Giáo sư ĐH Standford chỉ ra yếu điểm của trẻ em ngày nay, bố mẹ cần chú ý
Nếu một đứa trẻ dù vì lý do nào đi chăng nữa mà không có mục đích sống, chúng sẽ chẳng còn niềm tin và hứng thú với mọi thứ xung quanh mình.
William Dimon là giáo sư tại Viện giáo dục tại Đại học Standford, Mỹ. Ông đã có nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về sự phát triển và giáo dục nhân cách của thanh thiếu niên.
Ông nói rằng, trẻ em ngày nay không có mục tiêu sống, thiếu kế hoạch và hoang mang về tương lai. Nhiều thanh thiếu niên đáng lẽ ra phải có hoài bão, chăm chỉ học tập nhưng lại đang mắc kẹt trong trạng thái trống rỗng, lạc lõng với mọi thứ, không biết mình là ai, sẽ làm gì sau này.
Giáo sư William tin rằng, sở dĩ những đứa trẻ này bị như vậy là do chúng không có mục tiêu trong cuộc sống. Ông đã dành 30 năm nghiên cứu và tổng kết trong cuốn sách của mình.
Nhà sử học và triết học người Scotland Thomas Carlisle từng viết: “Người không có mục tiêu giống như con tàu không có bánh lái”.
William Dimon đã chia những người trẻ tuổi thành 4 loại dựa trên những quan sát của mình:
1. Người bất cần đời
Họ là những người sống không có mục tiêu, không thích nỗ lực, thờ ơ, thiếu tập trung và ham mê khoái lạc. Những câu nói phổ biến của họ như “Tôi không biết”, “Tôi chưa nghĩ về điều đó”. Tất cả những gì họ nghĩ là “làm thế nào để ít chịu đựng và tận hưởng nhiều hơn”.
2. Người mơ mộng
Kiểu người mơ mộng tốt hơn một chút so với người bất cần đời, ít ra họ cũng có mục tiêu của mình. Thế nhưng, mục tiêu mà họ hướng tới chỉ là suy nghĩ non nớt và mơ mộng, không có hành động cụ thể để tiến xa hơn. Chẳng hạn như nhiều người thấy ca sĩ, diễn viên, nhà văn… kiếm được nhiều tiền, được nổi tiếng, nhưng họ chẳng bao giờ hiểu được đằng sau đó người ta đã đánh đổi những gì.
3. Người không có mục tiêu rõ ràng
Mặc dù họ có mục tiêu cụ thể nhưng thường chỉ là sở thích nhất thời chứ không phải điều khiến họ thực sự hứng thú.
4. Người có mục tiêu rõ ràng
Những người có mục tiêu rõ ràng tìm thấy điều có ý nghĩa với mình, có mối quan tâm lâu dài với điều đó và biết lên kế hoạch cụ thể để đạt được chúng.
Môi trường tác động như thế nào đến mục tiêu của mỗi người?
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các mục tiêu của trẻ đơn giản như hoàn thành bài tập hay đạt được điểm cao, tầm nhìn rất ngắn hạn và chưa có nhiều đứa trẻ nghĩ về tương lai của mình sẽ như thế nào.
Những mục tiêu ngắn hạn này không thể giúp trẻ suy nghĩ rõ ràng về con người mà chúng muốn trở thành, cũng như không hiểu bản thân cần đạt được những mục tiêu gì trong cuộc sống.
Trên các phương tiện truyền thông, những câu chuyện về sự nổi tiếng và giàu có qua một đêm liên tục được dàn dựng và lan truyền. Những ham muốn vật chất và giá trị bề ngoài khiến trẻ em bỏ qua những tham vọng dài hạn mà theo đuổi thành công ngắn hạn.
1. Môi trường khuôn viên trường
William Dimon cho rằng, điều quan trọng trong việc dạy học là mối quan hệ giữa những gì trẻ học và mục tiêu tham vọng. Điểm này ít khi được giáo viên nhắc đến, cũng như họ ít khi chia sẻ với học sinh của mình về sự hài lòng, thích thú và hạnh phúc mà nhiều người trải qua trong quá trình theo đuổi mục tiêu của mình.
Tại sao các nhà toán học phải vất vả hoàn thành phần lập luận bắt buộc? Tại sao các nhà khoa học tiến hành các thí nghiệm khác nhau? Tại sao phải đọc tác phẩm văn học? Tại sao phải đọc các vở kịch của Shakespeare?
Người lớn có thể có câu trả lời cho những câu hỏi này nhưng trẻ em sẽ không hiểu nếu chúng chưa từng trải qua hoặc chưa từng nghe.
William Dimon trong một lần đến thăm một trường học ở khu ổ chuột, người thầy đã nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm thời trẻ của mình và nói về việc một tác phẩm tuyệt vời đã truyền cảm hứng cho ông như thế nào trong cuộc đời. Khi nghe điều này, sự chú ý của học sinh ngay lập tức bị thu hút, tất cả chăm chú lắng nghe và hiểu được ý nghĩa đằng sau.
Không khó để nhận ra rằng, nhiều trường học đề cao thành tích học tập trong lớp của học sinh thay vì mục tiêu cuộc sống. Ngay cả khi có hướng dẫn hay định hướng nghề nghiệp, nó vẫn chỉ là thiểu số và không tác động được gì nhiều.
2. Môi trường gia đình
William Dimon đã quan sát hiện tượng "người lớn và trẻ em lộn ngược" trong nghiên cứu của mình.
Những đứa trẻ thực sự nhạy bén hơn bố mẹ chúng tưởng. Các em có thể nhìn thấu động cơ của bố mẹ mình. Nhưng ngay cả khi trẻ nhận thức được điều này, chúng vẫn làm theo ý của bố mẹ nhưng không có sự nhiệt tình trong đó.
David xuất thân từ một gia đình giàu có, muốn tham gia một tổ chức từ thiện, nghĩ rằng mình có thể hành nghề quản lý tổ chức và các công việc pháp lý nếu có cơ hội.
Tuy nhiên, người cha kiên quyết phản đối kế hoạch này, cho rằng con trai nên nộp đơn vào trường luật, sau khi có bằng cấp cao hơn, hãy vào một công ty hoặc xí nghiệp để tìm việc thay vì lãng phí thời gian cho các tổ chức từ thiện mà không biết tương lai.
2 cha con đã có một cuộc tranh luận gay gắt về việc này và cuối cùng kết thúc bằng việc cả 2 lùi lại một bước. David đã nghỉ học một năm để trải nghiệm công việc trong một tổ chức từ thiện và cũng nộp đơn vào trường luật nhưng vẫn chưa được chấp thuận.
Cho đến nay, dù có vẻ như 2 cha con đã hòa giải nhưng sự tự tin, tận tụy và đam mê của David đã không còn như trước.
Trên thực tế, con cái không muốn bố mẹ che đậy hiện thực khó khăn, điều chúng muốn là làm sao để hiện thực hóa ước mơ của mình. Hành động tưởng tốt cho con cái của bố mẹ lại vô tình khiến một đứa trẻ không còn mục tiêu sống nữa.
Ý thức về mục đích sống là một khái niệm nghe có vẻ lớn lao, dường như còn xa vời với cuộc sống hằng ngày. Nhưng trên thực tế, nó lại vô tình ảnh hưởng đến cuộc sống của một người trong một thời gian dài dù già hay trẻ.
Nhà tâm lý học Dan McAdams đã nghiên cứu những người có mục đích sống mạnh mẽ và nhận thấy rằng, họ tích cực tham gia vào công việc, tận tâm với việc nuôi dưỡng, dạy dỗ thế hệ tương lai.
Nguồn: [Link nguồn]
10 vấn đề trong cách giáo dục con cái mà bà mẹ này chỉ ra rất phổ biến trong nhiều gia đình hiện nay.