Giáo viên thất nghiệp: Trách nhiệm của ai?

Hơn 1.400 cử nhân sư phạm tại TP.HCM không tìm được chỗ dạy ở trường công sau đợt tuyển dụng giáo viên (GV) đầu năm học 2012.

Phía sau nỗi thất vọng vì thất nghiệp của họ là con số lãng phí khổng lồ từ việc đầu tư đào tạo GV. Con số này mới tính số ứng viên cho bậc THPT, chưa tính hàng trăm người bị loại khỏi kỳ tuyển dụng GV THCS ở các quận, huyện.

Đào tạo lệch pha

Nhiều hiệu trưởng trường THCS đã không khỏi bức xúc trước con số này. Thông tin từ phòng tổ chức Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: nhu cầu tuyển dụng GV ở trường tư và nhu cầu tuyển giám thị, nhân viên thiết bị - thư viện cũng đã bão hòa. Điều này có thể đúng ở bậc THPT. Trong khi hầu hết các trường THCS đang đau đầu không biết tìm đâu ra những người làm công tác giám thị. Theo hướng dẫn từ sở, cứ sáu lớp phải có một giám thị, tìm cho đủ giám thị đã khó, tìm người có chuyên môn sư phạm lại càng khó hơn.

Giáo viên thất nghiệp: Trách nhiệm của ai? - 1

Giáo viên trúng tuyển nhận giấy giới thiệu phân công nhận nhiệm sở sáng 28/8 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức - Ảnh: NHƯ HÙNG

Càng xót xa khi có ứng viên tha thiết xin được làm giám thị, nhân viên ở trường công nếu không được tuyển dụng làm GV. Có một việc làm trong nhà trường, đó là nguyện vọng chính đáng của những ai đã theo học sư phạm. Các trường sư phạm không có ngành nào đào tạo giám thị trường học.

Nay yêu cầu trường tuyển giám thị có sư phạm, thử hỏi trường biết tuyển từ đâu? Trong khi hàng ngàn con người bị gạt ra sau một mùa tuyển dụng. Vì sao không có sự linh động, chẳng hạn như sở và các phòng GD-ĐT có thể họp những ứng viên chưa trúng tuyển để tuyển họ làm giám thị (nếu họ có nguyện vọng)?

Đây là một minh chứng cho sự chệch choạc giữa đào tạo và tuyển dụng ngành sư phạm. Trong khi hàng nghìn người được đào tạo CĐ, ĐH sư phạm ra trường thất nghiệp, ngành giáo dục khắp nơi phải đi “vét” những người chỉ có bằng trung cấp cho bậc tiểu học và mầm non. Tình trạng này diễn ra ở nhiều tỉnh thành, trong nhiều năm qua. Các tỉnh ĐBSCL còn thiếu hơn 2.200 giáo viên mầm non.

Mỗi tỉnh thiếu hàng trăm trong khi người tốt nghiệp sư phạm hằng năm ra trường chỉ ở con số hàng chục. Những số liệu thiếu GV bậc mầm non cũng chỉ mới thống kê ở trường công lập, các nhóm trẻ, trường tư còn phải “xếp hàng” chờ GV. Ngành giáo dục đã có kế hoạch mầm non đối với trẻ 5 tuổi nhưng chưa có kế hoạch cụ thể đào tạo GV cho việc này.

Sự “lệch pha” giữa đào tạo và tuyển dụng GV còn thể hiện ở sự thiếu kết nối giữa trường sư phạm ngành giáo dục địa phương. Ngành giáo dục TP.HCM mỗi năm thiếu hàng nghìn GV mầm non, tiểu học, phải chật vật tìm GV từ nhiều năm qua, tuyển đối tượng tạm trú nhưng vẫn thiếu. Trong khi tại Trường ĐH Sài Gòn, vốn là “lò” đào tạo GV cho TP, chỉ tiêu đào tạo GV mầm non và tiểu học chỉ khiêm tốn ở mức khoảng 1/5 so với nhu cầu số GV thiếu hụt hằng năm.

Chưa có giải pháp hiệu quả

Sư phạm là một nghề đặc biệt. Xã hội cần những con người ưu tú nhất, yêu nghề nhất, có phẩm chất phù hợp nhất với nghề dạy học. Chính vì vậy mới có chính sách miễn học phí khuyến khích người học sư phạm. Những cử nhân sư phạm không được tuyển dụng hôm nay, họ đã từng ký cam kết ở lại với nghề, từng ấp ủ hoài bão đứng trên bục giảng. Phía sau nỗi thất vọng vì thất nghiệp của họ là con số lãng phí khổng lồ từ việc đầu tư đào tạo GV nhưng không tuyển dụng được. Và bậc CĐ, ĐH thời gian đào tạo dài hơn, tốn kém hẳn nhiên sẽ nhân lên gấp bội. Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự lãng phí này?

Cứ mỗi đầu năm học lại rộ lên câu chuyện tuyển dụng GV, luẩn quẩn nơi thừa nơi thiếu. Nơi thiếu phải hạ chuẩn đến thấp nhất. Có nơi râm ran chuyện giáo sinh phải tìm cách “chung chi” với hi vọng được đứng trên bục giảng. Sư phạm là nghề trồng người. Không thể để xã hội tự điều tiết chuyện khủng hoảng thiếu và thừa này. Không ai thống kê, công bố thông tin nhu cầu mỗi tỉnh thành thiếu bao nhiêu GV, thiếu ở bậc học nào. Người đi học sẽ mù thông tin, không có cơ sở chọn nghề đúng nhu cầu xã hội.

Chuyện thừa và thiếu GV đã được bàn thảo rất nhiều trong các cuộc họp cấp bộ, thứ trưởng, bộ trưởng và cả phó thủ tướng cũng đã nhiều lần có ý kiến. Có quá thừa thông tin nguyên nhân, thực trạng này nhưng chưa có giải pháp hiệu quả. Cũng như chưa có ai xắn tay giải quyết sự bất nhất trong đào tạo và tuyển dụng GV. Cả nước có 133 cơ sở có đào tạo sư phạm, hầu hết các tỉnh thành đều có trường sư phạm của địa phương mình nhưng vẫn không thể chủ động được đầu vào và đầu ra đào tạo nhân lực sư phạm. Điều này không thể trách người đi học.

Cần giải pháp cơ cấu lại hệ thống cơ sở đào tạo sư phạm theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Có dự báo thông tin đầy đủ về nhu cầu tuyển dụng GV, cũng có giải pháp quản lý tốt hơn từ chương trình và phương pháp đào tạo GV... Nhiều giải pháp về đào tạo sư phạm đã được bàn thảo tại hội thảo

“Các giải pháp cải cách công tác đào tạo và bồi dưỡng GV phổ thông” do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, chủ trì tại ĐH Sư phạm TP.HCM mới đây. Trên tất cả, theo các ý kiến từ hội thảo này, giải quyết khủng hoảng nhân lực ngành sư phạm không phải ở chỗ chúng ta sẽ làm gì, không phải chúng ta bó tay không làm được mà điều quan trọng là có ai muốn làm, muốn giải quyết rốt ráo vấn đề này không?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hà (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN