Giao bài tập Tết tạo áp lực vô hình cho học sinh

Sự kiện: Tết Giáp Thìn 2024

Theo các chuyên gia và cơ quan quản lý giáo dục, thời gian nghỉ Tết là thời gian học sinh đang nghỉ ngơi, vui Tết cùng gia đình mà cứ phải lo làm bài tập thì gieo rất nhiều áp lực vô hình cho các em.

Thời gian qua, phụ huynh và học sinh TP HCM có nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên giao bài Tập tết cho học sinh, nhất là học sinh độ tuổi tiểu học. 

Nhiều phụ huynh cho rằng, học sinh tiểu học tuổi còn nhỏ, kỹ năng tự lập, tự học chưa có nhiều, nếu không giao bài tập Tết, thời gian quay trở lại trường để học các em sẽ khó theo kịp  cũng như hòa nhập trở lại. 

"Cần rèn luyện cho các con thói quen như trong năm học. Nghĩa là vẫn phải có bài tập hoặc là những hoạt động giao bài dù là ít để các con nhớ đến chuyện học, không lơ là rồi quên luôn. Không có bài tập, hết thời gian nghỉ Tết, các con sẽ khó tập trung trở lại với nhịp độ học tập ở trường"- chị Phan Nga, một phụ huynh ở quận Bình Thạnh nêu quan điểm. 

Trong khi đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian nghỉ Tết nên để các em học sinh được thoải mái nghỉ ngơi, thư giãn trọn vẹn. "Tết cả gia đình về quê, nếu lúc nào cũng lo lắng hoàn thành bài tập thì nghỉ Tết cũng như không nghỉ. Mặt khác, các con còn nhỏ, học hành hay vui chơi gì cũng phải có phụ huynh kèm cặp. Giao bài tập Tết cho học sinh chẳng khác nào khiến phụ huynh cũng không được nghỉ Tết theo "- anh Hoàng Hùng, phụ huynh tại TP Thủ Đức, bày tỏ. 

Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết các nhà trường không giao bài tập Tết để học sinh được thoải mái tinh thần tận hưởng không khí vui tươi ngày Tết, tình cảm ấm áp ngày Xuân, vui chơi cùng gia đình một cách đúng nghĩa sau những ngày ôn tập và hoàn thành chương trình kiểm tra kết thúc HK1. 

Thông qua các hoạt động vui Xuân, giao tiếp, chia sẻ và du lịch, về quê… thăm và chúc Tết người thân, họ hàng, khách của bố mẹ…, học sinh được học tập trải nghiệm thực tế, có thêm nhiều chất liệu cuộc sống, kỹ năng và hình thành nhân cách, bồi dưỡng phẩm chất. Khi học sinh tham gia các hoạt động vui Xuân sẽ giúp bồi dưỡng thêm yêu quê hương mình.

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, các nhà trường không giao bài tập Tết cho học sinh

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, các nhà trường không giao bài tập Tết cho học sinh

Trước việc nhiều phụ huynh phản ánh về tình trạng học sinh tiểu học phải làm bài tập về nhà quá nhiều, ngay cả dịp Tết, một số trường học vẫn giao bài tập Tết cho học sinh, bà Lâm Hồng Lãm Thúy cho biết Sở GD-ĐT TP sẽ trao đổi với phòng GD-ĐT để nhắc nhở, chấn chỉnh các trường nếu có tình trạng giao bài tập về nhà dịp Tết cho học sinh tiểu học. "Các con đang nghỉ ngơi, vui Tết cùng gia đình mà cứ phải lo làm bài tập, hoàn thành bài tập thì gieo rất nhiều áp lực vô hình cho học sinh"- bà Thúy nói.

Đối với việc giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, theo lãnh đạo phòng giáo dục tiểu học, trước đây, ở chương trình giáo dục phổ thông 2006 đã có chủ trương không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học 2 buổi. Đối với chương trình mới, chương trình 2018 là chương trình 2 buổi/ngày quy định không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học. 

Học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày nên mọi kiến thức, bài tập được giải quyết trên lớp. Do vậy, thời gian ở nhà là để học sinh tự ôn tập và chuẩn bị bài mới; dành thời gian giao tiếp, chia sẻ và cùng nhau chăm sóc, quan tâm người thân: ông bà, cha mẹ, anh em... sau thời gian cả ngày ở trường để xây dựng sự gắn kết tình cảm trong gia đình; giúp đỡ việc nhà cho gia đình.

Thời gian ở nhà cũng giúp huynh học sinh có thời gian lắng nghe con chia sẻ để cùng thầy cô, nhà trường giúp con tiến bộ và phát huy năng lực/phẩm chất; dành thời gian để HS được kết nối thông tin, giải trí, tiếp cận với các môn thể dục thể thao hoặc nghệ thuật. 

"Giao bài tập về sẽ gây áp lực cho phụ huynh học sinh khi năng lực tự học và tự giải quyết vấn đề của học sinh cần sự trợ giúp thì phụ huynh lại phải thay vai trò thầy cô đôi lúc sẽ áp lực lên cả 2 phía và mất tình cảm gia đình khi dạy con học"- bà Thúy khẳng định.

Để học sinh chủ động sắp xếp

Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy, việc học tập ở nhà là thái độ và kỹ năng tự học của học sinh vẫn cần khuyến khích. Các em sẽ tự giác ôn tập lại bài cũ và chuẩn bị bài mới hoặc các em sẽ chuẩn bị phần việc được thầy cô/bạn bè giao nếu có dự án của nhóm hoặc chuẩn bị nhiệm vụ học tập trước khi lên lớp của "Lớp học đảo ngược".

Vì vậy, nên để học sinh chủ động được sắp xếp quỹ thời gian ở nhà và có sự giám sát của cha mẹ, người thân để các em không cảm thấy áp lực và chán ghét việc đến trường đi học.

Chuyên gia cho rằng, các thầy cô cần sáng tạo, đưa ra những bài tập phù hợp nhằm ôn tập kiến thức tránh kỳ nghỉ trở thành nỗi ám ảnh với học sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN