Giáo viên tiếng Anh chịu thiệt
Thông tư 28 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông đang nảy sinh nhiều bất cập, trong đó đặc biệt là quy định liên quan đến giáo viên dạy tiếng Anh tăng cường
Theo khoản 1, điều 6 Thông tư số 28 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) - quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên (GV) phổ thông và Công văn số 1435 ngày 12-5-2016 của Sở GD-ĐT TP HCM - về định mức tiết dạy đối với GV tiểu học dạy tiếng Anh tăng cường (TATC), GV tiểu học được tuyển dụng giảng dạy TATC cũng quy định định mức tiết dạy như GV tiểu học.
23 tiết dạy/tuần miễn phí
Theo Thông tư 28, định mức tiết dạy của GV tiểu học là 23 tiết, GV THCS là 19 tiết, GV THPT là 17 tiết/tuần.
Một giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Căn cứ quy định này, Sở GD-ĐT TP HCM đã có công văn hướng dẫn các phòng GD-ĐT quận, huyện về định mức tiết dạy đối với GV tiểu học dạy TATC. Theo công văn hướng dẫn này, GV tiểu học được tuyển dụng giảng dạy TATC thực hiện định mức 23 tiết/tuần như các GV khác.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1, TP HCM cho biết trường đang triển khai 2 chương trình tiếng Anh là TATC và tiếng Anh theo Đề án 2020. Trường có 3 biên chế GV dạy TATC. Trước đây, khi chưa có Thông tư 28 và quy định định mức tiết dạy của Sở GD-ĐT TP HCM, các GV TATC của trường được trả 50.000 đồng/tiết, bắt đầu từ tiết đầu tiên; dạy bao nhiêu tiết thì nhân lên bấy nhiêu tiền. Tuy nhiên, khi áp dụng Thông tư 28, GV TATC cũng bị xếp ngạch chung như những GV tiểu học dạy các bộ môn khác. Nghĩa là định mức tiết dạy của GV TATC trong 1 tuần phải là 23 tiết. 23 tiết này xem như là nghĩa vụ và không được trả lương - còn gọi là “miễn phí”, trong khi đây là chương trình học có thu thêm học phí (80.000 đồng/tháng/học sinh). Tính bình quân một tiết 45.000-50.000 đồng thì mỗi GV mất trên dưới 1 triệu đồng/ tuần.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vì những quy định bất cập này, không ít GV TATC ở một số quận, huyện đã nghỉ việc do trường trả lương theo quy định của Thông tư 28.
Dễ “dứt áo ra đi”
Theo thống kê, 70% học sinh tại các trường tiểu học ở TP HCM hiện nay theo học chương trình TATC. Dù phải đóng học phí nhưng hầu hết phụ huynh và học sinh đều rất mặn mà với chương trình này thay vì chương trình tiếng Anh theo đề án.
Tuy nhiên, về phía các trường, khó khăn nhất là tuyển dụng đội ngũ GV dạy tiếng Anh tiểu học. Lý do chính là thu nhập từ GV dạy ở trường không thể như bằng dạy thêm bên ngoài, nhất là tại các trung tâm.
Lãnh đạo một phòng GD-ĐT cho biết hiện nay, GV tiếng Anh bậc tiểu học đang vô cùng khan hiếm do đặc thù công việc vất vả, thu nhập không cao. Rất nhiều trường do không tuyển đủ GV nên phải hợp đồng với bên ngoài, trường nào tuyển rồi thì nơm nớp lo GV dứt áo ra đi.
“Trước đây, do khan hiếm GV tiếng Anh, các trường lấy biên chế để chiêu mộ họ để GV yên tâm công tác trong ngành giáo dục. Hầu như trường nào cũng phải tính toán từ các nguồn thu để có chế độ đãi ngộ tương xứng, để GV gắn bó với nghề. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo quy định thì sẽ có tình trạng GV dứt áo ra đi. Việc tuyển dụng đội ngũ này hằng năm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn” - vị này nhìn nhận.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 4, TP HCM cho biết hiện nay, tại các trường, GV TATC phải dạy thêm cả lớp tiếng Anh theo Đề án 2020, trong khi tiếng Anh đề án thì vốn đã dạy miễn phí. Đặc thù của GV tiểu học là vất vả hơn các bậc học khác, thời gian cố định. Vì thế, nếu bắt GV chỉ hưởng mức lương cơ bản thì rất khó giữ họ gắn bó lâu dài.
Vẫn chi trả như trước Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho biết hiện các trường tại quận vẫn chi trả cho GV TATC như trước đây, tùy vào nguồn kinh phí ở các trường. Theo ông Huy, không thể xem GV TATC như các bộ môn khác được vì dạy tiếng Anh rất vất vả, áp lực; phải tâm huyết với giáo dục mới ở lại. Nếu họ ra ngoài dạy thêm tại các trung tâm thì thu nhập cao hơn nhiều. Nếu áp dụng chi trả theo quy định thì GV rất thiệt thòi. Ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 10, cho hay hiện nay, mức chi trả cho GV TATC ở quận vẫn không có gì thay đổi so với trước. Mỗi trường có mức chi trả khác nhau trên tinh thần không để GV thiệt thòi. |