Giáo viên tiếng Anh thiếu chuẩn gây lo lắng
Gần 97% giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học và gần 90% giáo viên tiếng Anh bậc THPT chưa đạt chuẩn ngôn ngữ theo quy định.
Ngày 11/12, tại ĐH Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội nghị giao ban về công tác triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Qua 3 năm triển khai (2011-2013), việc thực hiện đã bộc lộ nhiều khó khăn.
Bồi dưỡng vẫn không nâng chuẩn
Ban đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (Ban đề án) cho biết khi bắt đầu triển khai đề án, kết quả khảo sát trình độ ngoại ngữ của giáo viên (GV) tiếng Anh các cấp trên 10 tỉnh, thành cho thấy có đến 97% GV bậc tiểu học, 93% GV bậc THCS và 98% GV bậc THPT chưa đạt chuẩn năng lực tiếng Anh. Chính vì thế, Ban đề án xác định công việc trọng tâm là tập trung cho công tác bồi dưỡng GV. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/9/2013, theo báo cáo của 42 tỉnh, thành thì tỉ lệ GV tiếng Anh phổ thông chưa đạt chuẩn ngôn ngữ theo quy định vẫn rất cao, cụ thể là gần 97% GV tiếng Anh bậc tiểu học và gần 90% GV tiếng Anh bậc THPT.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, khi chưa triển khai đề án, việc dạy và học ngoại ngữ ở tỉnh này còn rất nhiều bất cập, tỉ lệ giáo viên có trình độ ngoại ngữ vẫn còn rất hạn chế, thiết bị dạy và học không có, việc dạy và học ngoại ngữ cũng chưa được quan tâm đúng mức. “Sau khi tham gia nhiều lớp bồi dưỡng, mặc dù chuẩn chưa thực sự được nâng cao nhưng GV đã một phần tích cực tự học, không ỷ vào biên chế, chây ì như trước” - ông Hoàng nói.
Nhiều đại biểu dự hội nghị giao ban về công tác triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 bày tỏ sự lo lắng về chất lượng giáo viên tiếng Anh
Đại diện Sở GD-ĐT TP Hải Phòng cho rằng một trong những mục tiêu quan trọng đề án cần hướng tới là phải tập trung cho bậc tiểu học. Thế nhưng, GV tiếng Anh bậc học này lại có trình độ đạt chuẩn quá thấp, trong đó chủ yếu là 2 kỹ năng nghe và nói, nên rất chú trọng rèn luyện 2 kỹ năng này.
Lúng túng trong đánh giá
Một trong những vấn đề được các đại biểu tham dự hội nghị quan tâm là xây dựng khung thống nhất về công tác kiểm tra và đánh giá tiếng Anh cho cả GV lẫn học sinh. Lâu nay, việc kiểm tra và đánh giá còn chưa đồng nhất, dẫn đến kết quả chưa thực sự đúng chuẩn.
Bà Vũ Thị Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên, cho rằng phải lựa chọn GV đạt trình độ chuẩn để bồi dưỡng GV tiếng Anh. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra phải được tiến hành một cách trung thực và khách quan.
Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, gợi ý phải có một tổ chức đánh giá độc lập về năng lực tiếng Anh như các tổ chức nước ngoài. Còn ông Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, phân tích rằng công tác kiểm tra, đánh giá hiện nay còn mang tính chất chủ quan, nhất là trong kỹ năng nghe, nói. Việc kiểm tra và đánh giá phần nào chưa thống nhất và cũng chưa chính xác. Ông Đỗ Tuấn Minh đề xuất cần có công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh dành cho người Việt, không phải nhờ đến các tổ chức nước ngoài.
Về việc này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng cần sớm xúc tiến đẩy nhanh công tác thi và kiểm tra, đánh giá theo một khung riêng để góp phần đổi mới toàn diện và triệt để hơn trong việc thực hiện đề án.
Sinh viên không chuyên ngữ bị thiệt
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết tỉ lệ sinh viên không được nhận bằng tốt nghiệp do thiếu chuẩn đầu ra tiếng Anh ở trường này vẫn còn rất cao. Sinh viên của ngành kỹ thuật có chuẩn đầu vào tiếng Anh thường rất thấp trong khi yêu cầu về chuẩn đầu ra lại cao. Chính vì thế, cần phải tăng cường bồi dưỡng năng lực tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ.