Giáo viên bị cắt hợp đồng: Không còn là chuyện lạ

Sự kiện: Giáo dục

Hàng trăm giáo viên tại Đắk Lắk có nguy cơ bị cắt hợp đồng đang xôn xao dư luận những ngày vừa qua. Thực tế, việc giáo viên bị cắt hợp đồng không còn là chuyện lạ.

Từ Yên Bình, Yên Bái

Năm 2012, vào đúng tháng 11, hàng trăm giáo viên ngành học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở huyện Yên Bình (Yên Bái nhận được thông báo: chấm dứt hợp đồng, chuyển sang hợp đồng lao động, điều chuyển sang làm nhân viên dinh dưỡng. Nguyên nhân là những sai phạm trong tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) tại huyện Yên Bình.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Yên Bái, đã xử lý kỷ luật đối với 16 cán bộ, đảng viên giữ những cương vị chủ chốt của huyện Yên Bình vì có nhiều sai phạm khác nhau, trong đó có việc tuyển dụng công chức sai quy định của Nhà nước. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp đánh giá, phân tích, làm rõ các phương án giải quyết đối với số giáo viên dôi dư.

UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều cuộc họp với các ngành liên quan, giải quyết dứt điểm các trường hợp tiếp nhận, tuyển dụng vượt biên chế được giao, thừa cơ cấu ban môn; hợp đồng vượt quy mô thuộc ngành GD và ĐT huyện Yên Bình.

Đến 376 giáo viên bị cắt hợp đồng ở Thanh Hóa

Tháng 7/2016, 376 giáo viên ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) bất ngờ nhận được thông báo của UBND huyện rằng sẽ không ký lại hợp đồng lao động. 376 trường hợp giáo viên, nhân viên hợp đồng bị chấm dứt hợp đồng đang dạy trong các trường học khối mầm non: 153 người; khối Tiểu học: 92 người; khối THCS: 128 người và Trung tâm GDTX: 3 người. Mức lương chi trả cho giáo viên với trình độ ĐH là 1,7 triệu đồng/tháng, CĐ là 1,6 triệu đồng/tháng, Trung cấp 1,5 triệu đồng/tháng, được đóng BHYT, BHXH theo mức lương tối thiểu.

Giáo viên bị cắt hợp đồng: Không còn là chuyện lạ - 1

Hàng trăm giáo viên tại Đắc Lắc có nguy cơ bị cắt hợp đồng.

Được biết, những giáo viên này đều đã có nhiều năm gắn bó, cống hiến cho ngành giáo dục, dù mức lương của họ chỉ 630.000 – 1,7 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, trong số những giáo viên này, rất nhiều người có thành tích dạy giỏi cấp huyện, tỉnh Thanh Hóa.

Cũng trong năm 2016, vào tháng 9, 647 giáo viên đang công tác trên địa bàn huyện Yên Định bị chấm dứt hợp đồng. Trong tổng số 647 GV, có 124 GV HĐ không xác định thời hạn sẽ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ và 523 giáo viên HĐ có thời hạn (1 năm hoặc 6 tháng) sẽ không được tiếp tục ký lại HĐLĐ, lý do UBND huyện không có nhu cầu sử dụng lao động HĐ tại thời điểm hiện tại.

Nguyên nhân của sự việc tai Thanh Hóa cũng là do cấp huyện thả cửa ký hợp đồng với giáo viên mà không căn cứ trên nhu cầu thực tế.

Hải Dương: Hơn nghìn giáo viên không có lương

Cuối năm 2017, 1191 giáo viên của tỉnh Hải Dương suốt nhiều tháng không nhận được lương. Theo lý giải của Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, toàn tỉnh có 4.056 giáo viên hợp đồng ở tất cả các cấp học, trong đó có 1.191 giáo viên hợp đồng đã 3 tháng nay không nhận được lương, có 61 giáo viên xin nghỉ việc. Theo ông Lương, có nhiều nguyên nhân khiến các trường phải ký hợp đồng với giáo viên.

Trong đó, nguyên nhân chính là việc tỉnh giao chỉ tiêu biên chế thấp hơn mức quy định của Bộ GD&ĐT. Chỉ tiêu biên chế giảm mạnh nhưng học sinh lại tăng lên. Riêng trong năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh tăng 10.300 học sinh.

Còn Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương cho biết, quy định hiện nay nêu rõ các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành giáo dục được tăng trường, tăng lớp nhưng phải cân đối quy mô biên chế tỉnh giao. Có nhiều huyện ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế tỉnh giao nhưng có những huyện ký theo định mức của Bộ GD&ĐT, dẫn đến số giáo viên hợp đồng tăng mạnh.

500 giáo viên ở Đăk Lăk có nguy cơ mất việc

UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đăk Lăk (trong cả ba nhiệm kỳ từ 2005 - 2020) đã ồ ạt ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao, dẫn đến dư thừa trầm trọng. Đến nay, toàn huyện có 605 giáo viên và nhân viên hợp đồng, trong khi biên chế chưa sử dụng chỉ còn 84 chỉ tiêu nên sắp tới sau khi thi tuyển biên chế sẽ dư thừa hơn 500 người. Do vậy hàng trăm giáo viên đã bức xúc kéo lên trụ sở UBND huyện phản đối. UBND huyện Krông Pắk cho biết, họ sẽ rà soát, lập phương án xin thêm biên chế đối những giáo viên có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Vụ việc khiến Bộ GD&ĐT buộc phải lên tiếng. Cụ thể, ngày 10/3, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT, LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc theo hướng sắp xếp, bố trí việc làm cho những giáo viên này.

Có thể thấy, các vụ việc liên quan đến giáo viên bị cắt hợp đồng phần lớn đều liên quan đến những sai phạm trong công tác tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì dường như những sai phạm này chưa được xử lý nghiêm và triệt để. 

Đắk Lắk: Lương bèo bọt, giáo viên hợp đồng đi bán cháo nuôi nghề

Trước thông tin huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) sắp chấm dứt hợp đồng, nhiều giáo viên đã có buổi trải lòng với PV Báo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN