Giáo dục đại học: Một năm nhìn lại

Sự kiện: Giáo dục

Cải cách tuyển sinh ĐH đang đi đúng hướng, tức là đa dạng hóa các hình thức tuyển chọn theo đặc điểm từng trường và quyền chủ động đang tăng thêm về phía các trường

Năm 2014 là năm đầy sự kiện đối với giáo dục ĐH Việt Nam: Cải cách tuyển sinh, ban hành Điều lệ trường ĐH, thành lập Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ Việt Nam, chuẩn bị tái cấu trúc hệ thống giáo dục ĐH thông qua phân tầng, mở rộng quyền tự chủ của các trường công lập, tăng cường cạnh tranh và minh bạch thông qua xếp hạng. Vấn đề của các trường ngoài công lập cũng nổi lên như một điểm nóng cần được giải quyết nhằm tháo gỡ cho sự phát triển của hệ thống.

Tự chủ ĐH được tăng cường

Về tuyển sinh, lần đầu tiên sau nhiều năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận quyền tự chủ trong việc xác định các tiêu chí tuyển sinh của các trường ĐH, dù mới là tự chủ nửa vời: phương án tuyển sinh của các trường vẫn phải được bộ chấp thuận và phê duyệt trên cơ sở các chuẩn mực tối thiểu. Thực ra, có đến 2 tấm rào chắn: kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh và phương án xét tuyển được bộ cho phép.

Giáo dục đại học: Một năm nhìn lại - 1

Tranh chấp tại Trường ĐH Hoa Sen là một trong những điểm nóng của giáo dục ĐH năm 2014. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen trong giờ học. Ảnh: Tấn Thạnh

Nếu tấm rào chắn thứ nhất có hiệu quả, tức là kết quả thi tốt nghiệp THPT bảo đảm những chuẩn mực về kiến thức và kỹ năng tư duy phải đạt được sau 12 năm học thì tấm rào chắn thứ hai là không cần thiết. Tuy nhiên, có lẽ vì căn cứ vào một thực tế là tâm lý thành tích của các địa phương sẽ đẩy tỉ̉ lệ tốt nghiệp THPT lên cao đến mức không phản ánh đúng kết quả học tập thực tế của thí sinh khiến tấm rào chắn này trở thành vô nghĩa. Bộ phải đóng vai trò là tấm rào chắn thứ hai để ngăn tình trạng “vơ bèo vạt tép” của các trường. Dù vậy, về cơ bản, có thể nói cải cách tuyển sinh ĐH đang đi đúng hướng, tức là đa dạng hóa các hình thức tuyển chọn theo đặc điểm từng trường và quyền chủ động đang tăng thêm về phía các trường.

Cũng lần đầu tiên, vấn đề tự chủ ĐH được đặt ra một cách nghiêm túc bằng một văn bản cấp của Chính phủ (NĐ 77/NĐ-CP) và quyết định của Thủ tướng (QĐ 70/QĐ-TTg ban hành Điều lệ trường ĐH). Hai văn bản này đã phản ánh sự đáp ứng của giới làm chính sách trước nhu cầu tăng cường tự chủ ĐH, vốn được xem là một trọng tâm chính sách nhằm cải thiện động lực đổi mới của các trường. Hai văn bản này thể hiện một sự thận trọng đối với nhu cầu cải cách quản trị ĐH và chú trọng đến tự chủ về tài chính thay vì phải nhấn mạnh nhiều hơn đến tự chủ về nhân sự và hoạt động học thuật.

Cơ chế cho trường phi lợi nhuận

Điều lệ trường ĐH tuy mở rộng thẩm quyền của Hội đồng trường ở các trường công lập nhưng chỉ ở mức “giới thiệu nhân sự” chứ không phải quyết định tuyển dụng và sa thải hiệu trưởng. Ở trường ngoài công lập, mức tự chủ về nhân sự đi xa hơn một chút: HĐQT bầu hiệu trưởng và UBND tỉnh ra quyết định công nhận.

Mặc dù vậy, tự chủ về tài chính có thể là một cơ hội mở ra cho các trường để thực hiện nhiều cải cách nếu họ thực sự có động lực cải cách. Điều cần chú ý nhiều hơn là cơ quan quản lý nhà nước cần nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của các trường, không chỉ là giải trình trước các tổ chức nhà nước có nhiệm vụ quản lý các trường mà còn là trách nhiệm giải trình trước các bên liên quan, trước xã hội và công chúng bởi lẽ quyền tự chủ mà không gắn với trách nhiệm giải trình thì chỉ mang tới thảm họa.

Vấn đề trường ngoài công lập nổi lên như một điểm nóng trong năm 2014 với đỉnh điểm là vụ việc tranh chấp quyền lãnh đạo xảy ra tại Trường ĐH Hoa Sen. Cùng với những gì xảy ra trước đó với Trường ĐH Hùng Vương, vụ việc này được xem như là hệ quả của các chính sách hiện hành. Bởi vậy, đáp ứng với thực tế này, Điều lệ trường ĐH có một chương riêng nói về ĐH không vì lợi nhuận. Mặc dù chưa giải quyết triệt để những vấn đề nền tảng như sở hữu và quản trị song ít nhất Điều lệ trường ĐH cũng đã đưa ra một bộ khung phân biệt bao gồm không quá 20% thành viên HĐQT là nhà đầu tư, không có đại hội cổ đông mà thay vào đó là đại hội toàn trường. Tất cả những điều này nhằm làm giảm sự chi phối của nhà đầu tư và làm tăng ­­­­quyền lực của giới học thuật và các bên liên quan khác.

Điều cần chú ý nhiều hơn là cơ quan quản lý nhà nước cần nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của các trường ĐH, không chỉ là giải trình trước các tổ chức nhà nước có nhiệm vụ quản lý các trường mà còn là trách nhiệm giải trình trước các bên liên quan, trước xã hội và công chúng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Thị Ly (Người Lao Động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN