Giáo viên nhận xét: ‘Đề Văn thi vào lớp 10 luôn gây bất ngờ’
Đề Văn thi vào lớp 10 hay, vừa sức học sinh, đáp ứng được yêu cầu đổi mới việc dạy học.
Sáng nay, hơn 98.000 thí sinh đã hoàn thành bài thi môn Văn trong kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM. Chiều nay, các em tiếp tục thi môn Ngoại ngữ.
Đề Văn thi vào lớp 10 được nhiều giáo viên khen ngợi.
Đề Văn thi vào lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Thầy Nguyễn Đăng Sang, Tổ trưởng tổ ngữ Văn, Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp nhận xét đề gồm ba phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Phần đọc hiểu, ngữ liệu được sử dụng là văn bản ngoài chương trình sách giáo khoa được in trên báo với chủ đề “Tôi yêu Tổ quốc tôi”.
Học sinh trao đổi bài sau giờ thi. Ảnh: HOÀNG GIANG
Phần này gồm bốn yêu cầu từ thấp đến cao có thể được xem là giải pháp tốt giúp học sinh phát huy tốt các năng lực tự học, tự vận dụng tri thức ngữ văn vào đời sống thực tế, bỏ dần thói quen học vẹt, học tủ, ghi nhớ máy móc và cả lối dạy khuôn mẫu của giáo viên trong nhà trường.
Phần nghị luận xã hội với yêu cầu chủ yếu là thực hành vận dụng để giải quyết tình huống cụ thể từ đời sống theo hai khía cạnh khác nhau: "Nghĩ bằng khối óc hay con tim?".
Đề môn Văn năm nay hay ở chỗ đưa ra vấn đề rất mới vừa có tính thời sự, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc để gắn việc học của học sinh vào đời sống, để học sinh thể hiện tư tưởng tình cảm của mình một cách trung thực, phù hợp và rõ nét nhất.
Ở câu 3 có hai đề chọn một. Cả hai đề hay ở chỗ kiến thức các tác phẩm văn học tuy quen thuộc từ sách giáo khoa hiện hành nhưng cách đặt vấn đề và yêu cầu dưới một hình thức mới mẻ và độc đáo đáp ứng yêu cầu đặc trưng bộ môn: “Ngữ văn là môn học nghệ thuật, mà nghệ thuật thì cần sự sáng tạo, độc đáo."
"Đề Văn năm nay khá hay, vừa sức học sinh, đáp ứng được yêu cầu đổi mới việc dạy học và thi cử theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học" - thầy Sang nói.
Học sinh khá hào hứng với đề Văn thi vào lớp 10. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Đề Văn thi vào lớp 10 tại TP.HCM luôn gây bất ngờ và không làm mọi người thất vọng” - một giáo viên dạy Văn tại quận Gò Vấp chia sẻ.
Cụ thể, theo giáo viên trên, phần đọc hiểu rõ ràng, tương đối dễ để học sinh dễ dàng lấy được điểm.
Cũng như nhiều năm trước, phần nghị luận xã hội luôn khiến nhiều người bất ngờ. Vì phần này luôn đề cập đến những vấn đề thiết thực. Tuy nhiên, phần nghị luận xã hội năm nay sẽ hơi khó đối với học sinh trung bình.
Trong khi đó, phần nghị luận văn học, cách hỏi gần gũi dễ hiểu. Đề ra tác phẩm Chiếc lược ngà sẽ khiến nhiều thí sinh bất ngờ. Bởi vì trong đề thi vào lớp 10 năm ngoái, tác phẩm Chiếc lược ngà đã từng xuất hiện trong đề thi số 2 phần nghị luận văn học dù cách hỏi khác, liên quan đến niềm yêu thích đọc sách. Vì thế, nhiều học sinh sẽ chủ quan không ôn kỹ tác phẩm này.
Còn đề 2, cách hỏi rất sáng tạo tuy nhiên nếu thí sinh không đọc kỹ đề, các em sẽ không nghĩ rằng đây là dạng đề lựa chọn một đoạn thơ bất kỳ. Nhiều em đọc đề lướt qua, các sẽ chủ yếu phân tích bài thơ Đồng Chí trong khi đây là dạng đề mở, học sinh được quyền lựa chọn các tác phẩm thơ quen thuộc.
“Với đề thi này, phổ điểm ở mức điểm 5, 6. Muốn điểm 7, điểm 8 đòi hỏi thí sinh phải ở mức độ khá giỏi. So với năm ngoái, phần đọc hiểu dễ hơn nhưng phần nghị luận xã hội lại khó và đòi hỏi chiều sâu” - giáo viên này nhận xét.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hoà, giáo viên Trường THCS Minh Đức, quận 1 cho biết phần nghị luận xã hội không dễ với học sinh trung bình. Nếu các em không giải thích được vấn đề thì sẽ không biết cách lập luận và sẽ không làm rõ được yêu cầu đề.
Còn phần nghị luận văn học, cả 2 đề đều là trọng tâm kiến thức học kì 1. Ở đề 1, học sinh có thể lựa chọn một trong hai dạng là liên hệ thực tế hoặc liên hệ tác phẩm cùng chủ đề. Còn ở đề 2, liên hệ là dạng những tác động đến bản thân, những tình cảm mà bài thơ hoặc đoạn thơ gợi lên trong em.
Sau 120 phút làm bài, hơn 98.000 học sinh TP.HCM đã hoàn thành bài thi Ngữ văn, môn thi đầu tiên trong kỳ thi vào lớp 10.
Nguồn: [Link nguồn]