Giành suất lớp 6 tại các trường 'nóng' ở Hà Nội
Ngoài tuyển sinh theo tuyến, các trường “nóng” về tuyển sinh lớp 6 năm nay đã chuẩn bị các điều kiện để tuyển sinh. Điểm mới là thay vì xét tuyển, các trường có lượng học sinh đăng ký vượt chỉ tiêu được xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh bằng 3 bài thi Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh.
Ðiều kiện tuyển sinh gắt gao
Hướng dẫn về tuyển sinh đầu cấp lớp 6 năm học 2019-2020 của Sở GD&ĐT Hà Nội nêu rõ, phương thức tuyển sinh vào các trường công lập vẫn giữ phương thức xét tuyển theo tuyến do UBND quận, huyện, thị xã quy định và tiếp tục sử dụng phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến. Các trường THCS tuyển sinh theo hình thức trực tuyến từ ngày 7-9/7 hoặc phụ huynh mang hồ sơ trực tiếp đến trường nộp từ ngày 13 đến 18/7.
Riêng các trường THCS được công nhận trường chất lượng cao, tuyển sinh lớp 6 không theo tuyến và có số lượng học sinh đăng ký vượt chỉ tiêu có thể kết hợp xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực. Trong đó, điểm kiểm tra sẽ nhân hệ số hai cộng với điểm xét tuyển. Điểm xét tuyển căn cứ vào hồ sơ học bạ 5 năm tiểu học và điểm ưu tiên.
Một trong những trường “nóng” về tuyển sinh đầu cấp top đầu như THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã sớm thông báo phương thức tuyển sinh, tiêu chuẩn hồ sơ thì đa số các trường chất lượng cao đến thời điểm này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Để đỗ vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam năm nay, học sinh phải trải qua 2 vòng xét tuyển và kiểm tra, đánh giá gắt gao. Vòng xét tuyển hồ sơ, chính là xét hồ sơ, học bạ, trong đó tổng điểm kiểm tra cuối kỳ các môn Toán, Tiếng Việt lớp 1,2 phải đạt 39 điểm trở lên (chỉ được phép 1 điểm 9 duy nhất); tổng điểm kiểm tra các môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý đạt 40 điểm/ năm. Phụ huynh học sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường từ ngày 27 đến 29/5. Ngày 30/5, trường sẽ tổ chức xét tuyển, những thí sinh lọt qua vòng xét tuyển mới dự 3 bài kiểm tra, đánh giá năng lực gồm: Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh ngày 11/5. Đề thi do giáo viên của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam ra.
Cuộc đua vào lớp 6 trường điểm lại bắt đầu nóng ở Hà Nội Ảnh minh họa: N.H
Ngoài các trường chất lượng cao, các trường lâu nay “nóng” về tuyển sinh đầu cấp như: THCS Lương Thế Vinh; Marie; Đoàn Thị Điểm; THCS Nguyễn Siêu…cũng thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh.
Trường THPT -THCS Marie Curie Hà Nội năm nay dự kiến sẽ tuyển sinh khoảng 450 em vào lớp 6. Trường này không yêu cầu khắt khe về điều kiện dự tuyển, chỉ cần học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, đúng độ tuổi, có sức khoẻ bình thường. Tuy nhiên, học sinh đăng ký dự tuyển, phải trải qua hai bài kiểm tra đánh giá năng lực gồm Toán và Tiếng Anh. Trong đó, đề thi sẽ do giáo viên của trường ra bộ đề kiểm tra trắc nghiệm môn Toán 40 câu hỏi, học sinh làm bài trong thời gian 60 phút. Bài kiểm tra môn Tiếng Anh sẽ gồm 60 câu hỏi, học sinh làm bài trong thời gian 60 phút. Điểm tuyển sinh sẽ được tính bằng điểm hai môn cộng điểm ưu tiên.
Trường THCS -THPT Lê Quý Đôn, quận Nam Từ Liêm tuyển sinh khoảng 300 học sinh vào lớp 6. Trong đó, có các lớp đào tạo như: Tiếng Anh nâng cao; năng khiếu tiếng Anh; năng khiếu Toán; chất lượng cao… Mỗi lớp tối đa 30 học sinh. Để tuyển sinh lớp 6 năm nay, trường này cũng kết hợp cả xét tuyển hồ sơ, phỏng vấn lẫn khảo sát năng lực môn Toán, Tiếng Anh. Đặc biệt, ở lớp năng khiếu Toán, học sinh phải trải qua phần khảo sát môn Tiếng Anh gồm cả phần tự luận, trắc nghiệm và kiểm tra kỹ năng nghe nói với giáo viên nước ngoài. Còn môn Toán (môn điều kiện) cũng phải đạt 5 điểm trở lên.
Trường THCS Lương Thế Vinh năm nay phát hành ra 1.500 bộ hồ sơ/ mỗi cơ sở từ ngày 25/4. Trong đó, điều kiện dự tuyển là học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, các bài kiểm tra các môn Toán, Tiếng Việt cuối kỳ phải đạt từ điểm 9 trở lên. Khi đủ điều kiện nộp hồ sơ, học sinh sẽ trải qua bài kiểm tra, khảo sát năng lực các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh.
Kiểm tra và có các điều kiện là giải pháp tốt
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, khi nhà trường chỉ có ít chỉ tiêu tuyển sinh, trong khi nhu cầu của phụ huynh quá lớn thì việc đưa ra điều kiện dự tuyển như vậy để loại bớt học sinh từ vòng đầu là điều nên làm. Điều này, sẽ khiến cho nhà trường cũng như những học sinh chưa đủ điều kiện đỡ vất vả, áp lực.
Cũng theo ông Bình, việc tuyển sinh lớp 6 trong những năm gần đây có những diễn biến làm cho cha mẹ lo lắng, học sinh phải học thêm hay học các môn khác để lấy điểm cộng xét tuyển. Khi tổ chức thi tuyển, học sinh lại lao vào công cuộc ôn luyện vất vả, mất thời gian và khá áp lực. “Cha mẹ học sinh đang có xu hướng quá kỳ vọng, quá gây áp lực cho con mình để thi vào trường chuyên, lớp chọn không cần thiết. Vì ở tuổi đó, học sinh cần có môi trường học tập lành mạnh để phát triển thể chất, tinh thần và phát triển các năng lực khác trong khi các em đang lao vào học các môn văn hoá.
“Vì vậy phụ huynh nên cân nhắc lựa chọn môi trường phù hợp. Cuộc đời học sinh không quá dài, học sinh đến trường không phải chỉ để học mà còn phải có niềm vui. Cứ cắm đầu vào học văn hoá chưa chắc sau này đã thành công mà thành công cần có các kỹ năng khác”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Xuân Khang cũng cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh đơn giản chỉ là bài kiểm tra lại kiến thức cơ bản học sinh đã được học trong chương trình, học sinh không nên đi học thêm, luyện thi gây căng thẳng, áp lực.
Bà Văn Thuỳ Dương, Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cũng cho rằng, phương thức xét tuyển kết hợp làm bài kiểm tra tạo điều kiện thuận lợi cho các trường rất nhiều trong việc tuyển học sinh có chất lượng. Trước mùa tuyển sinh, trường sẽ tổ chức các buổi hướng dẫn ôn tập cho học sinh đăng ký dự thi tại trường để biết phương thức làm bài, do đó học sinh không nên đi ôn luyện ở các lò luyện thi. Cũng theo bà Dương, những thông tin quảng cáo như giáo viên giỏi của trường, tham gia vào ban ra đề đi ôn luyện ở các trung tâm là không chính xác.
Năm học 2019 - 2020 sẽ là năm thứ tư Sở GD&ĐT TP.Hà Nội triển khai hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm...