Giáo viên hợp đồng lương không đủ sống, thấp thỏm nỗi lo mất việc
Cứ mỗi năm học mới, bên cạnh những thông tin về tuyển dụng giáo viên thì thông tin một số giáo viên bị mất việc do không được kí hợp đồng lại được báo chí đưa tin làm người ta liên tưởng tới việc "rớt giá" trong tuyển sinh ngành sư phạm năm nay.
Đặc biệt, trong những ngày vừa qua, dư luận lại bàng hoàng, “dậy sóng” về việc cô giáo tiểu học tại Đắk Lắk đã chấp nhận quan hệ tình cảm với thầy hiệu phó của trường này để được vào biên chế.
Trước sự việc của cô giáo trên, có người thì trách móc vì cho rằng lỗi từ hai phía: Cả cô giáo và thầy hiệu phó; có dư luận thì cho rằng “không dạy được trường này thì đi trường khác, cần gì phải đổi tình lấy biên chế”… Biên chế là gì mà có những giáo viên chấp nhận mất cả danh dự, cả gia đình để có được? Giáo viên hợp đồng có những nối khổ thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – Giáo viên tại trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP. HCM).
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – Giáo viên tại trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP. HCM)
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn cho hay: “Đối với giáo viên thì nguyện vọng “sống được bằng lương” là nguyện vọng chính đáng. Thế nhưng, cùng là nghề giáo, cùng đứng trên bục giảng, cùng đảm nhận những công việc như nhau nhưng giữa giáo viên biên chế và hợp đồng luôn có sự khác biệt rất lớn.
Giáo viên hợp đồng cũng đảm trách công việc như giáo viên đã biên chế nhưng mức lương hiện nay cũng chỉ hơn hai triệu đồng, không được hưởng phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên.
Để gắn bó, cống hiến và sống được bằng nghề đang thực sự là cuộc vật lộn quyết liệt đối với họ. Hầu hết giáo viên hợp đồng chỉ được ký hợp đồng theo năm học, chưa biết sau kỳ nghỉ hè, họ có còn may mắn được ký tiếp hợp đồng cho năm học mới hay không.
Khổ nhất là giáo viên nữ, họ lập gia đình, mơ ước có một đứa con “để vui cửa vui nhà” cũng không dám vì nếu đang trong thời gian công tác phải nghỉ hộ sản là họ phải giao lớp lại cho giáo viên khác thay thế, đồng nghĩa với việc giáo viên bị thất nghiệp”.
Được biết, thu nhập và đời sống bấp bênh cộng với thời gian giảng dạy có thâm niên hay không có thâm niên cũng như nhau. Bởi thế, hầu hết giáo viên hợp đồng phải tìm việc làm theo mùa vụ để chủ động nguồn thu nhập không chỉ trong năm học mà còn suốt 3 tháng hè.
Họ luôn nỗ lực cố gắng để hy vọng một ngày nào đó sẽ được đứng trong hàng ngũ giáo viên một cách chính thức. Thế nhưng, ngược lại với những cống hiến, những gì họ được hưởng lại quá thiệt thòi bởi hiện tại, khả năng vào biên chế của các giáo viên hợp đồng này còn quá mờ mịt nếu gia đình họ “không có điều kiện”.
Khi được giao quyền tuyển dụng và sử dụng giáo viên
Được biết, theo chỉ thị thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2017-2018 của TPHCM, UBND thành phố nhấn mạnh đến nhiệm vụ ngành giáo dục thành phố thực hiện có hiệu quả, tiên phong về công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả giáo dục trên địa bàn. Trong đó, Sở GD-ĐT giao quyền tự chủ cho các trường về công tác tuyển dụng và sử dụng giáo viên.
Không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực trong việc giao quyền tuyển dụng và sử dụng giáo viên cho các trường trong như : Các trường chủ động hơn trong sử dụng kinh phí ngân sách một cách hiệu quả, cũng như sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tăng thêm nguồn thu cho đơn vị…
Khi giao quyền tuyển dụng giáo viên về cho các trường, thì vai trò của người hiệu trưởng lại càng quan trọng. Đòi hỏi người hiệu trưởng phải có tâm và có tầm thực thụ. Tài năng và đức độ của hiệu trưởng càng phải được thể hiện một cách công bằng trong khâu tuyển dụng và sử dụng giáo viên.
“Lúc đó, “số phận” của giáo viên phụ thuộc nhiều vào sự định đoạt của những người có quyền ký tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng, trong khi cơ chế xin - cho vẫn còn tồn tại, không ai dám chắc sẽ không có tiêu cực xảy ra, đó chính là lí do tại sao có những giáo viên chấp nhận quan hệ tình cảm với hiệu trưởng, hiệu phó để được tạo điều kiện”, thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn cho biết.
Như vậy, câu chuyện “đổi tình lấy biên chế”; giáo viên với nguy cơ “mất việc”,…có lẽ là một “hồi chuông” báo động được gióng lên về một nỗi lo và ám ảnh đối với giáo viên hợp đồng.
Mất việc là nối ám ảnh của giáo viên hợp đồng
“Tôi nghĩ đã đến lúc cần tạo sự công bằng, cần có chế độ đãi ngộ cho giáo viên hợp đồng. Cùng trình độ như nhau, cùng giảng dạy như nhau, cùng thực hiện một khối lượng công việc như nhau,…họ phải có quyền được đối xử công bằng về mức lương, các chế độ khác như giáo viên thuộc biên chế để họ có được một chỗ đứng để cống hiến.
Trước mắt, nên có chính sách để thu hẹp khoảng cách giữa giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng. Cụ thể, ngoài tiền lương thỏa thuận, giáo viên hợp đồng cũng cần được hưởng mọi chế độ phụ cấp khác như giáo viên biên chế.
Những sự quan tâm thiết thực ấy sẽ là nguồn động lực quý báu giúp giáo viên hợp đồng nuôi dưỡng niềm đam mê nghề nghiệp. Có thể nói đây cũng là một đòi hỏi cấp thiết đối với ngành giáo dục hiện nay.
Chế độ thi tuyển công chức, tuyển viên chức ngành giáo dục cũng phải được xử lý một cách mềm dẻo, linh hoạt hơn để thu hút được giáo viên giỏi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Cần ưu tiên đến thời gian công tác, kinh nghiệm giảng dạy và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên đang dạy hợp đồng khi tổ chức thi tuyển.
Và quan trọng là phải tạo sự công bằng trong tuyển dụng, không để tình trạng “người nhà”; “con ông cháu cha” chen chân trong ngành giáo dục. Có như vậy mới chọn được những giáo viên thực sự có tài, có tâm huyết với nghề và tránh để chảy máu chất xám như hiện nay”, thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn chia sẻ.
“Ở địa phương “chạy việc” rất khó, nhiều giáo viên “mai phục” dạy hợp đồng mãi không được vào biên chế là...