Giáo viên chia sẻ bí quyết giúp thí sinh ôn thi THPT Quốc gia 2017
Nhiều giáo viên khuyên thí sinh, nếu không chọn được nơi luyện thi “chuẩn” rất có thể học sinh sẽ bị ảnh hưởng đến kiến thức và cả tâm lí và không đạt kết quả như ý muốn.
Học sinh nộp hồ sơ khi trúng tuyển đại học năm 2016
Bám sát chương trình sách giáo khoa
Theo thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy môn Toán trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cả trường đã họp thống nhất về cách dạy và cách học cho kì thi THPT Quốc gia năm 2017. Theo đó, thầy và trò học đầy đủ kiến thức trong sách giáo khoa. Bởi đề thi bao quát cả kiến thức sách giáo khoa, nhà trường sẽ chú trọng kiến thức sách giáo khoa hơn cả sau đó mới mở rộng.
“Quan điểm của nhà trường là phải dạy học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, coi kiến thức trong sách giáo khoa là nền tảng để khi có thay đổi câu hỏi, dạng bài thì học sinh đã có kiến thức cơ bản để làm được”, thầy Tùng cho hay.
Theo lời khuyên của thầy Trần Mạnh Tùng, học sinh nên học và ôn thi theo nhà trường và giáo viên hướng dẫn. Nếu học sinh muốn tiếp cận với kênh ôn thi trên Internet thì phải rất cân nhắc. Vì nếu sử dụng nguồn bài tập sai, không những ảnh hưởng đến kiến thức của các em mà ảnh hưởng đến tâm lí.
Cũng theo thầy Tùng, nếu học sinh có ý định tham khảo một trang nào đó thì trước hết nên đọc, tham khảo ý kiến nhận xét trên mạng sau đó đối chiếu bài tập đó so với đề bài minh họa xem có gì tương đồng hay không và tham khảo thêm ý kiến của bạn bè, thầy cô.
“Nếu làm như vậy tôi nghĩ hiệu quả hơn là luyện thi trên mạng”, thầy Tùng chia sẻ.
Một giáo viên trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, trường ngoài việc luyện thi trắc nghiệm cho học sinh, trường này còn tăng cường tính thực tế cho học sinh, điều mà giáo viên trước đây thường coi nhẹ trong việc thi tự luận, hiện nay cách thi mới đòi hỏi tính ứng dụng thực tế cao, khi học, học sinh cũng phải ứng dụng theo.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đề xuất Bộ GD-ĐT trang bị cho giáo viên những kĩ năng trắc nghiệm để họ có thể tự luyện cho học sinh.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, Bộ đã có hướng dẫn khá đầy đủ, chi tiết về thực hiện nhiệm vụ đối với giáo dục trung học năm học 2016 - 2017. Các trường chỉ cần thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ thì việc thi THPT quốc gia năm 2017 không quá lo lắng. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các trường vừa dạy tốt về kiến thức, kỹ năng vừa phải trang bị cho học sinh làm quen, thuần thục với phương thức thi trắc nghiệm.
Trên mạng chưa đáp ứng yêu cầu luyện thi trắc nghiệm
Theo một số thầy cô giáo, hình thức luyện thi trắc nghiệm trên mạng hiện nay đang nở rộ “như nấm sau mưa” nhưng để tìm được một nơi luyện thi có chất lượng, học sinh phải tìm hiểu rất kỹ.
Theo thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy môn Toán trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, bài giảng về mặt lí thuyết và phương pháp trên internet còn có phần chưa chính xác. Đại đa số bài tập chưa đáp ứng được yêu cầu bài tập luyện trắc nghiệm. Vì trắc nghiệm phải bám sát vào chuẩn kĩ năng, mức độ phân hóa theo bốn nấc: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng cho biết, luyện thi phải theo ma trận đề. Bên cạnh đó các phương án a,b,c,d phải có quy tắc. Chẳng hạn: Một phương án đúng và 3 quy tắc gây nhiễu thì phải xuất phát từ những sai sót mà học sinh thường mắc phải để ra những phương pháp ấy. Tuy nhiên hiện nay, luyện thi ở trên mạng, lỗi chủ yếu là phương pháp gây nhiễu không có, người ta thường sử dụng bài tập dựa trên một bài tự luận từ trước, đề bài có sẵn, đáp số có sẵn, lấy ra một phương án.
Thầy Tùng dẫn chứng: Có thể đáp án đúng là a, còn phương án b, c, d là người ta tự bịa ra để có đáp số sai, thậm chí không liên quan đến đề bài. Như vậy, không đáp ứng được yêu cầu luyện, rèn và giúp việc ôn thi cho học sinh có hiệu quả.
Theo thầy Tùng, những lò luyện thi này về phía học sinh rất khó để nhận ra được trung tâm nào, trang web nào luyện tập có trách nhiệm hay không.
Vì thế, theo một số giáo viên hiện đang dạy lớp 12, để định hướng được cho học sinh ôn luyện thêm, nhà trường và giáo viên phải vào cuộc. Các giáo viên bộ môn cũng phải có cái tham khảo, thẩm định sơ bộ và giới thiệu đến học sinh những nguồn bài tập có thể tham khảo được hay là những trang luyện thi mà học sinh có thể tham khảo được.
“Việc trao đổi thường xuyên qua lại giữa giáo viên và học sinh giúp cho học sinh những nguồn tin có ích và chính xác luyện thi tốt”, thầy giáo Trần Mạnh Tùng nhấn mạnh.