Giáo viên “lương khủng” - giấc mơ sắp thành hiện thực?

Sự kiện: Giáo dục

Đề xuất trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục của Bộ GD&ĐT “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” là tin vui đối với nhiều nhà giáo. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một chính sách hết sức nhân văn, cần được ủng hộ và sớm áp dụng để góp phần thu hút tài năng, nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.

Giáo viên “lương khủng” - giấc mơ sắp thành hiện thực? - 1

Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, lương của giáo viên có thể cao ngang ngành công an, quân đội. Ảnh: Q.Anh

Giáo viên sẽ có hệ số lương cao nhất?

Câu chuyện “Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?” không chỉ là trăn trở của đội ngũ giáo viên, mà còn là vấn đề lớn để thu hút học sinh giỏi “đầu quân” vào ngành Sư phạm. Vấn đề này cũng đã trở thành chủ đề “nóng” trong các phiên thảo luận của Quốc hội trong các kỳ họp gần gây.

Thậm chí, điểm đầu vào sư phạm “rớt giá”, nhiều giáo viên biên chế bỏ ngành vì lương thấp, hay những cô giáo mầm non cả đời cống hiến lúc về hưu chỉ nhận được mức lương bằng một tháng lương cơ sở… Những hiện tượng này đã trở thành niềm trăn trở của rất nhiều chuyên gia giáo dục.

Mới đây, Bộ GD&ĐT gửi Bộ Nội vụ và Bộ LĐ,TB&XH về tổng hợp quỹ tiền lương của ngành tính đến ngày 31/12/2016, mức lương của giáo viên từ 3 triệu đến 10 triệu đồng tùy thuộc vào thâm niên công tác.

Theo Bộ GD&ĐT, việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo mức độ phức tạp của công việc, trong khi mức lương cơ sở còn thấp so với lương tối thiểu. Do đó, bộ phận giáo viên trẻ có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng. Khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp nên việc tăng lương chưa cải thiện nhiều thu nhập của giáo viên.

Để góp phần nâng cao thu nhập, “đột phá” về tiền lương, Bộ GD&ĐT đã vừa trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Điểm nổi bật trong Dự thảo đó là vấn đề tăng lương đối với các nhà giáo.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề xuất cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề lương giáo viên và thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật Giáo dục.

Theo Bộ GD&ĐT, việc sửa đổi, bổ sung Điều 81 về tiền lương của nhà giáo nhằm thể chế hóa khoản 6, mục 3, phần B, Nghị quyết 29 trong việc xác định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Một điểm nữa liên quan tới tăng thu nhập cho giáo viên đó là trong thời gian này, Bộ GD&ĐT cũng đang soạn thảo các văn bản điều chỉnh chế độ thâm niên, phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo.

Cụ thể, theo dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, mức phụ cấp này sẽ từ 25% đến 50% tùy từng đối tượng. Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa được hưởng phụ cấp ưu đãi 50%.

Tăng lương để nâng cao chất lượng giáo dục

Trong mấy ngày qua, thông tin Bộ GD&ĐT trình Dự thảo điều chỉnh, bổ sung Luật Giáo dục trong đó có đề xuất “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, đồng nghĩa với mức lương có thể được xếp ngang với một số ngành, nghề “hot” hiện nay.

Nếu lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, tức là có thể hưởng lương tương đương với nhóm các bác sĩ, dược sĩ cao cấp, ngoài ra còn có thêm các phụ cấp thâm niên, ưu đãi khác. Đây là tin vui, được nhiều giáo viên theo dõi, chờ đợi điều này thành hiện thực để yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Bày tỏ sự háo hức của mình, cô Nguyễn Thị Loan (giáo viên THCS ở Thái Bình) cho biết: “Tôi không dám mơ lương của mình sẽ tăng cao như bên công an, quân đội, nhưng thông tin được đề xuất mức lương dự kiến được đánh giá là cao và giáo viên có thể sống bằng lương của mình.

Tôi rất mong Dự thảo được thông qua, cũng như xây dựng những chế độ ưu đãi để các nhà giáo yên tâm với nghề, không còn băn khoăn nỗi niềm cơm áo sau mỗi giờ lên lớp để rồi phải dạy thêm, làm thêm. Nhất là các giáo viên trẻ, có thêm khả năng giúp đỡ gia đình. Chứ nhiều giáo viên lương vài triệu đồng mỗi tháng, cũng chỉ vừa đủ nuôi bản thân”.

Đồng tình với phương án tăng lương cho nhà giáo, PGS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ: “Ngành sư phạm ngày càng “thất thế”, mất dần sức hút so với các ngành khác cũng bởi lương thấp, chế độ đãi ngộ thấp. Lương thấp, giáo viên vì muốn có thêm thu nhập mà phải dạy thêm, làm thêm ảnh hưởng đến dạy và học.

Theo tôi, muốn đưa giáo dục bật lên, ngoài nâng cao chất lượng giáo viên, cần có chế độ tiền lương, phụ cấp tương xứng với các nhà giáo. Nếu công tác ở các địa bàn khó khăn phải có mức lương cao hơn và được bố trí nơi ở. Tuy nhiên, để làm được điều này, tôi nghĩ một mình Bộ GD&ĐT khó có thể làm nổi, cần sự vào cuộc của các Bộ, Ban, ngành khác, đặc biệt là Quốc hội, Chính phủ”.

Chia sẻ về đề xuất tăng lương giáo viên của Bộ GD&ĐT, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho biết, đây là một chính sách hết sức nhân văn và cần được ủng hộ, thực hiện. Hiện nay, đa phần giáo viên ở nông thôn, miền núi có đời sống khó khăn.

Trong khi lương tăng theo bậc không cải thiện được thu nhập vì giá cả mỗi ngày một tăng, nhiều giáo viên phải làm thêm, thậm chí bỏ nghề để tìm kiếm công việc khác có thu nhập tốt hơn. Nếu việc tăng lương được thông qua sẽ tạo phấn khởi lớn trong toàn ngành giáo dục, giáo viên yên tâm công tác sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dụng, nhất là trong thời gian tới áp dục chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành với một số thay đổi đáng chú ý đối với hệ thống giáo dục công lập như: Miễn học phí tới cấp THCS; lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương; Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

Lương giáo viên cao nhất trong bảng lương sự nghiệp

Đây là nội dung đáng quan tâm trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành mà Bộ GD- ĐT...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN