Giáo viên mất việc: ĐBQH yêu cầu xử lý nghiêm hội đồng tuyển chọn

Tin tức 214 giáo viên mất việc ở Kỳ Anh, 184 giáo viên mất việc ở Sóc Sơn khiến dư luận xã hội chưa hết nóng. ĐBQH đã lên tiếng về sự việc này.

Thời gian qua, sự việc 214 giáo viên ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bỗng dưng mất việc cũng như 184 giáo viên ở Sóc Sơn (Hà Nội) lâm cảnh thất nghiệp đau xót khiến xã hội đặt nhiều câu hỏi quanh việc tuyển dụng hiện nay, nhất là tuyển dụng giáo viên.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội với các phóng viên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), Ủy viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đưa quan điểm với góc nhìn từ hai phía, người được tuyển dụng và cơ quan tuyển dụng.

Giáo viên mất việc: ĐBQH yêu cầu xử lý nghiêm hội đồng tuyển chọn - 1

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn ĐBQH Ninh Thuận). Ảnh Dương Thu

Về phía người được tuyển dụng, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: “Họ là nạn nhân của sự việc làm sai thì đương nhiên phải chấp nhận, còn thực ra kêu ca trong trường hợp này cũng rất khó. Bởi vì, khi họ đã chấp nhận tuyển dụng cũng như chấp nhận một cuộc chơi, thậm chí, bản thân những giáo viên này cũng đã thừa biết rằng việc tuyển dụng đó không chính thống và họ có thể bị sa thải bất cứ khi nào”.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh: “Về cơ bản, cái sai là thuộc về cơ quan tuyển dụng. Thật ra, quy định về tuyển dụng bây giờ cũng dễ dàng chứ không quá phức tạp như ngày xưa, đặc biệt là với việc tuyển dụng giáo viên, họ phân cấp cho cả những cấp rất thấp. Ở nhiều tỉnh, tôi thấy họ còn cho phép cả các trường cũng được thực hiện việc tuyển dụng chứ không nhất thiết huyện hay thành phố, tỉnh phải đứng ra tổ chức.

Khi thực hiện tuyển dụng, có nhiều hình thức như thi tuyển, xét tuyển. Mà việc xét tuyển trên cơ sở hồ sơ là thiếu cán bộ công chức, thiếu giáo viên, thiếu viên chức để thực hiện tuyển dụng là quá dễ dàng. Lâu nay, rất nhiều cơ quan cứ lợi dụng việc thiếu xong rồi tổ chức ký hợp đồng, nhận người nọ người kia vào mà không loại trừ tình trạng tiêu cực. Đến khi tổ chức thi công khai - là cuộc chơi sòng phẳng thì rất có thể trượt, mà trượt là bình thường. Nếu đòi hỏi sự ưu tiên với những người trong diện ký hợp đồng thì còn gì là công bằng trong thi cử nữa”.

Trước câu hỏi có cần xem xét lại quy trình tuyển dụng hay không khi mà nhiều tiêu cực được phơi bày trước dư luận thời gian gần đây, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói: “Thực ra, quy trình tuyển dụng tương đối cụ thể, chúng ta đã dành cho nhà tuyển dụng quyền chủ động trong việc tuyển dụng. Cái chính là người ta có bị ảnh hưởng bởi những tiêu cực để làm việc sai lệch đi hay không. Chứ còn nếu muốn tuyển dụng công khai minh bạch thì không khó chút nào, mà cũng không nhất thiết phải dựa vào những quy định”.

Giáo viên mất việc: ĐBQH yêu cầu xử lý nghiêm hội đồng tuyển chọn - 2

ĐBQH Lê Như Tiến (Đoàn ĐBQH Quảng Trị). Ảnh Dương Thu

Cũng quan điểm về vấn đề tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức, ĐB Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đưa quan điểm: “Công tác tuyển dụng lâu nay chúng ta đã có những quy trình chặt chẽ, nhưng không phải chỉ có một số địa phương như báo chí thời gian qua phản ánh mà còn rất nhiều địa phương khác, thậm chí kể cả thành phố lớn cũng rộ lên những tiêu cực như phải mất bao nhiêu tiền mới được một “suất”, đặc biệt là đối với công chức Nhà nước hoặc giáo viên.

Tuy nhiên, không thể vì quy trình tuyển chọn không đúng và có những tham nhũng tiêu cực mà loại bỏ hàng trăm giáo viên như thế ra khỏi ngành. Việc làm không đúng ở đây là ở bộ máy vận hành chứ không phải lỗi của hàng trăm giáo viên. Khi đã tuyển dụng rồi thì cần khắc phục bằng những biện pháp khác. Còn nếu đưa ra khỏi bộ máy hàng loạt giáo viên mà mình đã tuyển dụng và thừa nhận đạt yêu cầu tuyển dụng trước đó thì tôi cho rằng, nó gây ra hệ lụy rất lớn. Một là không có giáo viên để giảng dạy các trường đó. Thứ hai là, tại sao lại đổi lỗi cho giáo viên trong khi cần xử lý thật nghiêm hội đồng tuyển chọn. Còn quyền lợi của giáo viên đã tuyển qua hợp đồng thì vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho họ”.

Giải pháp cho vấn đề này, ĐB Lê Như Tiến nói: “Xử lý việc này cần sự khéo léo vì nó liên quan đến quyền lợi của con người, quyền lợi của nhà giáo, nhất là các cô giáo ở ngành học mầm non hay mẫu giáo, là các đối tượng đang rất thiếu ở nhiều địa phương”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thu (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN