Giáo viên tranh cãi, học sinh hoang mang vì đề thi Văn vào lớp 10

Đã gần 1 tuần từ khi môn thi Văn vào 10 ở Hải Phòng kết thúc, cuộc tranh luận về đáp án môn thi này chưa lúc nào dừng lại.

Sáng 10/6, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hải Phòng năm học 2016 – 2017 đã diễn ra trong 1 ngày với 2 môn thi Toán, Văn.

Theo Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khối công lập năm học 2016 - 2017 của thành phố sẽ lấy 14.467 học sinh. Kỳ thi năm nay thực hiện kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển như những năm trước đây.

Theo đề thi môn Văn lần này, phần thi sẽ có 2 phần Đọc - Hiểu và Làm văn. Phần Đọc - Hiểu gồm 7 câu, phần Làm Văn gồm 2 câu. Ngay khi nhận đề thi, nhiều thí sinh đã không khỏi lo lắng vì bài thi dài so với thời gian thực hiện.

Trong đề thi môn Văn này, thí sinh có phần lúng túng khi gặp phải câu hỏi số 6 mục Đọc - Hiểu với mức điểm tính 0,75 điểm. Câu hỏi trích đoạn văn bản (đoạn thoại) trong tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố giữa bà lão láng giềng với chị Dậu: "Về mặt cấu tạo ngữ pháp, câu Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn là câu đơn hay câu ghép? Hãy phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu đó".

Giáo viên tranh cãi, học sinh hoang mang vì đề thi Văn vào lớp 10 - 1

Đề thi môn Văn vào 10 THPT ở Hải Phòng vừa qua. Ảnh: CTV

Trước câu hỏi trên, tỉ lệ chọn câu ghép, câu đơn giữa các thí sinh dường như ngang bằng nhau. Cuộc chiến bảo vệ đáp án của mình cũng bắt đầu bùng nổ khi trong cuối buổi sáng môn thi Văn, trên trang điện tử tuyensinh...com – trang mạng mà các thí sinh thường hay tham khảo, trông cậy khi kiểm tra kết quả bài làm của mình tung ra đáp án của câu 6 là “câu đơn”.

Theo phân tích cấu trúc đoạn văn bản này, tuyensinh....com đưa ra chỉ có một chủ ngữ là Người; còn lại là các vị ngữ: Ốm rề rề như thế (V1), nếu lại phải một trận đòn (V2), nuôi mấy tháng cho hoàn hồn (V3).

Những thí sinh chọn đáp án câu ghép cho rằng, đáp án câu đơn là không thuyết phục bởi khi phân tích cấu trúc câu hỏi này, phải xác định; Người (CN 1) /ốm rề rề như thế (VN 1), nếu (Rút gọn CN) / lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn” (VN 2). Trong đoạn văn bản trên, vế thứ 2 đã được rút gọn chủ ngữ. Lúc này, câu hoàn chỉnh sẽ là: “Người ốm rề rề như thế, nếu người ấy lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn.

Không chỉ các thí sinh, ngay cả phe giáo viên dạy Văn cũng nảy sinh cuộc tranh cãi nghiệp vụ chưa từng thấy. Phe giáo viên chọn đáp án “câu ghép” cho rằng, việc tác giả dùng từ nếu rút gọn chủ ngữ trong câu trên nhằm mục đích tránh lỗi lặp từ trong câu, hay hơn, giàu tình cảm hơn. Ngược lại, phe giáo viên chọn đáp án “câu đơn” cho rằng, thành phần câu trên chỉ có một chủ ngữ và 3 vị ngữ.

Từ đáp án của trang mạng tuyensinh...com và phần tranh cãi giữa các cô giáo dạy Văn, hầu hết các thí sinh đều không tránh khỏi tâm lý hoang mang. Đứng bên lề cuộc thi, khi chứng kiến cảnh tranh cãi trong chọn đáp án của câu 6, rất nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng cho “số phận bài thi” của các con mình.

Trên diễn đàn tuyensinh....com và trang Facebook Học văn lớp 9 rất dễ nhận thấy sự hoang mang, lo lắng của các thí sinh xung quanh lựa chọn đáp án câu đơn hay câu ghép.

Được biết, đáp án đề thi môn Văn vào 10 THPT của Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng sẽ chính thức công bố trong tuần này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Lý (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN