Giao điện thoại cho học sinh từ sớm, quản lý thế nào?

Sự kiện: Giáo dục

Với lí do thuận tiện liên lạc đưa đón và phục vụ việc học, nhiều phụ huynh sớm trang bị điện thoại thông minh cho con. Có em chập chững vào lớp 1 bậc tiểu học đã sở hữu điện thoại đời mới. Ấy nhưng, giao thiết bị và quản lý con sử dụng thế nào không phải phụ huynh nào cũng nghĩ đến và làm được.

Suýt lỡ cả kỳ thi

Trong giờ giờ lao ngắn ngủi của một trường tiểu học tại Hà Nội, từng nhóm học sinh túm tụm vào điện thoại, ipad thay vì chạy nhảy, nô đùa sau giờ học căng thẳng. Nhóm ngồi trong lớp học, có nhóm tràn ra cả bậc cầu thang thay. Tò mò, tôi ngó vào ipad một nhóm chừng 6 học sinh thấy các em đang say mê chơi và xem game.

Trong các buổi họp phụ huynh, giáo viên cũng khuyến cáo cha mẹ không nên giao điện thoại thông minh cho con quá sớm. Thực tế, việc kiểm soát nội dung trên các trang website hiện nay chưa chặt chẽ, có học sinh đã biết tra từ khóa tìm kiếm phim sex để xem và gọi các bạn cùng xem. Tiếc rằng, lời cảnh tỉnh đó của cô giáo diễn ra trong phạm vi hẹp là lớp học và điều đó có tác động đến phụ huynh hay không cũng là chuyện khác.

Học sinh một trường tiểu học tại Hà Nội túm tụm chơi game ngay cầu thang của trường trong giờ ra chơi.

Học sinh một trường tiểu học tại Hà Nội túm tụm chơi game ngay cầu thang của trường trong giờ ra chơi.

Tâm huyết với giáo dục, bà Đỗ Việt Hiền, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội nói rằng, từng phải nghĩ đủ cách để định hướng các em ngày nay sử dụng điện thoại hữu ích. Trong cuộc đời làm quản lý trường học của mình, bà nói rằng, rất buồn khi chứng kiến một số học sinh bỏ bê học hành chỉ vì nghiện game khi được giao thiết bị điện tử.

Đó là sau trong đại dịch COVID-19, sức học của một số em vốn dĩ khá, giỏi sụt giảm. Tìm hiểu mới biết, được giao thiết bị học tập, học sinh đóng cửa phòng chơi game và nghiện, có em thức thâu đêm để chơi và bố mẹ dường như bất lực. “Nhiều em nghiện lướt tiktok, mạng xã hội. Sẵn có điện thoại, học sinh tiếp cận thông tin xấu độc, chia bè kết nhóm, tẩy chay lẫn nhau”, bà Hiền nói.

Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội, tại điểm Trường THCS một thí sinh suýt lỡ thi chỉ mải chơi game trước cổng trường. Theo lời của phụ huynh, đầu giờ chiều bố chở con trai đến thả cổng trường và yên tâm con đã vào phòng thi. Ông bố ra ngồi quán nước. Đến khoảng gần 14 giờ chiều, người mẹ ở nhà lên mạng thấy tài khoản mạng xã hội của con sáng đèn mới hốt hoảng gọi điện cho chồng hỏi con đã vào phòng thi hay chưa? Người chồng vội vàng quay lại cổng trường thấy con đang đứng tựa gốc cây chơi game vì đang… dở ván. Buổi đó, thí sinh may mắn vào kịp giờ thi chỉ ít phút trước khi bị “cấm cửa”.

Nhiều giáo viên chia sẻ rằng, điện thoại hữu ích cho học tập đối với những em biết sử dụng đúng cách, ngược lại sẽ như con dao hai lưỡi cắt đứt tay người dùng. Một số giáo viên cũng chia sẻ, họ ám ảnh, áp lực khi đa số học sinh có điện thoại lăm lăm trong tay sẵn sàng gài bẫy thầy cô quá lời khiến công việc của họ trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.

Thực tế, đã có những sự việc đáng tiếc xảy ra. Tháng 10/2023, một học sinh ở Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất (Hà Nội) để điện thoại ở gầm bàn quay lại cảnh giáo viên bộ môn Ngoại ngữ mắng chửi học sinh trong giờ học. Cũng thời gian đó, một học sinh Trường THPT Đa Phúc, Hà Nội dùng điện thoại quay lại cảnh học sinh quỳ, khóc lóc ở cửa lớp học và cô giáo túm cổ áo em này kéo đi. Còn nhiều và rất nhiều sự việc ở các trường học các địa phương khác. Lẽ dĩ nhiên, sau khi các video đó phát tán lên mạng xã hội, các giáo viên bị kỷ luật.

Nhiều người ủng hộ xử lý nghiêm nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp tuy nhiên cũng không ít người cho rằng, học sinh mang điện thoại vào lớp, sẵn sàng ghi hình, ghi âm giáo viên trong giờ học là điều không nên.

Nhà trường quản điện thoại, nên chăng?

Liên quan đến điện thoại học đường, ngày 26/7/2023, UNESCO đã đề xuất các quốc gia trên toàn cầu cấm học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường nhằm cải thiện khả năng học tập của học sinh vì thiết bị ảnh hưởng tiêu cực đến cả vấn đề bắt nạt học đường, giảm sự tương tác giữa con người với con người.

Trong khi điều 37, Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT về điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định các hành vi học sinh không được làm, có việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Với quy định này, có thể hiểu học sinh vẫn không bị cấm mang thiết bị điện thoại, điện tử đến trường.

Tuy nhiên, mới đây tại cuộc họp quán triệt thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 của ngành giáo dục Hà Nội với hơn 2.800 nhà trường các cấp, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, việc học sinh mang điện thoại vào lớp học, không ít em chơi điện tử, lướt mạng xã hội, xao nhãng học tập. “Nên chăng, các nhà trường có nội quy, yêu cầu học sinh tắt điện thoại hoặc gửi vào địa điểm an toàn từ đầu giờ đến cuối giờ học mới lấy lại. Mọi nội quy, quy chế các trường làm sao đảm bảo việc dạy học hiệu quả nhất”, ông Cương nói.

TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nói rằng, trong xu thế mở như hiện nay, bố mẹ rất khó có thể “ngăn sông cấm chợ” con với thiết bị điện tử. Bộ GD&ĐT cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học nếu giáo viên cho phép là nhằm tra cứu những thông tin cần thiết, giúp các em tiếp cận được nhiều nguồn học liệu phong phú, hữu ích.

Tuy nhiên, để làm được như vậy, cha mẹ phải hướng dẫn, thậm chí cài đặt các phần mềm quản lý để giúp trẻ sử dụng mạng an toàn. Có thể hiểu, ngày nay nhiều nội dung chưa được kiểm soát nên cho trẻ sử dụng tràn lan trong khi các em chưa có bộ lọc chuẩn sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của trẻ. Lấy ví dụ như, ở nhiều nước game bị quản lý theo độ tuổi. Theo đó, các em ở độ tuổi nào được chơi loại game nào, trong khi đó ở Việt Nam vấn đề này vẫn bị thả nổi dẫn đến có nhiều trò chơi có nội dung bạo lực tác động tiêu cực đến các em.

Tại Hội thảo môi trường internet an toàn tổ chức năm 2023, đại diện Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, độ tuổi trung bình của trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9 tuổi trong khi độ tuổi trung bình trẻ được trao đổi với an toàn thông tin mạng là 13 tuổi. Trẻ em Việt Nam được trang bị điện thoại sớm hơn trẻ trên thế giới 4 năm trong khi chưa có kiến thức, kỹ năng về an toàn mạng là một trong những thách thức dẫn đến rủi ro trên môi trường mạng của trẻ ngày càng gia tăng.

Nguồn: [Link nguồn]

Cha cấm chơi điện thoại, con trai 11 tuổi có hành động này khiến hàng xóm cũng phải sợ hãi

Người cha và con trai đã xảy ra một cuộc cãi vã lớn. Khi cậu bé quá kích động, em đã cầm con dao nhà bếp định tấn công cha mình và hét lớn: “Trả điện thoại đây“.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN