Giảng viên luật kêu: Coi chừng TS rớt oan môn GDCD!
TS Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng đề thi môn giáo dục công dân trong kỳ thi quốc gia vừa qua có nhiều câu hỏi đặt ra tình huống pháp lý không rõ ràng, không đủ dữ liệu. Vì vậy sẽ không thể có câu trả lời chính xác. Thậm chí có câu hỏi có thể cho ra hai, ba đáp án, trong khi đáp án của Bộ chỉ có chọn 1 trong 4 (A/B/C/D).
Ví dụ, có câu hỏi anh C tung tin đồn thất thiệt về chị T trên mạng xã hội nên chị B kể lại việc này với chị T. Sau khi yêu cầu anh C gỡ bỏ thông tin sai lệch về mình mà không được, chị T rất bực mình. Thương bạn, chị B đã tung tin cả nhà anh C bị nhiễm HIV khiến gia đình anh C bị kỳ thị còn anh C bị trầm cảm. Chị B đã vi phạm pháp luật nào dưới đây:
A. Dân sự.
B. Hình sự.
C. Hành chính.
D. Kỷ luật.
Theo TS Tuyết Dung, trong tình huống pháp lý trên, không có đủ dữ liệu để nhận định chị B tung tin như thế nào, gia đình anh C bị kỳ thị thế nào và anh C bị trầm cảm thế nào. Ở đây có thể có hai đáp án là vi phạm pháp luật hình sự hoặc hành chính đều đúng.
Hoặc tình huống trong câu hỏi sau: Chị T nhặt được công văn mật do giám đốc B làm rơi trên đường về nhà rồi mở ra xem rồi nhờ anh P in sao để đăng tải lên mạng xã hội. Nội dung này được anh K chia sẻ trên trang tin cá nhân. Những ai dưới đây đã vi phạm quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín?
Chị T và anh P.
Giám đốc B, chị T và anh P.
Giám đốc B, chị T, anh P và anh K.
Giám đốc B và chị T.
Theo TS Tuyết Dung, ở tình huống này, không rõ công văn mật là mật ở mức độ nào và việc làm rơi trên đường ra sao. Vì vậy mà việc giám đốc B có vi phạm hay không là rất khó xác định.
Một đề thi có nhiều tình huống pháp lý nhưng dường như chưa được cân nhắc chặt chẽ các yếu tố pháp lý, TS Dung chia sẻ.
Chiều 24/6, sau khi kết thúc môn thi cuối của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT công bố đề và đáp án tất cả môn thi.