Giáo sư mặc quần đùi giảng dạy: Phải dũng cảm vượt qua định kiến!

Sự kiện: Giáo dục

“Thông điệp tôi muốn nhắn gửi đến sinh viên đó là sáng tạo đòi hỏi dũng cảm vì sự khác biệt, đôi khi là "cô độc" đến nghiệt ngã.”, GS Thành nói.

Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng truyền nhau những bức ảnh GS.TS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM mặc quần đùi giảng dạy trước sinh viên.

Những hình ảnh, thông tin này nhanh chóng gây ra luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người ủng hộ cách dạy học sáng tạo, nhiệt huyết của GS Trương Nguyện Thành. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến chưa thật sự đồng tình, cho rằng cách ăn mặc này không phù hợp môi trường giáo dục.

Giáo sư mặc quần đùi giảng dạy:  Phải dũng cảm vượt qua định kiến! - 1

Phải bỏ những rào cản về tư tưởng

 Trao đổi với phóng viên, GS Trương Nguyện Thành bày tỏ: “Văn hóa, nội quy là một phạm trù khác. Còn bộ đồ này đặt trong bối cảnh tiết học tư duy sáng tạo, khởi nghiệp nên không thể đánh đồng được”.

Ông lý giải, hình ảnh ông mặc áo vest, quần sooc và áo thun quần sooc là trong bài giảng Innovation Roadmap (Lộ trình sáng tạo) - Một sân chơi sáng tạo và khởi nghiệp dành cho sinh viên do Đại học Hoa Sen phát động.

Theo GS Thành, thông qua hình ảnh này, ông muốn truyền tải thông điệp đến các bạn sinh viên Đại học Hoa Sen nói riêng và các bạn trẻ nói chung, muốn phát triển tư duy sáng tạo thì cần phải bỏ những rào cản về tư tưởng, không có gì giới hạn suy nghĩ.

“Phải vượt qua tầm giới hạn trong suy nghĩ bản thân cũng như dũng cảm vượt qua các định kiến, gò bó trong ý tưởng và trong những gì chúng ta cho là được và không được thì mới có khả năng sáng tạo”, GS Trương Nguyện Thành cho hay.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, nếu không dũng cảm dấn thân, vượt qua giới hạn của chính mình thì bạn sẽ không bao giờ có ý tưởng đột phá.

GS Thành cho rằng, nền giáo dục của chúng ta mấy chục năm nay phương pháp giảng dạy vẫn một chiều, thầy nói trò phải nghe, khó chấp nhận cách tư duy khác, quan điểm khác.

Theo ông, cái lối “đồng phục” đã tồn tại rất lâu trong nhà trường chúng ta: từ quần áo, cặp sách, giày dép, bao tập, nhãn vở… đến cả khuôn mẫu một bài văn, phải đầy đủ mở bài, thân bài và kết luận, bất chấp câu từ sáo rỗng, vô nghĩa. Học trò không dám suy nghĩ khác, không dám phản bác một luận điểm, không dám trình bày 1 chính kiến đã là một mối nguy, đáng lo hơn nó còn định hình rập khuôn trong cả tư duy và cách nhìn nhận vấn đề.

Hơn nữa, lâu nay thầy giáo chúng ta khi lên lớp vẫn luôn phải trang phục chỉnh tề, quần tây áo vest, cravat ngay ngắn. Do vậy, khi thấy ông giáo sư mặc quần đùi lên lớp, dù là một chuyên đề về lộ trình sáng tạo, nhiều người vẫn tỏ ra bất bình, ngỡ ngàng, thậm chí phản ứng dữ dội cũng là điều dễ hiểu.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen khẳng định, trường Đại học Hoa Sen sẽ là nơi tiên phong khơi nguồn sáng tạo và sẵn sàng chào đón mọi ý tưởng đột phá trong tương lai của giáo viên, nhân viên, sinh viên. Các giảng viên có thể sáng tạo muôn vàn "chiêu thức" để thu hút sự chú ý của sinh viên và truyền tải thông điệp bài học.

“Thông điệp tôi muốn nhắn gửi đến sinh viên đó là sáng tạo đòi hỏi dũng cảm vì sự khác biệt, đôi khi là "cô độc" đến nghiệt ngã. Khởi nghiệp cũng vậy”, GS Thành nói.

Nhiều giáo sư làm những việc tưởng chừng “điên rồ”

GS Trương Nguyện Thành cho biết, thực tế là trên thế giới đã có rất rất nhiều vị GS, GV sẵn sàng làm những điều tưởng chừng là "điên rồ". Tuy vậy, trên tất cả là tấm lòng đối với học sinh, sinh viên, khát vọng khơi nguồn sáng tạo và giúp học trò hiểu được ý nghĩa của bài học.

Chẳng hạn, giáo viên lịch sử Chuck Olynyk của trường Phổ thông Theodore Roosevelt chuyên hóa trang thành các nhân vật lịch sử có trong bài giảng suốt 30 năm đứng lớp.

Hoặc trước tình trạng sinh viên không chịu đọc giáo trình do lười biếng, GS David Lydic của Đại học Cộng đồng Austin đã mặc một chiếc áo thun có đề “Câu trả lời đã có trong giáo trình!” bên trong áo sơ mi và phanh áo ra khi nhận được câu hỏi thừa...

“Qua đó, tôi thấy sáng tạo có rất nhiều cách thức và quan điểm khác nhau, chứ không chỉ có một cách thức duy nhất”, GS Thành nói.

Theo ông Thành, đối với sinh viên Đại học Hoa Sen, sau khi nhìn thấy ông mặc trang phục này là "đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác". Sau tất cả, chính các em sẽ trải nghiệm và lĩnh hội được thông điệp đằng sau bộ trang phục đó là gì. Khi thầy bước vào cả lớp vỡ òa lên, vì họ không nghĩ một vị giáo sư lại dám làm điều "khác thường" như vậy. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN