giáo viên Trường THPT Thái Bình (quận Tân Bình) đã nhiều năm nay tự biên soạn các đề cương dạy học của các môn theo trình độ của từng khối học sinh. Sau mỗi năm, tài liệu này lại được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế thi cử cũng như năng lực học sinh.

“Trúng tủ” cả thầy lẫn trò

Cô Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Bình cho biết, mặc dù nhà trường không bắt buộc nhưng bắt nguồn từ thực tế, việc các giáo viên biên soạn đề cương giảng dạy cho từng bộ môn phù hợp với trình độ, khả năng của học sinh đã có tác dụng rất tốt.

Học sinh được học những kiến thức chủ chốt, cô đọng, thiết thực nhất nên chất lượng tăng lên trông thấy; giáo viên hào hứng khi được áp dụng các phương pháp dạy học mới, mới từ cách truyền đạt, nội dung giảng dạy đến việc tự chủ trong dạy học tích hợp. Kết quả của việc áp dụng phương pháp và tài liệu dạy học tự biên soạn này là tỉ lệ học sinh đậu ĐH của trường mỗi năm đều trên 90%.

Cùng quan điểm này, cô Phan Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Thiện Lý (Q.7) cho biết, các thầy cô xây dựng giáo án của mình trên cơ sở là chuyển tải phần kiến thức cơ bản nhất, trọng tâm nhất của chương trình SGK; đồng thời có lồng ghép, bổ sung, phát triển chương trình của nước ngoài theo hướng không dạy thêm kiến thức; chú trọng bồi dưỡng thái độ, cảm xúc, phương pháp học bộ môn, rèn luyện kỹ năng thực hành; làm quen với công việc nghiên cứu khoa học,…

Tuy áp dụng nội dung chương trình khung của Bộ GDĐT nhưng mỗi chương trình, bài giảng được thiết kế lại cho linh hoạt, dễ hiểu, dễ tiếp thu và mở rộng kiến thức bổ ích cho học sinh.

Còn học sinh - nhân vật trung tâm được khuyến khích phát triển tư duy phản biện và sáng tạo, rèn luyện tính độc lập, làm việc theo nhóm - tổ chức thuyết trình, làm dự án… Từ những trải nghiệm, tương tác thú vị này, các em cảm nhận được sự học là tự nhiên, hào hứng và không có áp lực.

Mục đích chung của hầu hết các trường và giáo viên biên soạn tài liệu dạy học là học sinh có thể thi đậu ĐH và giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo các giáo viên, nếu chỉ dạy và học hoàn toàn như SGK, kết quả thi của học sinh sẽ không cao, vì thế tài liệu dạy học của các giáo viên được biên soạn sao cho vừa đảm bảo kiến thức chuẩn, vừa có những nội dung mở rộng, nâng cao mà học sinh vẫn hứng thú với môn học và đạt được mục tiêu là đậu ĐH.

Trước câu hỏi giáo viên có nên tự viết SGK hay không, nhiều người cho biết, thành phố có không ít giáo viên đủ năng lực để viết sách.

Cô Lê Thúy Hòa khẳng định: “Bộ GDĐT vẫn ban hành SGK chuẩn, trên cơ sở đó các giáo viên tự viết sách để giảng dạy sao cho phù hợp nhất với học sinh của mình. Đây là việc làm rất tốt, không chỉ phát huy được năng lực của giáo viên mà còn giúp học sinh nâng cao hiệu quả, chất lượng học tập”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Dương (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN